Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 24/10
Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí đầu bảng thế giới; Miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường trong vài ngày tới; Australia ký cam kết toàn cầu cắt giảm 30% lượng khí thải metan... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Hà Nội và TP. HCM ô nhiễm không khí đầu bảng thế giới
Sáng nay, trong bảng xếp hạng các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới của IQAir, TP. Hà Nội và TP.HCM của Việt Nam lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 chỉ sau Lahore của Pakixtan.
Ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở nhiều nơi xuất hiện. Trong bảng xếp hạng chất lượng không khí tại Việt Nam theo thời gian thực của ứng dụng IQAir, Hà Nội là thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất nước với chỉ số AQI trung bình là 202. Tiếp đó là Bắc Ninh 171, Thanh Hóa 165, TP.HCM 161, An Giang 154, Thái Nguyên 153, Lạng Sơn 118…
Cũng tại ứng dụng này cảnh báo, Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 21.9 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Nồng độ PM2.5 tại TP.HCM hiện cao gấp 16.4 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Ứng dụng này khuyến nghị đeo khẩu trang khi ra ngoài, đóng kín cửa sổ, tránh tập thể dục ngoài trời, sử dụng máy lọc không khí...
Trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PamAir, nhiều điểm ở Thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí cảnh báo màu tím, có nơi chỉ số AQI trên 300 – là mức cực kỳ cao, nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể, vào lúc 8h15 phút, tại điểm đo tại Trường mầm non thực hành Hoa Sen có chỉ số AQI là 312, Trường mầm non Việt – Bun 233, Bát Khối (Long Biên) 264, Phúc Lợi (Long Biên) 234, Đội Cấn 195, Quan Hoa 159, Chùa Láng 182, Thanh Xuân 185, Time City 186, Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy) 197….
TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, để chủ động phòng tránh không khí chất lượng xấu, người dân cần theo dõi kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội. Đồng thời, có thể tham khảo thêm kết quả quan trắc bằng trạm cảm biến của một số tổ chức để chủ động nắm bắt được các thông tin về chất lượng không khí. Nếu nhận thấy chỉ số AQI (Chỉ số chất lượng không khí) ở mức độ cao thì cần hạn chế ra đường, nhất là với người già, trẻ em. Nếu buộc phải ra đường cần phải đeo khẩu trang hoặc áp dụng các biện pháp khác để hạn chế phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 trong không khí.
TP.HCM có thể mưa lớn và ngập nhiều nơi trong chiều nay
Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ vừa phát cảnh báo về tình trạng ngập nước do mưa lớn và triều cường dâng trên khu vực.
Theo đó, trong ngày 24/10, thời tiết Nam Bộ có mây thay đổi, ngày nắng nhưng không kéo dài. Từ đầu giờ chiều, mây đối lưu phát triển gây mưa rào rải rác, có nơi mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng sét, gió giật mạnh.
Trọng tâm mưa lớn tập trung ở khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Tây, còn nền nhiệt độ ở miền Đông giảm nhẹ. Mưa trùng với thời điểm triều cường dâng nên có khả năng gây ngập úng ở các khu vực trũng thấp, ven sông.
Trong 2-3 ngày tới, Nam Bộ chiều tối có mưa rào rải rác, có nơi mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to.
Từ 26-30/10, Nam Bộ có khả năng đón một đợt triều cường mới khiến nhiều vùng trũng thấp ven biển đối mặt nguy cơ ngập úng diện rộng. Đỉnh triều tại TP.HCM đợt này khả năng xuất hiện vào ngày 25-27/10 (mùng 1-3 tháng 10 Âm lịch), lúc 5-7h và 17-19h.
Tại trạm Phú An và Nhà Bè, triều cường có thể lên mức 1,60-1,65 m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 là 0,05 m). Tại trạm Thủ Dầu Một có thể lên mức 1,7-1,75 m (cao hơn báo động 3 là 0,1-0,15 m). Cơ quan khí tượng cảnh báo đây là kỳ triều cường cao, người dân cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp và ven sông.
Miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường trong vài ngày tới
Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết, khoảng đêm 24, ngày 25/10 áp cao lạnh địa tăng cường yếu lệch Đông trở lại; áp và độ ẩm ít thay đổi, sau tăng yếu. Trung Bộ chịu ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa này kết hợp, từ đêm 24/10 có khả năng hình thành nhiễu động gió Đông trên cao trên khu vực Trung Bộ; áp ít thay đổi, độ ẩm giảm sau tăng. Tây Nguyên và Nam Bộ nằm ở rìa phía Nam của hệ thống thời tiết phân tích trên; áp và độ ẩm thay đổi ít.
