Cập nhật tin tức môi trường nổi bật nhất ngày 30/8
Lại xảy ra động đất 3,3 độ Richter ở Kon Tum; Quảng Trị: Tình trạng cá chết kéo dài ở hồ Nước Chè, gây ô nhiễm môi trường; TP.HCM mưa dông lớn, nhiều tuyến đường ngập nhẹ... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 30/8.
Lại xảy ra động đất 3,3 độ Richter ở Kon Tum
Vào lúc 3 giờ 35 phút 8 giây sáng nay (30/8), một trận động đất 3,3 độ Richter có tâm chấn tại 14.818 độ vĩ Bắc, 108.223 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.
Trận động đất này xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra các trận động đất. Trong đó, trận động đất lớn nhất được ghi nhận vào chiều 23-8, có cường độ 4,7 Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km.
Trận động đất này khiến một số địa phương lân cận như Gia Lai, Quảng Nam, Đà Năng cũng cảm nhận rõ rệt rung chấn.
Trước đó, khi làm việc tại tỉnh Kon Tum, lực lượng của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã đánh giá thời gian huyện Kon Plông gia tăng xảy ra động đất trùng với thời điểm các nhà máy thủy điện trên địa bàn tích nước.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, khó để dự báo trước thời điểm xảy ra động đất. hiện chỉ có thể đánh giá mức độ, xu thế xảy ra động đất. Từ đó để quyết định đến tư vấn, thiết kế công trình, kháng trấn.
Ông Anh cũng cho biết, nguyên nhân vẫn xác định do thủy điện hồ chứa. Do đó, trước mắt, để người dân chủ động ứng phó thì cần tuyên truyền để người dân hiểu. Đồng thời khảo sát, đánh giá, rà soát lại công tác kháng trấn.
Trong tháng 9, sẽ mở lớp tập huấn kỹ năng phòng chống động đất. Còn về giải pháp xử lý triệt để là thuộc trách nhiệm các cơ quan chức năng, ông Anh cho hay.
Trong báo cáo Công tác ứng phó với động đất khu vực tỉnh Kon Tum gửi Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cụ thể: Từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn M = 2,5 - 3,9.
Quảng Trị: Tình trạng cá chết kéo dài ở hồ Nước Chè, gây ô nhiễm môi trường
Ngày 30/8, tình trạng cá chết nổi trên mặt hồ Nước Chè, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tiếp tục diễn ra, gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân ở khu vực xung quanh.
Hồ Nước Chè là hồ nước tự nhiên có tổng diện tích mặt nước gần 10 ha, nằm ngay trung tâm huyện Hải Lăng. Người dân sống quanh khu vực hồ cho biết tình trạng cá chết kéo dài từ tháng 4/2022 đến nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm đã ảnh hưởng rất lớn cuộc sống người dân trong vùng phụ cận. Loài cá bị chết chủ yếu là cá rô phi nổi dạt vào bờ bốc mùi hôi thối. Cao điểm có những ngày người dân và lực lượng chức năng thu gom, xử lý vài tạ cá chết. Hiện tình trạng cá chết vẫn diễn biến phức tạp.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hải Lăng: Hồ Nước Chè là nơi tiếp nhận chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất công nghiệp ở khu vực xung quanh. Các nguồn chất thải đổ vào hồ trong thời gian dài đã làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước, gây thiếu dưỡng khí, làm cạn kiệt ô xy hòa tan trong nước.
Thời gian qua, để khắc phục tình trạng này, đơn vị đã đề xuất cấp trên đầu tư xây dựng lại cống thoát nước từ hồ Nước Chè đổ vào sông Nhùng với hình thức xả đáy, thoát bùn. Bên cạnh đó, xem xét việc khơi thông, nạo vét lượng bùn trong hồ, tăng cường các hoạt động bảo vệ sinh thái lòng hồ; đồng thời cần đầu tư hệ thống thu gom nước thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hiện các đề xuất trên vẫn đang được xem xét.
TP.HCM mưa dông lớn, nhiều tuyến đường ngập nhẹ
Chiều 30/8, TP.Thủ Đức và nhiều quận trung tâm TP.HCM mưa lớn. Mưa bắt đầu nặng hạt kèm gió dông giật mạnh từ khoảng 15h. Lượng mưa phổ biến 10 mm, có điểm mưa trên 15-20 mm, gió cấp 5-6.
Trên ảnh vệ tinh và radar thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ lúc 14h30, mây dông phát triển trên khu vực TP.Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12. Ngoài ra, vùng mây dông từ phía Đồng Nai, Bình Dương cũng có xu hướng mở rộng về phía TP.HCM.
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết từ nay đến 4/9, TP.HCM có trạng thái sáng nắng gián đoạn, chiều đến chiều tối mưa vừa đến lớn.
Nguyên nhân mưa diễn ra nhiều hơn là gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh. Dự báo trong 2 đến 10 ngày tới, rãnh áp thấp kể trên di chuyển theo hướng tây tây bắc và mưa sẽ tiếp tục được duy trì.
