Cập nhật mưa lũ ngày 29-9: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cử 102 cán bộ, chiến sĩ giúp dân
Mặc dù mưa đã hết, nhưng nước lũ vẫn dâng cao ở một số sông đe đọa đến đời sống, sản xuất của người dân một số địa phương.
* Để chống ngập úng cho cây trồng, các địa phương, đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi đã vận hành các công trình cống, bơm tiêu để tiêu thoát nước.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25 đến 29-9 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, gây ngập khoảng 1.078 ha diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây, khoảng 2.417 ha diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập.
Đến chiều 29-9, toàn tỉnh đang vận hành 44 trạm bơm tiêu chống ngập úng cây trồng và các khu vực dân sinh bị ngập lụt. Trong đó, có 3 trạm bơm tiêu do cấp huyện quản lý và 41 trạm bơm tiêu do các Công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành. Ngoài ra, các địa phương và các Công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành các cống tiêu tự chảy đảm bảo tiêu úng cho các khu vực ngập lụt.
Hiện các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi đang tiếp tục cập nhật tình hình mưa, lũ, chuẩn bị các điều kiện để vận hành các trạm bơm, bảo vệ cây trồng.
* Thực hiện Điện chỉ đạo của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và công văn chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS tỉnh Thanh Hóa về việc chủ động ứng phó với hoàn lưu sau áp thấp nhiệt đới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới tổ chức triển khai và thực hiện một số nhiệm vụ.
Theo đó, các đơn vị BĐBP trên 2 tuyến biên giới theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tham mưu phối hợp với địa phương rà soát các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng để di dời đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, thông báo, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm được vùng biển có thời tiết, khí hậu nguy hiểm để chủ động phòng tránh.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị bổ sung kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của trên, thường trực lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.
Theo báo cáo của các đơn vị, từ ngày 25-9 đến 29-9 trên 2 tuyến biên giới có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, đã làm sạt lở đất đá và tốc mái nhà một số hộ dân trên tuyến biên giới đất liền. Cụ thể, có 2 hộ dân bị sạt lở đất vùi lấp nhà cửa, 17 hộ dân bị đất, đá sạt lở vào sân vườn nhà. Đối với hoa màu, có khoảng 2,5 ha lúa bị trôi, vùi lấp hoàn toàn, 2000 m2 ao cá bị cuốn trôi, xảy ra 6 điểm sạt lở đất đá.
Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cử 102 cán bộ, chiến sĩ giúp dân di dời tài sản khỏi khu vực bị sạt lở tới nơi an toàn, cử lực lượng cắm biển báo, túc trực tại các địa điểm có nguy cơ bị sạt lở nhằm cảnh báo người dân không qua lại, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho Nhân dân. Đồng thời đã tổ chức vận động di dời 6 hộ/21 khẩu ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát và xã Yên Khương, huyện Lang Chánh.
Các đơn vị: Đồn Biên phòng Tam Thanh, Yên Khương, Pù Nhi, Tiểu đoàn huấn luyện cơ động tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống phối hợp với địa phương vận động và di dời các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đến vị trí trú ẩn an toàn, khắc phục hậu quả sạt lở đất đá, khơi thông dòng chảy, nhanh chóng khắc phục các điểm đường giao thông bị sạt lở, ách tắc.
* Sáng 29-9, Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thành Nguyễn Thanh Hào cho biết lũ sông Bưởi dâng cao lên mức báo động 2, gây ngập úng nhiều nhà dân ở huyện Thạch Thành. Giao thông trên tuyến tỉnh lộ 523 qua xã Thành Trực bị chia cắt do nước ngập sâu. Hiện các lực lượng chức năng huyện Thạch Thành vẫn đang tổ chức ứng trực, thực hiện các phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Tại xã Thành Trực, lũ dâng cao đã khiến tỉnh lộ 523 qua địa bàn bị ngập từ đêm qua. Chiều dài đoạn đường bị ngập khoảng 1,8 km, nhiều đoạn ngập sâu trên 1,5 m. Đường ngập đã khiến giao thông đến trung tâm xã Thành Trực và các xã trên tuyến bị tê liệt.
Lũ dâng cao cũng khiến 14 số hộ dân với 60 nhân khẩu sinh sống phía bờ sông Bưởi (phía ngoài tỉnh lộ 523) bị ngập. Lực lượng chức năng xã Thành Trực đã tổ chức hỗ trợ toàn bộ số hộ dân này đến nơi ở an toàn.
Nước lũ dâng cao khiến 65 ha lúa và hoa màu, 177 ha mía của người dân xã Thành Trực bị ngập.
Do mực nước ở thượng nguồn đổ về nhanh, đêm qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Thạch Thành đã phát lệnh báo động 2 trên sông Bưởi. Yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan đóng trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, sẵn sàng tổ chức sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn. Tuyên truyền và sơ tán ngay người già, trẻ em tại các khu vực đang sạt lở đến nơi an toàn...
Còn tại khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, nước lũ dâng cao đã gây ngập một số hộ dân sinh sống phía ngoài đê bao. Lực lượng dân quân tự vệ đã tổ chức hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc lên vị trí cao. Một số hộ dân sinh sống ở khu vực trũng thấp thì được di dời đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, từ 14-9 đến tối ngày 28-9, mưa lũ đã gây sạt lở 6 điểm với tổng chiều dài 200 m bờ sông Bưởi, nguy cơ tiếp tục sạt lở 350 m, ảnh hưởng đến 20 hộ, 72 khẩu tại các thôn Định Hưng, Thạch An, Tiến Thành, xã Thạch Định.
Mưa lũ cũng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu và mía của người dân bị ngập. Các trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện đang hoạt động hết công suất.
Đến 8h sáng nay, lũ trên sông Bưởi bắt đầu rút chậm, các lực lượng chức năng vẫn tổ chức ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi có tình huống xấu xảy ra.