Cấp phép khai thác vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm: Không thiếu nguồn cung nhưng vướng thủ tục
Để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn, UBND tỉnh đã quy hoạch và khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp. Tuy nhiên, những vướng mắc trong thủ tục cấp phép khiến các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp trở nên 'ế ẩm'.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn vật liệu san lấp để phục vụ cho các dự án bị thiếu hụt.
* Nhà đầu tư gặp khó
Cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản về việc gia hạn thời gian thu hồi vật liệu chỉ để phục vụ thi công các công trình phụ trợ thuộc dự án thành phần đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Đây là lần thứ 2, các dự án cải tạo đất nông nghiệp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xem xét để gia hạn thời gian thực hiện.
Trên thực tế, việc cấp phép cho các dự án cải tạo đất nông nghiệp để cung cấp nguồn đất đắp cho dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chỉ là giải pháp “vận dụng tình thế” của tỉnh Đồng Nai để phục vụ thi công dự án này. Bởi các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh đều ở trong tình trạng không thu hút được nhà đầu tư.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn, Đồng Nai đã quy hoạch và khoanh định 95 khu vực với diện tích hơn 500ha không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp lại rất khó khăn vì thủ tục cấp phép phức tạp.
Theo quy định Luật Khoáng sản năm 2010 thì đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do vậy, việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản.
Đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, các mỏ thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện ngắn (thường dưới 5 năm), có giá trị về mặt kinh tế thấp. Mặc dù vậy, các thủ tục cấp phép phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. “Nhiều thủ tục phức tạp, đầu tư nhiều kinh phí dẫn đến các tổ chức, cá nhân không đầu tư các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp do đầu tư không hiệu quả” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho rằng, thủ tục cấp phép khai thác phức tạp trong khi các mỏ đất có trữ lượng thấp nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
* Sớm có giải pháp gỡ khó
Thời gian tới, sẽ có thêm các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện. Nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp, đặc biệt là đất san lấp sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho hay, đối với 2 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và Đường vành đai 3 - TP.HCM, qua khảo sát vật liệu đất đắp, mới chỉ có ở mỏ Tân Cang 7 với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Trữ lượng này không đủ đáp ứng khi cả 2 dự án được triển khai thi công đồng loạt.
Hiện nay, Sở TN-MT đã dự thảo văn bản để UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT tháo gỡ các khó khăn về nguồn cung vật liệu san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp.
Trước mắt, để có nguồn vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn và các dự án của tỉnh (dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước), UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để địa phương cho phép nhà thầu thi công được lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác đất tại các khu vực gò đồi (có lớp đất sỏi đáp ứng tiêu chuẩn làm đường) không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Các vị trí cho phép khai thác hạ độ cao phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến công trình công cộng, không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, không làm tổn hại đến lợi ích của người sử dụng đất trong khu vực… Đồng thời, chỉ cho phép khai thác đến cao trình bằng cao trình của các thửa đất xung quanh, đảm bảo sau khi khai thác không làm thay đổi mục đích sử dụng đất.
Nhà thầu phải phối hợp cùng đơn vị thi công tính toán trữ lượng và chất lượng trình Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh xác nhận trữ lượng để làm cơ sở lập phương án khai thác, thiết kế mỏ và báo cáo đánh giá tác động môi trường để được cấp phép khai thác. Nhà thầu phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Sau khi hoàn thành khai thác phải thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao đất về cho chủ sử dụng đất.
Theo Sở TN-MT, dự kiến từ năm 2023-2025 trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vật liệu san lấp để phục vụ 8 dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của địa phương là hơn 21,5 triệu m3.