Tương tự TP.HCM, các tỉnh Bình Phước, Bình Dương được dự báo có mưa trong dịp lễ 2/9. Thời điểm trên, hai tỉnh này mây thay đổi, chiều và tối mưa rào, dông rải rác; có nơi mưa vừa, cục bộ mưa to, đêm mưa rào.
Theo cập nhật của hệ thống UDI Maps chiều cùng ngày, một số tuyến đường như Phan Văn Hớn (quận 12), Tô Ngọc Vân, Lã Xuân Oai (TP.Thủ Đức), Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh)... ngập nhẹ.
Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết từ 15 đến 18 giờ hôm nay, các khối mây dông sẽ tiếp tục phát triển gây mưa dông cho các khu vực TP.Thủ Đức và hầu hết những quận trung tâm, các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn.
Theo đơn vị này, mây dông còn có khả năng mở rộng và lan sang các quận huyện lân cận khác như Nhà Bè, Cần Giờ.
Nghệ An: Quản lý rừng quốc gia Pù Mát với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng
UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt phương án quản lý bền vững Vườn quốc gia Pù Mát giai đoạn 2022-2030 với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng.
Vườn quốc gia Pù Mát có tổng diện tích 911,13 km2, hệ thực vật nơi đây được xác định có 2.691 loài. Trong đó có 75 loài nguy cấp, quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam, 103 loài nguy cấp, quý hiếm trong IUCN 2020. Các hoạt động bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học sẽ được triển khai đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh biên giới.
Trong giai đoạn 2022-2030, tỉnh Nghệ An bàn giao về chính quyền địa phương quản lý, sử dụng 401.32ha đất ở và đất sản xuất của tộc người Đan Lai sinh sống tại bản Cò Phạt và bản Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông). Phương án này dự kiến cần hơn 1.493 tỷ đồng vốn.
Được biết, Vườn quốc gia Pù Mát là một khu rừng đặc dụng ở phía Tây tỉnh Nghệ An. Tiếng Thái, Pù Mát có nghĩa là những con dốc cao. Được thành lập theo quyết định số 174/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2001 về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia. Vườn quốc gia Pù Mát hiện được xác định là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An do UNESCO công nhận năm 2007.
Lũ lụt và các thảm họa khác về nước có thể khiến kinh tế toàn cầu mất 5,6 nghìn tỷ USD
Mới đây, Công ty tư vấn môi trường và kỹ thuật GHD (Mỹ) công bố một báo cáo cho thấy, hạn hán, bão và mưa lớn ở một số quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây thiệt hại 5,6 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.
Năm nay, mưa lớn đã gây ra lũ lụt làm ngập các thành phố ở Trung Quốc và Hàn Quốc, gián đoạn nguồn cung cấp nước và điện ở Ấn Độ, trong khi hạn hán khiến mùa màng của nông dân trên khắp châu Âu gặp rủi ro.
Những thảm họa trên đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế hàng trăm tỷ USD. Cơ sở dữ liệu về các hiện tượng thời tiết khẩn cấp do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Thảm họa có trụ sở tại Brussels, Bỉ cho thấy, các trận hạn hán, lũ lụt và bão lụt trong năm 2021 đã gây thiệt hại hơn 224 tỷ USD trên toàn cầu. Tuy vậy, báo cáo GHD cảnh báo, khi biến đổi khí hậu làm tăng lượng mưa, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ tới, con số trên sẽ tăng cao.
GHD đã đánh giá rủi ro về nước ở 7 quốc gia đại diện cho các điều kiện kinh tế và khí hậu khác nhau gồm: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh, Philippines, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Australia. Theo ông Don Holland, lãnh đạo chương trình thị trường nước Canada của GHD, nước - khi có quá nhiều hoặc quá ít - đều có thể gây tàn phá nghiêm trọng nhất đối với một cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu bảo hiểm toàn cầu và các nghiên cứu khoa học về cách các sự kiện cực đoan có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau, từ đó ước tính tổn thất về chi phí trước mắt và nền kinh tế nói chung mà các quốc gia phải hứng chịu.
Theo đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đối mặt với thiệt hại lên đến 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2050, với tổng sản phẩm quốc nội giảm khoảng 0,5% mỗi năm cho đến năm 2050. Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế khoảng 1,1 nghìn tỷ USD vào giữa thế kỷ này.
Trong 5 lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, sản xuất và phân phối sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa lên tới 4,2 nghìn tỷ USD do khan hiếm nước làm gián đoạn sản xuất trong khi bão và lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng và kho hàng lưu trữ.
Tương tự, ngành nông nghiệp, dễ chịu ảnh hưởng bởi cả hạn hán và mưa lớn, có thể bị thiệt hại 332 tỷ USD vào năm 2050. Ba ngành khác cũng trải qua những thách thức lớn là bán lẻ, ngân hàng và năng lượng.