Cập nhật tình hình thủy điện ngày 1/7: Không còn thủy điện nào phải phát điện cầm chừng
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, trong ngày đầu tháng 7, không còn thủy điện nào phải phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp.
Trong ngày 1/7, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ dao động nhẹ so với ngày hôm qua; Khu vực Tây Nguyên tăng nhẹ so với hôm qua.
Về mực nước, các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên tăng nhẹ, một số hồ chứa ở lưu vực sông, suối nhỏ mực nước cao; Khu vực Đông Nam Bộ dao động nhẹ; Khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.
Cũng theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, các hồ thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành. Đặc biệt, đã không còn thủy điện nào phải phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp.
Hiện chỉ còn 3 hồ ở mực nước thấp: Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ.
Tình hình mực nước các hồ thủy điện diễn biến tích cực trong hôm nay, một phần nguyên nhân có thể kể đến là do đêm ngày 30/6, mưa dông xuất hiện ở vùng núi Bắc Bộ với lượng mưa từ 10-30mm, một số nơi mưa lớn trên 70mm, đi kèm các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo dự báo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, lưu lượng nước về hồ 24h tới các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ; Khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ.
Tại khu vực Bắc Bộ, nơi tập trung các nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước, hôm nay dự báo các hồ thủy điện lưu lượng về hồ dao động nhẹ so với ngày hôm qua: Hồ Lai Châu: 405 m3/s; Hồ Sơn La: 1100 m3/s; Hồ Hòa Bình: 40 m3/s; Hồ Thác Bà: 153 m3/s; Hồ Tuyên Quang: 707 m3/s; Hồ Bản Chát: 180.2 m3/s.
Mực nước các hồ đã tăng nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước hồ/ mực nước chết: Hồ Lai Châu: 291.99 m/265 m; Hồ Sơn La: 185.24/175 m; Hồ Hòa Bình: 101.15/80m; Hồ Thác Bà: 47.74/46 m; Hồ Tuyên Quang: 103.60/90m; Hồ Bản Chát: 446.35/431m.
Còn theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bắt đầu từ ngày 1/7, miền Bắc bước vào cao điểm của đợt nắng nóng diện rộng và sẽ kéo dài ít nhất trong 10 ngày tới. Nhiệt độ trong hôm nay có thể đạt ngưỡng 35-37 độ C, riêng khu vực Hà Nội và Hòa Bình được dự báo ghi nhận mức nhiệt cao nhất 38 độ C.
Đây có thể là đợt nắng nóng dài nhất từ đầu năm tới nay. Vì vậy, trong những ngày nắng nóng cao điểm này, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Liên quan đến tình hình cung ứng điện mùa khô năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp cụ thể về tiết kiệm điện; Đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; Tích cực bổ sung các nguồn điện mới cho hệ thống; Tập trung khắc phục các sự cố nguồn điện; Đảm bảo khả năng truyền tải...
Đánh giá chung về tình hình cung ứng điện, theo Bộ Công Thương, trong các ngày vừa qua, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã được cải thiện, mực nước hiện tại của các hồ Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát đều đã tích được cao hơn mực nước chết từ 5 đến 9m. Đã bắt đầu huy động các nhà máy thủy điện Lai Châu, Tuyên Quang, Huội Quảng.
Cũng theo Bộ Công Thương, hiện tại, miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày.
Trong trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn.
Tại khu vực miền Trung Nam, việc cung cấp điện được đảm bảo và không phải chạy dầu trong thời gian tới. Trong một số trường hợp phụ tải tăng cao bất thường hoặc sự cố nhiều nguồn nhiệt điện, có thể linh hoạt huy động các nguồn chạy dầu DO để đáp ứng.
Về tình hình sự cố các nhà máy nhiệt điện than tính đến ngày 30/6, tổng sự cố dài ngày là 2100 MW; Trong đó, sự cố ngắn ngày: S1 Nghi Sơn 1 300MW, S2 Thái Bình 1 300MW. Trong ngày 30/6, không có máy nhiệt điện than khu vực Miền Bắc bị suy giảm công suất.
Đối với vấn đề này, tại Công văn số 3736 ngày 15/6/2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tập trung nhân lực, vật tư và các điều kiện cần thiết khắc phục ngay các sự cố vừa phát sinh, có tính chất ngắn hạn;
Khẩn trương xử lý, khắc phục các tổ máy phát điện đang bị sự cố dài ngày; Thực hiện duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện để đảm bảo vận hành an toàn và nâng cao độ khả dụng các tổ máy trong thời gian còn lại của năm 2023.
Đồng thời, từ ngày 14/6/2023, Bộ Công Thương đã thường xuyên tổ chức các đoàn công tác làm việc trực tiếp tại một số nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc để đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nội dung nêu trên.