Cấp nước hè tại Hà Nội: Thiếu hụt hàng chục nghìn mét khối
Theo cơ quan chức năng, nguồn cung nước sạch của Hà Nội năm nay vẫn không được bổ sung sẽ khiến nhiều khu vực tại Hà Nội nguy cơ mất nước cao điểm hè năm 2024.
Theo Cty nước sạch thành phố Hà Nội, việc cấp nước mùa hè năm 2024 tại 16 quận, huyện với tổng số dân khoảng 4 triệu người của đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sản lượng nước của Cty sản xuất trung bình 600.000 m3/ngày đêm (nđ) chiếm 82% tổng sản lượng; nước mua từ Sông Đà, sông Đuống khoảng 120.000 m3/nđ.
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước năm 2024 tiếp tục tăng nhanh, khoảng 2- 4% so với cùng kỳ năm 2023 ở mức 750.000 - 780.000 m3/nđ, cao điểm những ngày nắng nóng có thể tăng đến 9%, lên mức 800.000 m3/nđ.
Trong khi đó các nguồn nước do Cty nước sạch thành phố Hà Nội tự sản xuất giảm do ảnh hưởng của sụt giảm nguồn nước ngầm và chất lượng nước. Các nguồn nước cấp vào mạng từ các nguồn sông Đà, sông Đuống khoảng 740.000 m3/nđ, dự báo nguồn nước sẽ thiếu so với nhu cầu bình quân từ 10.000 - 40.000 m3/nđ, cao điểm có thể thiếu tới 60.000 m3/nđ.
Cty nước sạch Hà Nội dự báo hè 2024 một số khu vực tiếp tục xảy ra thiếu nước thậm chí mất nước tại một số thời điểm nắng nóng. Như tại quận Ba Đình có khu vực ngoài đê An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc... Quận Tây Hồ có khu vực Đê Quai, Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An. Quận Hai Bà Trưng có điểm Nguyễn Khoái, cuối phố Tạ Quang Bửu...
Theo đại diện Cty CP Viwaco (đơn vị cấp nước cho khoảng 150.000 khách hàng khu vực Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy...) cho biết, mùa hè 2024 sẽ là năm khó khăn trong cấp nước. Cụ thể, lượng nước sông Đà không tăng sản lượng nhưng phía đầu nguồn bị chia sẻ cho các đơn vị cấp nước ở Hoài Đức, Quốc Oai...
Trong khi đó, lượng nước sông Đuống bổ sung cũng bị san sẻ do Cty nước sạch Hà Đông lấy một phần nguồn nước này cấp cho Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai). “Dự báo cao điểm nắng nóng có thể thiếu hụt đến 10.000 m3/nđ”, vị đại diện thông tin.
Nhiều dự án nhà máy nước chậm tiến độ
Đáng chú ý, các nguồn cấp nước tại các nhà máy trong năm nay vẫn chưa có cải thiện. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng từ quý I/2021 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động mặc dù UBND huyện Đan Phượng khẳng định đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cuối cùng cho phần lắp đặt đường ống.
Tương tự, dự án nhà máy nước Xuân Mai công suất 200.000m3/nđ, nhà đầu tư là Công ty CP nước Aqua One, tiến độ hoàn thành năm 2020 đến nay vẫn là bãi đất trống.
Theo giám sát của Ban Đô thị, có 4 dự án phát triển mạng cấp nước đã được triển khai song thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ phê duyệt; 3 dự án không thực hiện và 139 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch.