Cấp thiết bịt lỗ hổng

Có lẽ hiện nay hàng ngàn người đang lo ngại với hoạt chất 6-Benzylaminopurine.

Hoạt chất này có thể gây não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Thật nhẫn tâm, hóa chất này được một số người ở Đắk Lắk dùng trồng giá đỗ và đưa vào thị trường gần 3.000 tấn, trong đó có hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh. Càng đáng ngại hơn, con đường thực phẩm độc hại đi từ nơi sản xuất, qua thị trường, đến tay người tiêu dùng dường như dễ dàng "vượt chốt chặn an toàn".

Bằng nhiều cách các loại thực phẩm mất an toàn len lỏi đến bàn ăn người tiêu dùng mà với kiến thức thông thường khó mà cảnh giác nổi. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận đến 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong. Con số này đã kinh khủng nhưng chưa phản ánh đủ sự đáng sợ của thực phẩm mất an toàn, bởi những loại hóa chất độc hại gây họa âm thầm thì không thể nào thống kê được.

Bộ Y tế cũng thường xuyên cảnh báo các hóa chất độc hại gây ngộ độc thực phẩm như: Nhóm hóa chất bảo vệ thực vật (diệt sâu bọ, nấm mốc...); nhóm clor hữu cơ (diệt sâu bọ) tồn dư trong đất rất lâu (nhiều năm), như: DDT, 666, lindan, clodan, heptachlor, nerei stoxin (shachoogdan, shachoongsoong) cực độc… Thế nhưng "chốt chặn" những loại hóa chất này đến người tiêu dùng dường như còn nhiều lỗ hổng. Ngay như vụ sản xuất giá đỗ ở Đắk Lắk, có đến 3 cơ quan quản lý nhưng hoạt động 6 tháng trời đưa ra thị trường cả ngàn tấn sản phẩm mới bị phát hiện. Và ngay vụ này, truy được trách nhiệm cơ quan quản lý cũng không hề dễ. Càng ngạc nhiên hơn, những người trực tiếp bán sản phẩm độc hại này đến tay người tiêu dùng dường như cũng vô can.

Không phải đơn giản mà TP HCM phải xin cơ chế đặc thù để lập riêng Sở An toàn thực phẩm. Với dân số hơn 10 triệu người, TP HCM là nơi tiêu thụ rất lớn nguồn thực phẩm từ mọi miền đất nước. Chỉ có những cơ quan chuyên biệt với chức năng và quyền hạn đủ mạnh mới có thể giữ được vai trò chốt chặn an toàn thực phẩm cho người dân. Chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm và các nghị định liên quan quy định đầy đủ về pháp lý trong lĩnh vực này. Vấn đề là phải thực thi và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm thì mới có thể đủ tính răn đe xã hội.

Hãy thử tham khảo Nhật Bản - quốc gia quản lý về thực phẩm rất tốt. Ai bán thực phẩm gây ngộ độc sẽ bị phạt đến 2 triệu yen, phạt tù 2 năm. Trong trường hợp, người bán hàng biết rõ hệ quả xấu sẽ mang lại cho người tiêu dùng của thực phẩm mà mình đang sở hữu mà vẫn cố tình đưa ra thị trường thì bị truy tố vào tội cố tình giết người.

Vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng hiện tại mà còn liên quan đến thể chất và trí tuệ của cả thế hệ. Tầm quan trọng quá lớn nên ngoài việc xử nghiêm các hành vi không thể dung túng như đã nêu, thì cũng cần phải có cách quản lý tương xứng là đòi hỏi cấp thiết.

Theo Hiếu Nghi (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cap-thiet-bit-lo-hong-post306185.html