Cấp nước ngọt cho cư dân vùng nhiễm mặn cần gấp gáp hơn
Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản lý nước từ thải nước sang giữ nước bằng loạt công việc, như vận hành đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương để trữ thêm nước ngọt, hướng dẫn nông dân trữ nước trong các ao hồ giữa vườn và trong các bồn chứa gia đình. Nơi đây cũng đang điều chỉnh các biện pháp canh tác với các giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn với độ mặn cao, và cả thay đổi lịch trình trồng trọt để phù hợp với thời kỳ độ mặn thấp.
Những biện pháp quả quyết hơn cũng đã được đề cập đến như xây dựng các đại hồ chứa nước nơi vùng đất cao như ở An Giang để cấp nước trồng trọt khả dĩ cho vùng khô hạn và ven biển. Nhưng xem ra nhu cầu đầu tư cấp nước ngọt cho cư dân vùng nhiễm mặn còn gấp gáp hơn, mà hiệu quả cũng có thể thấy ngay trước mắt.
Giải quyết khủng hoảng nước ở ĐBSCL đòi hỏi phải đầu tư đáng kể. Khoản đầu tư này không chỉ là về tiền mà còn là xây dựng một chiến lược ưu tiên an ninh nước và tính bền vững cho tương lai của khu vực. Bởi tình trạng nhiễm mặn diễn ra hàng năm và kéo dài trong nhiều tháng bây giờ không phải là vấn đề đột xuất, cũng không phải là khó khăn tạm thời; bởi với tình hình như hiện nay, ĐBSCL sẽ thoái hóa, cả thiên nhiên và con người. Chúng ta cần giải pháp bền vững, trước tiên là cho con người để họ có thể bám trụ trên vùng đất này và hình thành ra các sáng kiến khai thác thiên nhiên tại đó một cách hợp lý.
Trước hết là lắp đặt thêm thiết bị khử muối nơi các nhà máy cấp nước hiện có, và xây dựng thêm các trạm khử muối nơi các vùng dân cư chưa có hệ thống cấp nước vốn sống nhờ vào nguồn nước ngọt kênh rạch vào những lúc chúng không nhiễm mặn.
Khi nước hạ nguồn nhiễm mặn thì ở gần đó phía thượng nguồn vẫn còn dòng nước ngọt. Vì thế việc đầu tư đưa nguồn nước ngọt từ đó về các nhà máy cấp nước trong vùng nhiễm mặn là điều khả thi. Nguồn nước ngọt này có thể lấy từ các nhà máy cấp nước gần nhất ở phía trên, hoặc từ các trạm bơm dã chiến đặt trên bờ hay trên sà lan. Ống dẫn nước trong trường hợp này có thể là ống cứng hay ống mềm, nằm dọc theo dòng nước chứ không trèo lên bờ để không ảnh hưởng đến các công trình dân sinh, cũng để tiết kiệm thời gian lắp đặt và giảm nhu cầu năng lượng bơm nước, tiết kiệm cả công bảo dưỡng vì chúng nằm trong nước.
Trong trường hợp tốt hơn, chúng ta vẫn có thể thiết lập những hệ thống ống nước tương tự cho nông nghiệp, đặc biệt cho các vườn cây ăn trái. Đây chẳng qua là một hệ thống kênh dẫn nước nằm giữa dòng nước, mà ở điểm cuối kết nối với các ống dẫn nước đến các ruộng vườn nông dân.
Việc lắp đặt đường ống dẫn nước ngọt từ các nhà máy cấp nước thượng nguồn về bổ sung hoặc pha loãng cho các nhà máy hạ lưu trong thời điểm độ mặn cao đã từng được áp dụng trên thế giới tùy từng điều kiện thực tế cụ thể. Ví dụ, các đường ống dẫn nước liên bang ở California, Mỹ và Đề án Bradfield ở Úc.
Khủng hoảng nước ở ĐBSCL là vấn đề phức tạp, cần giải pháp nhiều mặt. Đầu tư vào nguồn nước ngọt và triển khai các giải pháp kỹ thuật là những bước đi quan trọng nhằm đảm bảo an ninh nước cho khu vực. Tuy nhiên, những nỗ lực này phải là một phần của chiến lược rộng lớn hơn bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý đất và nước bền vững và bảo vệ dòng chảy tự nhiên của sông Mêkông.