Cập nhật hướng dẫn điều trị bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn (BTM) là tình trạng chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động nên không thể đào thải các chất độc, dịch thừa ra khỏi cơ thể, có thể dẫn tới hàng loạt các biến chứng. Khi bệnh thận mạn tiến triển nặng đến suy thận giai đoạn đoạn cuối, người bệnh cần phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Bệnh thận mạn – Kẻ giết người thầm lặng

Bệnh thận mạn là một căn bệnh nguy hiểm, thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, có rất nhiều bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, làm tăng nguy cơ tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối và người bệnh phải điều trị thay thế thận. Điều này không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn là những người có tiền sử hoặc đang mắc ít nhất một bệnh lý sau: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch (suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ…), thừa cân, béo phì, suy thận cấp, tổn thương thận cấp, sỏi thận, sỏi niệu và các bệnh hệ thống...

Đối với những người có nguy cơ cao cần được sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm. Bệnh thận mạn tính có thể được chẩn đoán sớm thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Sàng lọc là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe thận của bạn và đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả nhất khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.

GS. Võ Tam, phó chủ tịch Hội VUNA với bài trình bày về những cập nhật trong điều trị bệnh thận mạn

GS. Võ Tam, phó chủ tịch Hội VUNA với bài trình bày về những cập nhật trong điều trị bệnh thận mạn

Điều trị bệnh thận mạn có gì mới?

Tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 18 của Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam (VUNA) diễn ra từ ngày 22-24/08/2024 tại TP. Huế, đã công bố ''Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận".

Đây là tài liệu chuyên môn do các chuyên gia đầu ngành của VUNA phối hợp cùng Bộ Y Tế Việt Nam soạn thảo và ban hành, là cơ sở để các bác sĩ có thể áp dụng trong thực hành lâm sàng nhằm tối ưu bảo vệ bệnh nhân bệnh thận mạn và giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Hướng dẫn điều trị này đã nhấn mạnh vai trò của nhóm thuốc ức chế SGLT2 (Sodium – Glucose Co-transporter 2) trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn. Nhóm thuốc ức chế SGLT2 là một trong những tiến bộ nổi bật trong lĩnh vực y khoa của thế kỷ 21, với lợi ích đã được chứng minh trong quản lý toàn diện các bệnh tim mạch – thận – chuyển hóa. Chính vì vậy, thuốc ức chế SGLT2 được khuyến cáo trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân suy tim và bệnh nhân bệnh thận mạn.

Phiên hội thảo về vai trò thuốc ức chế SGLT2 trong điều trị bệnh nhân tim mạch – thận – chuyển hóa nhận được sự quan tâm từ các bác sĩ tham dự hội nghị.

Phiên hội thảo về vai trò thuốc ức chế SGLT2 trong điều trị bệnh nhân tim mạch – thận – chuyển hóa nhận được sự quan tâm từ các bác sĩ tham dự hội nghị.

GS. Võ Tam, Phó Chủ tịch Hội VUNA chia sẻ: “Năm 2024 được coi là bước ngoặt với chuyên ngành thận học khi cả trên thế giới và tại Việt Nam đều công bố khuyến cáo điều trị và hướng dẫn thực hành, là cơ sở giúp các bác sĩ lâm sàng phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân bệnh thận mạn. Đây là cơ hội mở ra hi vọng cho rất nhiều người mắc bệnh thận mạn vì đã từ lâu không có nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh lý này”.

Hội nghị khoa học thường niên VUNA lần thứ 18 và Hội nghị khoa học Hội Tiết niệu - Thận học Thừa thiên Huế lần thứ 16 (gọi tắt là HueUNA 2024) được tổ chức tại TP. Huế, là dịp để các nhà khoa học, các bác sĩ trong chuyên ngành Niệu khoa, Thận học và các chuyên ngành liên quan có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm để cùng phát triển...

Mời độc giả xem thêm:

Khánh Chi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cap-nhat-huong-dan-dieu-tri-benh-than-man-169240824124138424.htm