Cấp phép xây dựng nhà ở ngoài đê sông Hồng: Sớm tạo điều kiện gỡ khó cho dân
Khu vực ngoài đê ở hai bên bờ sông Hồng, đoạn chạy qua địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 1 triệu dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Phú Xuyên.
Trong khi quy hoạch phân khu sông Hồng chưa được triển khai, nhiều điểm dân cư người dân sinh sống ổn định phía ngoài đê đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Xây nhà phải “chờ quy hoạch”
Đất rộng muốn cho con cái để xây nhà ra ở riêng nhưng không thể thực hiện; nhà cửa xuống cấp có ý định đập đi xây mới để có chỗ ở an toàn khi mưa bão nhưng cũng đành chịu… là tình cảnh của nhiều hộ dân thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai từ nhiều năm nay. Ông Lê Đình Thi (tổ dân phố 23) chia sẻ, gia đình có 8 người với 3 thế hệ sống trong ngôi nhà đã xây cách đây 22 năm, chỉ có 2 phòng ngủ nên rất chật chội.
Mặc dù còn mảnh đất trống cạnh nhà, muốn xây thêm ngôi nhà mới cho gia đình con gái ở riêng nhưng không được cấp phép. Vì vậy, mảnh đất từ nhiều năm nay gia đình đành trồng cây ăn quả. Tương tự, gia đình bà Lê Thị Chiến (tổ dân phố 26) gồm 7 nhân khẩu với hai cặp gia đình, đang phải sống trong ngôi nhà ngói 3 gian xây từ năm 1968.
Ngôi nhà đã sập sệ, xuống cấp đến mức không thể sửa chữa vì khi động vào có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Ở đây, có nhiều hộ giống hoàn cảnh gia đình tôi, nhà cửa đã quá cũ không thể sửa chữa mà chỉ còn cách đập đi xây mới. Mong muốn lớn nhất là các cấp chính quyền xem xét, cho phép chúng tôi được xây dựng lại nhà cửa để có chỗ ở an toàn mỗi khi gió bão”- bà Lê Thị Chiến bày tỏ.
Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Nguyễn Đình Công cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 350 ha đất ngoài bãi sông Hồng, với trên 11.000 dân thuộc 8 tổ dân phố đang sinh sống (chiếm gần 2/3 diện tích và gần 1/3 dân số toàn phường). Hiện, nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân khu vực ngoài bãi sông là rất lớn do tình trạng xuống cấp, con cái xây dựng gia đình, nhiều thế hệ cùng chung sống chật chội, bất tiện trong một mái nhà...
Mặc dù hầu hết đất của người dân đều đã có “sổ đỏ” từ lâu, nhiều hộ đất đai còn rộng nhưng nhu cầu xây dựng để có chỗ ở đàng hoàng không được đáp ứng. Thâm chí, thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn, tác động lớn đến đời sống dân sinh nên gây ra những bức xúc nhất định. Thực trạng này đang gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, công tác dân vận ở cơ sở, chẳng hạn như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhiều hộ phải nộp với số tiền trên 1 triệu đồng/năm nhưng xin phép xây dựng thì không được.
Tình cảnh người dân ngoài bãi ven sông Hồng dù có đất thổ cư đã được cấp “sổ đỏ” từ lâu nhưng vẫn không được xây nhà, sống tạm trong chính ngôi nhà của mình vì phải “chờ quy hoạch” không chỉ đang diễn ra tại các phường Lĩnh Nam, Thanh Trì của quận Hoàng Mai mà còn là tình trạng chung của rất nhiều hộ dân thuộc địa bàn các quận, huyện như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Trì, Thường Tín… Mặc dù người dân đã kiến nghị nhiều lần, nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chưa nhận được hướng dẫn của Sở Xây dựng
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 257/QĐ-CP ngày 18/2/2016 về quy hoạch thoát lũ và đê điều sông Hồng, sông Thái Bình, TP Hà Nội đã có Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 ban hành quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, thực tế 4 năm qua người dân phía ngoài đê đang gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở. Theo quyết định của TP, tại khu vực này, người dân chỉ được sửa chữa trên hiện trạng đang có, trong khi đó nhiều hộ dân có nhu cầu xây mới nhà cửa do nhà cũ đã quá cũ, xuống cấp, chỗ ở chật chội con cái lớn, lập gia đình…
Trước thực tế này, ngày 3/3/2020, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo 208/TB-UBND, trong đó giao cho Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất, dự thảo văn bản của UBND TP đề nghị với Bộ Xây dựng xem xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với vùng ngoài đê, chưa có quy hoạch phân khu đô thị và không có trong quy định tại Quyết định số 257/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, trước nhu cầu về cải tạo, sửa chữa nhà của Nhân dân là rất lớn và bức thiết, dẫn đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều... gặp nhiều khó khăn. UBND TP cũng đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xem xét cấp phép xây dựng để cải tạo, sửa chữa công trình hiện có theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Công cho hay, đến thời điểm hiện tại địa phương chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào từ Sở Xây dựng. “Những bất cập khó khăn của Nhân dân đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được cấp phép xây dựng. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền, quan tâm dành thời gian thích hợp cho việc giải quyết nhu cầu chính đáng của 11.000 người dân phường Lĩnh Nam nói riêng và hàng trăm nghìn người dân vùng bãi sông Hồng nói chung” - ông Nguyễn Đình Công bày tỏ.
"Quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay TP chưa hoàn thành quy hoạch phân khu sông Hồng, vướng mắc chính là phân khu hai bên bờ sông Hồng sẽ là gắn như thế nào với phương án thoát lũ. Vì vậy, việc sử dụng đất ven bãi sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, TP đã nhất trí đưa nội dung này vào để báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, trong đó đặt mục tiêu phủ kín các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