Nhận định hình về tình thế thời tiết từ đêm 25/10 đến ngày 1/11, áp cao lạnh lục địa có cường độ yếu; sau có khả năng được tăng cường trở lại vào khoảng ngày 28-29/10 và 1-2 ngày cuối.
Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ổn định, khoảng ngày 28-29, áp cao cận nhiệt đới có xu hướng suy yếu và rút dần ra phía Đông; trong khi đó khoảng từ ngày 24-26/10 có khả năng hình thành một vùng nhiễu động trong đới gió Đông trên cao và tác động đến thời tiết khu vựcTrung Bộ.
Cơ quan khí tượng cũng cho biết, dự báo khoảng 25-26/10, miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường lệch đông nên khu vực Đông Bắc có mưa, mưa rào và dông, cục bộ mưa to, nền nhiệt giảm. Từ ngày 27/10, miền Bắc lại tạnh ráo.
Cảnh báo, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên: ngày 26/10, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Khoảng từ ngày 30/10-02/11 khả năng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.
Khu vực Nam Bộ: từ ngày 26-27/10 chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông trên cao nên dự báo từ đêm 24/10 đến ngày 26/10, các tỉnh Thanh Hóa đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt từ 70-150mm, có nơi trên 200mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo sau đợt mưa dông này, khoảng 30/10-2/11, các tỉnh miền Trung tiếp tục đón một đợt mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.
Hậu Giang tiếp tục ứng phó với đợt triều cường kết hợp mực nước dâng cao
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, hiện tại mực nước trên sông Hậu đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và mực nước sông, kênh, rạch, nội đồng trong tỉnh đang lên nhanh và ở mức cao trên báo động III từ 0,15-0,26m và dự báo tiếp tục lên nhanh vào những ngày tới, gây ngập lụt nhiều nơi trong tỉnh.
Dự báo mực nước ở tỉnh Hậu Giang khu vực ảnh hưởng triều biển Đông và dòng chảy trên sông Hậu đạt đỉnh triều cường vào ngày 25- 27/10. Khu vực ảnh hưởng triều biển Tây đạt đỉnh vào ngày 26-29/10.
Mực nước cao nhất tại Trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,72 -1,80m trên báo động III từ 0,32-0,40m; tại Trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,85-0,90m trên báo động III từ 0,10-0,15m, gây ngập lụt sâu, trên diện rộng tại các địa phương như huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp, với thời gian kéo dài từ 5-8 ngày. Các địa phương còn lại ngập lụt cục bộ với thời gian kéo dài từ 6-10 ngày.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, triều cường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo của triều cường thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng, chống thiên tai.
Tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ ảnh hưởng triều cường, mưa lớn gây ngập cục bộ. sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản; thu hoạch hoa màu, lúa,... đến thời kỳ thu hoạch, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, triều cường. Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…
Australia ký cam kết toàn cầu cắt giảm 30% lượng khí thải metan
Ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Australia Chris Bowen cho biết, chính phủ nước này đã tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu. Động thái này đóng vai trò quan trọng cho các nỗ lực đa phương nhằm giảm phát thải khí metan toàn cầu.
Ông Bowen cho biết, qua việc tham gia Cam kết, Australia sẽ cùng với các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, Brazil và Indonesia xác định các cơ hội để giảm lượng khí thải.
Chính phủ Australia sẽ tiếp tục khử carbon trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và rác thải, đồng thời thu giữ khí thải mêtan để tạo ra điện năng.
Theo Bộ trưởng Bowen, để thực hiện cam kết, chính phủ sẽ dành 3 tỷ đô la Úc (1,91 tỷ USD) từ Quỹ tái thiết quốc gia 15 tỷ USD để hỗ trợ công nghệ phát thải thấp và sản xuất linh kiện, cũng như giảm khí mêtan trong nông nghiệp.
Nỗ lực giảm khí thải mêtan do Mỹ và EU dẫn đầu, cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030. Hơn 100 quốc gia đã tham gia thúc đẩy việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sáng kiến nhằm giải quyết một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Trao đổi với phóng viên tại Sydney, Bộ trưởng Bowen nhấn mạnh: "Canada, với nền kinh tế rất giống với Australia, Brazil, Argentina, New Zealand và Liên minh châu Âu, đều là các bên ký kết và việc Australia tham gia là điều phù hợp".