Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/9

Nước lũ dâng 'đỉnh', hơn 300 trường tại Nghệ An cho học sinh nghỉ học; Vườn Quốc gia Côn Đảo ấp nở và thả về biển gần 123.000 rùa biển; Nỗi lo về biến đổi khí hậu đằng sau bão Ian và Noru... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Nước lũ dâng "đỉnh", hơn 300 trường tại Nghệ An cho học sinh nghỉ học

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, từ sáng 28/9 đến hôm nay 29/9, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa lớn gây chia cắt, ngập lụt. Nhiều trường học buộc phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, đã có 13/21 huyện, thị có học sinh nghỉ học gồm Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Con Cuông, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Anh Sơn, Thanh Chương. Trên toàn tỉnh, có hơn 300 trường nghỉ tổ chức dạy học để đảm bảo an toàn do ảnh hưởng của bão số 4, mưa to trên diện rộng.

 Nước lũ dâng "đỉnh", hơn 300 trường tại Nghệ An cho học sinh nghỉ học.

Nước lũ dâng "đỉnh", hơn 300 trường tại Nghệ An cho học sinh nghỉ học.

Tại huyện Quỳnh Lưu, từ sáng sớm, tất cả trường THCS, tiểu học, mầm non đã thông báo cho học sinh nghỉ do mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ. Thầy Trần Xuân Nhương – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Mưa lớn liên tục từ chiều và suốt đêm hôm qua (28/9) trên toàn huyện khiến giao thông ở nhiều xã, thị trấn chia cắt, ngập lụt cục bộ. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng đã chỉ đạo các trường trước mắt cho học sinh nghỉ ngày 29/9. Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết thực tế để chủ động tổ chức dạy học.

Tại Trường tiểu học Võ Liệt, xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương), từ 2h sáng 29/9, nước dâng cao bất ngờ khiến toàn bộ sân trường bị ngập. Để bảo vệ tài sản cho nhà trường, các giáo viên đã gần như thức trắng đêm để di dời các đồ dùng học tập.

Tại nhiều huyện vùng cao Nghệ An, mưa lớn những ngày qua khiến nước sông suối dâng cao và có nguy cơ sạt lở đất. Huyện miền núi Quế Phong, học sinh một số trường thuộc các xã Nậm Nhoóng, Tri Lễ, Cắm Muộn, Quang Phong đã được thông báo nghỉ học.

Các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ cũng chỉ đạo các nhà trường vùng ven sông Lam, sông Dinh, sông Giăng… chủ động tùy thực tế địa phương cho học sinh nghỉ học. Tránh tình trạng qua cầu tràn, sông suối nguy hiểm.

Thanh Hóa: Vi phạm khai thác khoáng sản, Công ty Hồng Phượng bị xử phạt 320 triệu đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 2982/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hồng Phượng do vi phạm các quy định trong khai thác khoáng sản tại núi Ruộng, xã Hà Tân, huyện Hà Trung.

Cụ thể, Công ty TNHH Hồng Phượng đã vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản. Đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản đúng quy cách nhưng chưa đầy đủ số lượng mốc theo quy định. Quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020. Khai thác không đúng trình tự khai thác quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 38, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020.

Ngoài ra, Công ty TNHH Hồng Phượng đã khai thác khoáng sản (đá) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 37, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020; Thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình giám sát các vấn đề về môi trường. Quy định tại Điểm 3, Khoản 12, Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tổng hợp mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên là 320 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Hồng Phượng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khai thác đúng trình tự khai thác; Buộc cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi đã khai thác về trạng thái an toàn; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 11.481.600 đồng tương ứng khối lượng 1.600 m3 đá xô bồ mà Công ty TNHH Hồng Phượng khai thác ngoài phạm vi mốc giới mỏ. Buộc chi trả kinh phí đo đạc quy định tại Điểm c, Khoản 10, Điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.

Vườn Quốc gia Côn Đảo ấp nở và thả về biển gần 123.000 rùa biển

Rùa biển (Chelonioidea) là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đang được sự quan tâm bảo vệ của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được ghi nhận là nơi có môi trường sinh sống và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ rùa biển.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, 9 tháng của năm 2022, Hạt Kiểm lâm Vườn cứu hộ, di dời về các hồ ấp nhân tạo 2.510 tổ rùa biển, thực hiện ấp nở thành công 1.586 tổ, thả về biển 122.867 cá thể rùa con; bấm thẻ theo dõi 402 cá thể rùa mẹ lên các bãi cát thuộc vùng biển Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng.

 Vườn Quốc gia Côn Đảo ấp nở và thả về biển gần 123.000 rùa biển.

