Cập nhật kiến thức về năng lượng tái tạo cho cán bộ làm công tác đối ngoại ở địa phương
Ngày 10/6 tại Hà Nội, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream và Hiệp hội Điện gió toàn cầu tổ chức chương trình Tọa đàm 'Toàn cảnh ngành năng lượng tái tạo Việt Nam: Cơ hội và thách thức' dành cho các địa phương.
Tham dự chương trình Tọa đàm có Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao; TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ; đại diện của Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream và Hiệp hội Điện gió toàn cầu, các chuyên gia quốc tế cao cấp và đại diện của 24 tỉnh thành phố là các địa phương đã và đang phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh: từ nhiều năm nay, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã hết sức chú trọng tới việc thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức cho Lãnh đạo và cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài các chương trình đào tạo bồi dưỡng theo các Đề án đào tạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ còn phối hợp với ngày càng nhiều đối tác nước ngoài tổ chức các khóa học, các buổi tọa đàm, các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kiến thức cho các cán bộ đang công tác tại các địa phương của Việt Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trân trọng cảm ơn Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream là đơn vị tài trợ cho chương trình, cảm ơn Hiệp hội Điện gió toàn cầu và tất cả các đơn vị, tổ chức liên quan khác đã tích cực giúp đỡ phối hợp để tổ chức chương trình Tọa đàm.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết: Cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng…
Do vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã quyết định từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn năng lượng sinh khối, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… Đây được coi là một trong những giải pháp hướng tới phát triển bền vững.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, trong đó đã nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển nhanh những lĩnh vực năng lượng tái tạo có nguồn tài nguyên lớn và phát triển thương mại tốt như năng lượng điện gió, năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện sinh khối.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)
Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đang đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, đất nước chịu tác động khá trầm trọng của biến đổi khí hậu, nhưng lại có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo. Trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện, than, dầu khí đều ngày càng cạn kiệt thì việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, vừa góp phần giảm phát khí thải nhà kính trong mục tiêu toàn cầu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định, với tinh thần trên, chương trình Tọa đàm có ý nghĩa hết sức thiết thực. Các vị đại biểu đều là đại diện cho các địa phương có thế mạnh đã và đang phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo của đất nước.
Đại sứ bày tỏ hy vọng, với sự tham gia thuyết trình của các chuyên gia quốc tế cao cấp, các thông tin và kiến thức được chia sẻ trong chương trình sẽ giúp lãnh đạo các Cơ quan Ngoại vụ và Sở Công thương nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhằm tư vấn chính xác cho các cấp Lãnh đạo trong quá trình thu hút đầu tư cũng như phát triển ngành năng lượng tái tạo tại địa phương mình.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào 3 vấn đề quan trọng, bao gồm: “Xu hướng năng lượng tái tạo, cơ hội và phát triển ở Việt Nam”; “Vòng đời dự án năng lượng tái tạo”; “Hiện trạng năng lượng tái tạo ở Việt Nam và tiềm năng tài nguyên năng lượng tái tạo”.
Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ nhấn mạnh, Tọa đàm đã làm cho bức tranh toàn cảnh về năng lượng tái tạo của Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét hơn, các đại biểu với những kinh nghiệm quản lý thực tiễn tại địa phương của mình có cơ hội cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển năng lượng tái tạo và hội nhập quốc tế tại địa phương.
Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long cho biết, sẽ báo cáo kết quả Tọa đàm lên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và phối hợp với Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream để tiếp tục triển khai và cải tiến hình thức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chất lượng, hiệu quả và thiết thực hơn trong thời gian tới.