Cấp sổ đỏ sai hàng nghìn m2 đất, UBND tỉnh Sóc Trăng thua kiện Việt kiều 82 tuổi
Gia đình cụ Hồng có gần 9.000 m2 đất ở trung tâm TP Sóc Trăng nhưng UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho tịnh xá Ngọc Khánh nên xảy ra khiếu kiện.
Ngày 15/10, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Nguyên đơn là cụ ông Nguyễn Tiết Hồng (82 tuổi, ở Pháp, tạm trú tại TP Cần Thơ) và bị đơn là UBND tỉnh Sóc Trăng.
Theo HĐXX, bị đơn đã làm sai quy trình và các quy định liên quan khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 000748 QSDĐ/QĐ/UBT cho tịnh xá Ngọc Khánh vào ngày 27/3/2012, diện tích 8.792,8 m2, tọa lại tại số 112 (số cũ 128) đường Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng. Vì vậy, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của cụ Hồng, tuyên hủy sổ đỏ số 000748 QSDĐ/QĐ/UBT.
Ra tòa lần này, do cụ Hồng lớn tuổi nên đã ủy quyền cho ông Giang Thanh Hà (chủ cửa hàng điện - ống nước Hà Tiên, phường 3, TP Sóc Trăng) tham gia tố tụng. Còn tịnh xá Ngọc Khánh là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
"Trong 8792,8 m2, có 738 m2 là đất xây dựng, 6.513,8 m2 đất trồng cây lâu năm, còn lại 1541 m2 là đất nghĩa địa. HĐXX tuyên hủy sổ đỏ hì toàn bộ diện tích đất 8.792,8 m2 là của gia đình tôi nhưng nguyện vọng của gia tộc là không lấy lại đất đã xây tịnh xá.
Chúng tôi muốn dùng tài sản này cúng dường cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chỉ giữ lại khu nghĩa địa, chiếm khoảng 1/3 tổng khu đất, chạy dài từ mặt tiền đường Trần Hưng Đạo ra sau", ông Hà nói.
Suýt mất đất vì cho tịnh xá mượn
Theo hồ sơ vụ án, toàn khu đất tịnh xá Ngọc Khánh đang sử dụng có diện tích 8792,8 m2, từng nằm trong tổng số đất 22.200 m2 tại xã Nhâm Lăng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Ba Xuyên (nay là phường 2, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) của ông Trần Văn Vàng.
Theo Trích lục địa bộ ngày 8/01/1945, có ghi việc ông Vàng thiết lập một nghĩa địa gia đình trong phần đất 22.200 m2 vào ngày 25/02/1930, cấm những người thừa kế chuyển nhượng thửa đất này.
Sau khi ông Vàng chết, con gái Trần Thị Niệm và chồng là Nguyễn Văn Quan (cha ruột cụ Hồng) thừa kế khu đất này. Năm 1932, bà Niệm cùng 3 người con chung của ông Quan bị chìm tàu do gặp bão lớn nên qua đời. Vì vậy, ông Quan trở thành thừa kế duy nhất kế thừa khu đất 22.200 m2.
Năm 1934, ông Quan lấy vợ khác (bà Tiết Thị Lang), sinh ra cụ Hồng và hai cụ Nguyễn Tiết Hải (sinh năm 1939) và Nguyễn Tiết Hiệp (qua đời năm 2017) tại TP Sóc Trăng.
Lúc sinh thời, ông Quan làm tờ ủy quyền đặc biệt ngày 21/10/1970 cho em gái là bà Nguyễn Thị Vỏ để trông nom đất vườn, trong đó có phần đất diện tích 22.200 m2. Sau khi thụ quyền, bà Vỏ đã thay mặt ông Quan đứng ra cho thuê và thu huê lợi các sổ đất vườn của ông Quan.
Ngày 14/9/1973, bà Vỏ làm Tờ ưng thuận cho tTịnh xá sử dụng đất thổ cư 10.000 m2 (nay chỉ còn lại 8792,8 m2 do giải tỏa làm đường) nằm trong số đất diện tích 22.200 m2. Tuy nhiên, thay vì thu tiền thuê đất như các hộ dân khác, bà Vỏ thấy tịnh xá Ngọc Khánh không có phát sinh thu nhập nên cho tịnh xá sử dụng khỏi phải trả tiền thuê mướn, dạng cho ở nhờ trên đất.
"Gia đình chủ đất chúng tôi đã cho tịnh xá ở trên đất này qua 6 đời trụ trì. Sau khi ông Quan mất vào năm 1985, các con ông Quan là chúng tôi vẫn tiếp tục cho tịnh xá ở trên đất cho đến nay.
Tuy nhiên, 5 đời trụ trì trước rất tôn kính và nể trọng gia đình chủ đất chúng tôi, chỉ có đến trụ trì đời thứ 6 là xảy ra phá bia mộ đang xây cất của em trai tôi là ông Nguyễn Tiết Hiệp. Hiện, các con ông Hiệp đang làm đơn yêu cầu công an xử lý hình sự những người có hành vi Xâm phạm mồ mả", cụ Hồng viết trong đơn.
Khi gia đình cụ Hồng bị cản trở việc chôn cất người quá cố thì họ phát hiện tịnh xá Ngọc Khánh có sổ đỏ do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 27/3/2002, diện tích 8792,8 m2, số thửa 53, tờ bản đồ 56, tọa lạc tại phường 2, TP Sóc Trăng. Từ khuất tất này, cụ Hồng đã làm đơn kiện UBND tỉnh Sóc Trăng ra tòa.
Việt kiều Pháp thắng kiện nhờ chứng cứ thuyết phục
Theo cụ Hồng, UBND Tỉnh Sóc Trăng không yêu cầu người xin cấp giấy là tịnh xá xuất trình tờ ủy quyền đặc biệt giữa ông Quan và bà Vỏ để xem xét nội dung ủy quyền là gì mà đã vội cấp giấy chứng nhận cho tịnh xá.
Trong tờ ủy quyền này hoàn toàn không có nội dung cho bà Vỏ được định đoạt phần đất thuộc quyền sở hữu của ông Quan nên bà Vỏ không có tư cách tặng, cho phần đất không thuộc sở hữu của bà.
Nguyên đơn còn chỉ ra sai sót là UBND tỉnh Sóc Trăng khi cấp giấy chứng nhận cho tịnh xá đã không xem xét phần đất nghĩa là của ai mà đã cấp luôn cho tịnh xá.
Không chỉ vậy, cụ Hồng còn khẳng định UBND tỉnh Sóc Trăng cấp giấy chứng nhận cho tịnh xá chỉ dựa vào duy nhất tờ giấy của bà Vỏ về việc ưng thuận cho tịnh xá sử dụng đất thổ cư, ngoài ra không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh cho nguồn gốc đất.
Như vậy, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của tịnh xá không có giấy tờ nào có giá trị pháp lý ngoài tờ giấy của bà Vỏ ưng thuận cho tịnh xá sử dụng đất. Do đó, việc UBND tỉnh Sóc Trăng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tịnh xá là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái quy định pháp luật.
Từ những chứng cứ thuyết phục này, bản án tuyên cụ Hồng thắng kiến UBND tỉnh Sóc Trăng là vô tư, khách quan.