Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ công đoàn chủ chốt
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đã xác định mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
Sáng 1/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.
Học viên tham dự là Chủ tịch Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và trưởng các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đã xác định mục tiêu tổng quát đó là: Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội.
Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia Công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát nêu trên, Đại hội đã đề ra 10 nhóm chỉ tiêu phấn đấu, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 3 khâu đột phá. Từ các nhóm chỉ tiêu, giải pháp, các khâu đột phá được Đại hội đề ra.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, một trong những nhiệm vụ quan trọng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã đặt ra là, đổi mới căn bản chương trình, nội dung, giáo trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn theo hướng chuẩn hóa, khoa học thực tiễn, thống nhất, sáng tạo. Trong đó, có nội dung xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ chủ chốt tại các cấp Công đoàn.
Trên thực tiễn, các cán bộ chủ chốt đứng đầu Công đoàn các tỉnh, thành phố, ngành, địa phương do xuất phát từ nhiều vị trí công tác khác nhau, có người trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn, nhưng cũng có những cá nhân từ các cương vị lãnh đạo quản lý thuộc tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể, được tín nhiệm giới thiệu để bầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Công đoàn ngành, địa phương. Vì lý do nêu trên, cho nên rất cần được trao đổi để nắm bắt nội dung, kỹ năng mới trên các mặt công tác Công đoàn.
Chương trình bồi dưỡng được tổ chức trong 5 ngày, với 15 chuyên đề; báo cáo viên là các các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Thường trực Tổng Liên đoàn, các chuyên gia giàu kinh nghiệm am hiểu về tổ chức và hoạt động của Công đoàn.
15 chuyên đề cung cấp những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nền tảng phục vụ cho nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Công đoàn. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị, các đại biểu phát huy tinh thần, tập trung tiếp thu, chủ động nghiên cứu tài liệu, tích cực trao đổi, thảo luận; nêu khó khăn trong thực tế công tác tại ngành, địa phương, trên tinh thần thật sự cầu thị, trao đổi thẳng thắn, nắm bắt các vấn đề thật thấu đáo để sau tập huấn, có thể áp dụng ngay những nội dung, kiến thức, hiểu biết được trao đổi tại lớp tập huấn vào thực tiễn hoạt động tại đơn vị.