Cáp quang - chìa khóa tăng trưởng kinh tế Châu Phi?

Nairobi Garage là khu vực tinh hoa của Kenya. Đây là không gian cực kỳ hiện đại nhìn xuống thủ đô Nairobi nhộn nhịp. Công việc kinh doanh tại đây dựa trên Internet tốc độ cao.

Nairobi Garage là khu vực tinh hoa của Kenya. Đây là không gian cực kỳ hiện đại nhìn xuống thủ đô Nairobi nhộn nhịp. Công việc kinh doanh tại đây dựa trên Internet tốc độ cao.

Chi phí cao

Nairobi Garage là một trong số những không gian làm việc trong thành phố với Internet cáp quang kết nối với tốc độ 25 megabits mỗi giây (Mbps). Internet không phải là tiêu chuẩn phổ biến ở Kenya - đất nước được xem như là người tiên phong trong đổi mới công nghệ tại Châu Phi. Về chi phí, Internet cáp quang nằm ngoài tầm với của hầu hết các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ. Kết nối 25Mbps trong khu vực có giá 4.000-5.000 USD/tháng.

“Công nghệ đang diễn ra ở Kenya nhờ phần lớn vào sự xuất hiện của Internet cáp quang - tiếc là các chi phí cho các Cty vẫn còn rất cao”, bà Hannah Clifford, Tổng giám đốc Nairobi Garage cho biết. Hiện, hơn 100 doanh nghiệp nhỏ bắt đầu được kết nối Internet tốc độ cao và ổn định với chi phí được trợ cấp một phần. “Thông qua các không gian làm việc như Nairobi Garage, các doanh nghiệp và doanh nhân trẻ có thể truy cập Internet ở mức giá rất phải chăng. Internet tốc độ cao, đáng tin cậy là rất quan trọng cho các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với những cái tên như Thung lũng Silicon”, bà Clifford nói.

Công nhân kéo cáp quang vào bờ tại thành phố cảng Mombasa của Kenya. Ảnh: BBC

Công nhân kéo cáp quang vào bờ tại thành phố cảng Mombasa của Kenya. Ảnh: BBC

“Quyền con người”

Các Cty như Liquid Telecom đang nỗ lực để Internet cáp quang trở thành hiện thực trên khắp Châu Phi. Đến cuối năm nay, Cty sẽ chi khoảng 500 triệu USD triển khai hơn 18.000km cáp quang trên lục địa này, trở thành chủ sở hữu của hệ thống mạng cáp quang lớn nhất Châu Phi.

Cty cũng bắt đầu cung cấp Internet cáp quang cho hộ dân - dịch vụ mới được khách hàng ở Zambia và Zimbabwe hưởng ứng. Theo Giám đốc điều hành Liquid Telecom Nic Rudnick, Internet là quyền con người cũng như sự cần thiết cho công việc. Ông nói rằng, “xương sống” mà Liquid triển khai sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Phi. “Liquid Telecom được thành lập dựa trên niềm tin rằng, kết nối viễn thông hiện nay là quyền cơ bản của con người. Chúng tôi dành phần lớn thời gian, tư duy chiến lược và làm việc chăm chỉ để tạo ra mạng lưới cáp quang lớn nhất và nhanh nhất trên toàn Châu Phi”, ông Rudnick nói.

“Mạng lưới sẽ phủ khắp Châu Phi và các châu lục khác. Khách hàng không chỉ là các doanh nghiệp và bán lẻ trực tiếp. Chúng tôi còn bán bản quyền cho các nhà khai thác khác. Tôi tin, các doanh nghiệp nhỏ của Châu Phi cần truy cập băng thông rộng giá cả phải chăng để phát triển. Internet cáp quang là chìa khóa cho sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai của Châu Phi”, ông Rudnick cho biết thêm.

Công nghệ không dây

Tuy nhiên, không phải tất cả đều cho rằng, Internet cáp quang là giải pháp đúng cho Châu Phi.

Alan Knott-Craig, người sáng lập dự án Isizwe của Nam Phi, tin rằng, công nghệ không dây tiên tiến hơn nhiều. Mục tiêu của ông là cung cấp Internet miễn phí cho tất cả mọi người ở Nam Phi bằng cách cài đặt các điểm truy cập wifi ở khu vực có thu nhập thấp trên toàn quốc. “Internet cáp quang không phải là tương lai cho Châu Phi. Mạng không dây mới là tương lai”, ông nói. Theo ông Knott-Craig, công nghệ vệ tinh và vi sóng sẽ thống trị các mạng truyền tải của Châu Phi trong tương lai, trong khi wifi và 3G sẽ kết nối cho các hộ dân hoặc văn phòng. Ông tin rằng, wifi là hình thức thích hợp nhất kết nối các thiết bị di động - công nghệ mang tính đột phá của Châu Phi - và do đó, là cách tốt nhất để truy cập Internet toàn cầu.

Quốc gia vệ tinh?

“Không có gì ngạc nhiên”, nhà cung cấp kết nối vệ tinh Gilat Satcom đồng ý với nhận định của ông Knott-Craig.

Theo Gilat Satcom, Internet cáp quang tại Châu Phi phần lớn được giới hạn ở các thành phố lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ có 37% dân số của Châu Phi thực sự sống trong các khu vực đô thị. Do đó, vệ tinh là cách hiệu quả nhất để tiếp cận các khu vực nông thôn. Khi nhu cầu về kết nối vệ tinh dự kiến sẽ “cất cánh”, các nhà cung cấp như Gilat đang chạy đua để nâng cao công nghệ nhằm giảm chi phí.

“Chúng tôi nghĩ, nông thôn Châu Phi sẽ tiếp tục phụ thuộc vào vệ tinh trong vài năm tới. Tin tốt lành cho người dân và các doanh nghiệp Châu Phi là giá cả sẽ giảm đáng kể một khi thế hệ mới các vệ tinh thay thế vệ tinh cũ. Những cải tiến trong kỹ thuật được các nhà cung cấp truyền hình vệ tinh thông minh sử dụng cũng sẽ làm giảm chi phí”, ông Zajicek nói.

Một gói truyền hình vệ tinh 1Mbps không giới hạn cho một doanh nghiệp nhỏ chỉ có giá 50 USD/tháng.

An Bình
(Theo BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/135_129728_cap-quang-chia-khoa-tang-truong-kinh-te-chau-phi-.aspx