Cấp phép một đằng, phổ biến phim một nẻo
Thời gian gần đây, có những bộ phim đã được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến, nhưng bản phim chiếu ở rạp và nhiều địa điểm lại khác với bản phim được cấp phép. Đây vừa là hiện tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vừa dẫn đến sự nhiễu loạn, thiếu văn minh trong môi trường hoạt động và thưởng thức nghệ thuật.
Thời gian gần đây, có những bộ phim đã được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến, nhưng bản phim chiếu ở rạp và nhiều địa điểm lại khác với bản phim được cấp phép. Đây vừa là hiện tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vừa dẫn đến sự nhiễu loạn, thiếu văn minh trong môi trường hoạt động và thưởng thức nghệ thuật.
Vào khung giờ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút các ngày 14 và 15-10 vừa qua, tại phòng chiếu số 5, Rạp CGV Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) đã diễn ra hai buổi chiếu phim Cha và con; Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di. Mức vé xem phim được rao bán qua in-tơ-nét là 100 nghìn đồng/vé. Đáng chú ý, trong buổi xem phim và giao lưu với đạo diễn, một số khán giả đã chụp được hình ảnh về những cảnh quay mà Cục Điện ảnh không cấp phép, yêu cầu cắt bỏ theo quyết định cấp phép ngày 6-2-2015. Cụ thể, sau khi Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện làm việc, Cục Điện ảnh đã yêu cầu nhà sản xuất Cha và con là Công ty TNHH DNY Việt Nam cắt bỏ những hình ảnh, lời thoại mang tính chất nhạy cảm, như: cảnh nhân vật Vân (Hải Yến đóng) sử dụng ma túy; một số cảnh có hành động, lời nói dung tục… Đơn vị sản xuất đồng ý chỉnh sửa theo yêu cầu, gửi bản phim đã chỉnh sửa tới Cục Điện ảnh để được cấp phép phổ biến phim. Sau khi tiếp nhận phản hồi và dữ liệu hình ảnh từ khán giả, Cục Điện ảnh bước đầu xác định đây là hành vi vi phạm và báo cáo Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về điện ảnh. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh, đồng thời làm việc với nhà sản xuất phim Cha và con trước khi đưa ra kết luận.
Cục Điện ảnh cho biết, đây không phải lần đầu xuất hiện những dấu hiệu vi phạm. Trước đó, vào tháng 5-2019, sau khi bộ phim Vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh phát hành toàn quốc, Cục Điện ảnh đã kiểm tra và phát hiện bản phim chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép phổ biến và lưu chiểu. Đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Ba sắc cầu vồng thừa nhận nội dung vi phạm và ngừng chiếu phim. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với đại diện nhà sản xuất và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đối với công ty này ở nội dung thêm và làm sai nội dung phim đã được phép phổ biến được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 4, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ, mức xử phạt là 50 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia điện ảnh cho rằng, cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được hết mức độ cũng như nội dung phổ biến phim. Thông thường, chỉ những thành viên trong hội đồng duyệt mới biết chính xác nội dung phim thế nào, nên trong tình huống này, nhiều khi chính khán giả cũng không biết mình đang xem bản phim chưa được cấp phép hoặc không đúng nội dung đã được cấp phép. Bên cạnh đó, các cơ sở chiếu phim thường quy định khán giả không được quay, chụp trong quá trình xem cho nên việc phát hiện, lưu bằng chứng là rất khó. Các trường hợp vi phạm nêu trên chủ yếu là nhà làm phim độc lập, thuê phòng chiếu ở một số cụm rạp lớn và cũng chiếu tại một số cơ sở nhỏ lẻ, tự phát. Đáng nói, những buổi chiếu phim như thế lại được quảng bá và thu hút khá đông khán giả trẻ tuổi là học sinh, sinh viên. Bản thân những đạo diễn, nhà sản xuất đang phạm luật lại là đối tượng đang xây dựng hình ảnh, tạo được sức ảnh hưởng nhất định tới giới trẻ. Nhiều người trong số họ còn tham gia giảng dạy ở các khóa học, dự án về điện ảnh…
Qua sự việc này, đòi hỏi các cấp quản lý cần bổ sung, điều chỉnh biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý các vấn đề hậu kiểm. Thí dụ, ở nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển, tùy mức độ vi phạm, ngoài xử phạt hành chính, còn có thể đình chỉ hoạt động nghề nghiệp, tiêu hủy thiết bị sản xuất để tăng sức răn đe. Về phía các nhà làm phim, ngoài thực hiện đúng quy định pháp luật, thận trọng trong công việc, còn cần tinh thần tự giác, chú trọng tới đạo đức nghề nghiệp và thẳng thắn lên án các hành vi sai phạm. Bên cạnh nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh thì quy trình chuyên nghiệp, văn minh chính là yếu tố quan trọng để chinh phục khán giả. Những vi phạm nêu trên vừa có thể tạo tiền lệ xấu trong hoạt động nghề nghiệp, vừa khiến khán giả mất lòng tin ở lĩnh vực luôn đề cao các giá trị tốt đẹp, nhân văn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dien-dan/cap-phep-mot-dang-pho-bien-phim-mot-neo-623619/