Cấp tập chuẩn bị 'visa' cho sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang thị trường tỷ đô
Những năm gần đây, sầu riêng và dừa được Trung Quốc ngày càng yêu thích và ưa chuộng. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc nhập khẩu sầu riêng và dừa…
Nhắc đến xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, sầu riêng chắc chắn là loại quả có mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên nhất. Sau kỳ tích của sầu riêng, nhiều người đang đặt kỳ vọng quả dừa sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD tiếp theo.
“CƠN KHÁT” SẦU RIÊNG VÀ DỪA TẠI TRUNG QUỐC
Năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng 69% so với năm 2022. Tuy nhiên, nhà cung cấp chính của nước này là Thái Lan đã mất thị phần khi quốc gia tỷ dân bật đèn xanh nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam và Philippines.
Theo đó, tỷ trọng nhập khẩu sầu riêng Thái Lan đã giảm từ gần 100% vào năm 2021 xuống còn 95,4% trong năm 2022. Đến năm 2023, tỷ trọng tiếp tục giảm xuống gần 68%.
Bên cạnh đó, sau khi được cấp phép, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng từ mức gần 0 lên 4,6% thị phần, sau đó tăng vọt lên 31,8% vào năm 2023.
Hiện Trung Quốc đã thu mua tới 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu đã tăng vọt từ 188,1 triệu USD vào năm 2022 lên 2,1 tỷ USD trong năm 2023.
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022.
Từ xuất khẩu tiểu ngạch, sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng sản xuất, đóng gói theo tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc nên số lượng xuất khẩu ngày càng tăng.
Không chỉ sầu riêng, thị trường cho quả dừa và những sản phẩm từ dừa đang rất rộng mở tại Trung Quốc. Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu về dừa của nước này lên tới 2,6 tỷ quả/năm. Trong khi đó, Hải Nam được coi là vùng cung cấp dừa chính của Trung Quốc chỉ đạt sản lượng khoảng 250 triệu quả/năm.
Do thị trường Trung Quốc có nhu cầu dừa rất lớn nhưng sản lượng dừa của nước này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thị trường nên chỉ có thể dựa vào dừa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài nhập dừa từ Thái Lan và Indonesia, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu dừa từ Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có hơn 180.000ha đất nông nghiệp dùng để trồng dừa. Diện tích dừa Việt Nam chiếm 1,67% diện tích trên thế giới, 2,07% diện tích dừa châu Á.
Sản lượng dừa đứng thứ 7 trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa hàng năm vượt 900 triệu USD. Số lượng lớn đều tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre.
Dừa là một loại cây trồng có giá trị và đa dụng vì có thể dùng trong công nghiệp chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau từ các bộ phận của cây dừa. Loại cây này đang là nguồn thu nhập của khoảng 389.530 hộ nông dân. Đồng thời, tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023.
ĐIỀU KIỆN CẤP “VISA” CHO DỪA VÀ SẦU RIÊNG VIỆT NAM
Năm 2024, xuất khẩu rau quả kỳ vọng tiếp tục tạo sự bùng nổ nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam đang nỗ lực giúp 2 mặt hàng này nhận được “tấm vé thông hành” sang thị trường tỷ dân trong năm nay.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố, các cơ quan chuyên môn của địa phương về việc rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo đó, để chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi nghị định thư được ký kết, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tỉnh, thành phố thông báo và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đồng thời, rà soát, kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi (quả có vỏ xanh, dừa gọt vỏ) và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh (quả sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ) có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Theo dự thảo nghị định thư, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, năng lực bảo quản các kho cấp đông bảo đảm đạt -35 độ C trong thời gian 1 giờ (tấn/ngày) và kho lạnh để bảo quản -18 độ C (tấn). Đối với các vùng trồng dừa tươi phải áp dụng biện pháp quản lý 16 sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm như bọ dừa, rầy phấn trắng, rệp sáp, mọt cọ đỏ...
Đối với các cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu, cần đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ phục vụ đóng gói; quy trình kiểm soát và nhận diện sinh vật gây hại; quy trình đóng gói và truy xuất nguồn gốc.
Các đơn vị phải gửi kết quả tổng hợp danh sách về Cục Bảo vệ thực vật chậm nhất trước ngày 1/4/2024 để tổng hợp.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm.
Như vậy, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay thì sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh sẽ mang về khoảng 3,5 tỷ USD. Tương tự, quả dừa nếu ký được nghị định thư sẽ mang về từ 500 - 600 triệu USD trong năm 2024.