Vườn Quốc gia Côn Đảo ấp nở và thả về biển gần 123.000 rùa biển.

Hoạt động bảo vệ rùa biển là một thành công nổi bật của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp, quý hiếm trên thế giới. Ngoài ra, các điểm bảo tồn rùa biển đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, qua đó góp phần kích cầu, phát triển kinh tế địa phương.

Trung bình mỗi năm, trên 450 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia làm tổ, đẻ trứng. Vào những tháng cao điểm mùa rùa đẻ trứng, một số bãi biển lớn như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre Lớn, mỗi đêm có khoảng 30-40 rùa mẹ lên làm tổ, đẻ trứng, với khoảng 150.000 rùa con được cứu hộ, nở và thả về biển. Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng, thời điểm từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, mùa đẻ trứng tập trung từ tháng 6 đến tháng 10.

Tập đoàn năng lượng nhất Australia tuyên bố từ bỏ than đá vào năm 2035

Tập đoàn năng lượng AGL, doanh nghiệp phát thải nhiều carbon nhất Australia, ngày 29/9 cho biết sẽ đóng cửa một trong những nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm nhất vào giữa năm 2035, sớm hơn 1 thập kỷ so với mục tiêu đặt ra trước đó.

Theo đó, việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện than Loy Yang A ở thung lũng Latrobe thuộc bang Victoria sẽ giúp AGL từ bỏ tất cả các hoạt động sản xuất điện bằng than đá.

Chủ tịch AGL Patricia McKenzie cho rằng đây là một trong những sáng kiến khử carbon đáng kể nhất ở Australia.

Theo bà McKenzie, một khi AGL đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than thì phát thải ròng carbon cả trực tiếp và gián tiếp của tập đoàn này sẽ bằng 0.

Bà nhấn mạnh mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là phương hướng kinh doanh đúng đắn giúp tập đoàn có thể tiếp cận nguồn vốn lớn hơn và thu hút các nhà đầu tư mới. AGL cho biết thêm nhà máy nhiệt điện than lớn nhất của tập đoàn này - Bayswater (nằm ở bang New South Wales) vẫn đang thực hiện kế hoạch đóng cửa trước năm 2033.

Theo AGL, việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than là "bước tiến lớn trong hành trình khử carbon của Australia". Hoạt động của AGL, tập đoàn năng lượng lớn nhất Australia, đã phải chịu áp lực lớn trong năm qua khi các nhà hoạt động môi trường gia tăng sức ép đòi chính phủ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh bằng cách từ bỏ than đá nhanh hơn.

Nỗi lo về biến đổi khí hậu đằng sau bão Ian và Noru

Bão Ian đã gây ra sự tàn phá trên khắp miền Tây Cuba, gia tăng sức mạnh và quy mô khi đổ bộ Mỹ vào trưa 28/9 (theo giờ địa phương). Trong khi đó, cơn bão Noru đã trở thành cơn bão rất mạnh trước khi tấn công Philippines. Bão Ian và bão Noru, cùng với tất cả những cơn bão gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của việc phối hợp cảnh báo sớm, chính xác và hành động sớm.

Bão Ian và bão Noru ập đến nhanh chóng theo sau bão Fiona - cơn bão gây ra lũ lụt chết người ở Caribe và là cơn bão mạnh nhất được ghi nhận đổ bộ Canada. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm tăng tỷ lệ các xoáy thuận nhiệt đới lớn trên toàn thế giới và làm tăng lượng mưa liên quan đến các hiện tượng này. Trong khi đó, mực nước biển dâng và sự phát triển ven biển cũng đang làm trầm trọng thêm tác động của lũ lụt ven biển.

 Bão Ian và bão Noru, cùng với tất cả những cơn bão gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về biến đổi khí hậu.

Bão Ian và bão Noru, cùng với tất cả những cơn bão gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về biến đổi khí hậu.

Theo một phân tích thiên tai, hơn 2 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Noru và gần 430.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp. Mặc dù thời gian huy động tương đối ngắn nhưng hàng nghìn người đã được sơ tán thành công, hạn chế thiệt hại về người.

Từ ngày 26/9, bão Noru đã tiến vào Việt Nam và liên tục mạnh lên. Bão Noru cũng đã tràn tới khu vực Đông Bắc Thái Lan vào đêm 28 rạng sáng 29/9, gây gió mạnh và mưa lớn, làm tăng thêm khó khăn đối với các tỉnh vốn đã bị ngập lụt trước đó.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cap-nhat-tin-tuc-moi-truong-noi-bat-ngay-299-71774.html