Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới sáng 8/4

Tính đến 8h sáng nay (8/4), toàn thế giới ghi nhận hơn 133 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 2,9 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Kandahar, Afghanistan, ngày 6/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Kandahar, Afghanistan, ngày 6/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 8/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 133.669.751 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.898.495 ca tử vong, 107.793.205 bệnh nhân đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 22.978.051 bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ là nước đứng đầu thế giới cả về số ca mắc và tử vong, với 31.635.603 ca mắc, trong đó có tới 571.097 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai với 13.197.031 ca mắc, trong đó có 341.097 ca tử vong. Hiện số ca mắc mới tính theo ngày tại Brazil cao hơn Mỹ, với gần 91.000 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua.

Tuy nhiên, tính theo khu vực, hiện châu Âu đang đứng đầu thế giới với 40.820.041 ca mắc, trong đó có 936.655 ca tử vong. Pháp vượt Nga, trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất với 4.841.308 ca, trong đó có 97.722 ca tử vong còn Nga ghi nhận 4.606.162 ca mắc và 101.480 ca tử vong. Hiện số ca mắc mới tính theo ngày tại một số nước như Đức, Ba Lan, Ukraine đang đều đang ở mức báo động với trên dưới 15.000 ca/ngày. Riêng tại Ba Lan, số ca tử vong trong 24 giờ qua được ghi nhận là 638 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sao Paulo, Brazil, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sao Paulo, Brazil, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh đang lây lan mạnh tại châu Âu. Điển hình tại Đức, hầu hết số ca nhiễm mới ở thủ đô Berlin và nhiều bang khác đều là biến thể tại Anh. Trong số khoảng 5.300 mẫu xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại Berlin từ ngày 29/3 đến 4/4, số mẫu nhiễm biến thể phát hiện ở Anh chiếm tới 86%. Như vậy, biến thể ở Anh lần đầu được phát hiện tại Berlin ngày 8/1 đang lây lan với tốc độ chóng mặt, bởi chỉ khoảng một tháng trước, tỷ lệ nhiễm biến thể này chỉ chiếm chưa đầy 50% số ca mắc. Viện Robert Koch (RKI) hồi tuần trước thông báo tính trung bình tỷ lệ nhiễm biến thể ở Anh là 88%. Hai biến thể khác phát hiện ở Nam Phi và ở Brazil cũng đã xuất hiện ở Đức, song không lây lan mạnh như biến thể ở Anh.

Chính phủ Cuba thông báo kết quả của nghiên cứu mới nhất cho thấy, hiện có tới 5 biến thể gene và 6 dạng đột biến của virus SARS-Cov-2 đang hiện diện trên lãnh thổ của đảo quốc Caribe này, bao gồm cả các chủng được phát hiện ở Nam Phi và Anh, có khả năng lây nhiễm cao.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tripoli, Liban, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tripoli, Liban, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo báo cáo, nghiên cứu trên được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9/2020, cho thấy biến thể của SARS-Cov-2 xuất hiện chủ yếu tại Cuba là D614G, xuất phát từ phiên bản gốc được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán (Wuhan), Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12/2020 đến cuối tháng 3/2021, các nhà khoa học Cuba đã xác định được tổng cộng 5 biến thể và 6 dạng đột biến, trong đó biến thể D614G đã giảm bớt, trong khi các biến thể được phát hiện ở California và Nam Phi (xuất hiện tại Cuba hồi tháng 1 vừa qua) lại tăng mạnh. Ngoài ra, các tỉnh miền Tây Cuba như La Habana, Mayabeque và Pinar del Rio là các địa phương có số lượng biến thể và dạng đột biến của virus cao nhất.

Trong khi đó, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) cũng tiến hành phân tích số liệu liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh, trong vòng 50 ngày từ ngày 1/2 đến ngày 22/3. Kết quả cho thấy khả năng lây lan của biến thể SARS-CoV-2 cao gấp 1,32 lần so với chủng thông thường, đặc biệt là tại các tỉnh Osaka, Hyogo, Miyagi. Tính từ ngày 31/3 đến ngày 6/4, Nhật Bản đã ghi nhận 208 ca nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2, trong đó Osaka ghi nhận tới 75 ca.

Theo ông Takaji Wakita, Tổng Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia, biến thể mới của SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh chủ yếu ở vùng Kansai nhưng đang có xu hướng lan dần sang vùng Thủ đô, trong đó có Tokyo.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Liên quan đến vaccine, Ủy ban quản lý vaccine và tiêm chủng của Anh (JCVI) ngày 7/4 đã đưa ra khuyến cáo mới nhất về sử dụng vaccine của AstraZeneca, theo đó không nên tiêm vaccine này cho những người dưới 30 tuổi do nguy cơ xảy ra phản ứng phụ hiếm gặp là xuất hiện huyết khối ở não.

Ông Wei Shen Lim, người đứng đầu bộ phận phụ trách COVID-19 của JCVI cho biết dựa trên các dữ liệu và bằng chứng hiện có, cơ quan này khuyến nghị nếu có thể nên dùng vaccine khác để tiêm cho người dưới 30 tuổi không có bệnh nền, tuy nhiên điều này không có nghĩa là nhóm độ tuổi này phải dừng tiêm vaccine. Theo ông, những người đã tiêm chủng mũi đầu của vaccine AstraZeneca nên tiêm chủng mũi còn lại.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Peshawar, Pakistan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Peshawar, Pakistan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Những phát biểu của ông Wei Shen Lim được đưa ra ngay sau khi cơ quan dược phẩm Anh công bố báo cáo về vaccine AstraZeneca, trong đó cũng khẳng định hiện tượng xuất hiện huyết khối hiếm gặp trong não chỉ là phản ứng phụ có thể gặp phải khi tiêm vaccine này, và cũng xuất hiện rất ít. Kết luận của cơ quan này cũng đồng nhất với kết quả báo cáo do Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) công bố, theo đó khẳng định lợi ích từ vaccine AstraZeneca đối với đa số lớn hơn nhiều so với các nguy cơ./.

Phương Hoa

VNews (TTXVN)

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/cap-nhat-tinh-hinh-dich-benh-covid-19-tren-the-gioi-sang-8-4-20210408103515897.htm