Cấp thiết bổ sung dự án điện gió tiềm năng vào quy hoạch phát triển điện quốc gia

Trong bối cảnh nguồn cung điện quốc gia đang gặp khó khăn, việc sớm bổ sung các dự án điện gió có tiềm năng khai thác vào quy hoạch phát triển điện quốc gia là vô cùng cần thiết, tạo cơ sở cho các cơ quan cập nhật quy hoạch đấu nối dự án vào hệ thống điện, đảm bảo truyền tải công suất dự án và khả năng hấp thụ hệ thống điện khu vực dự án.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo "Thanglong Wind-Sự cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam". Hội thảo do Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cùng Tập đoàn Enterprize Energy tổ chức ngày 6-12, tại Hà Nội.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, Chính phủ, Bộ Công Thương xác định từ năm 2020 tới năm 2023 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tiếp tục bị chậm tiến độ. Theo đó, cùng với điện mặt trời, điện gió sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam, bởi tiềm năng ở Việt Nam trong lĩnh vực này là rất lớn. Dù vậy, hiện nay, Việt Nam mới chỉ đưa vào một số dự án điện gió với tổng công suất hơn 300MW, khá chậm so với mức 800MW vào năm 2020 được đưa ra trong Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh). Theo các đại biểu cần có những chính sách phù hợp để thúc đẩy các dự án điện gió phát triển.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhận định, trong thời gian gần đây, xu hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi rất được quan tâm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió Thanglong Wind-khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận, với công suất 3.400MW, tổng số vốn lên đến 11,9 tỷ USD. Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành lập quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định. “Việc sớm bổ sung các dự án điện gió có tiềm năng khai thác vào quy hoạch phát triển điện quốc gia là vô cùng cần thiết. Việc được Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch điện, ngoài việc tạo thuận lợi cho dự án bước vào giai đoạn ký kết các hợp đồng điện và đầu tư, cũng sẽ giúp phân định rõ việc đầu tư hệ thống truyền tải điện, đường dây, các trạm điện...”- ông Trần Viết Ngãi nêu rõ.

Tại hội thảo, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy ông Ian Hatton cho biết, thành công của dự án điện gió Thanglong Wind sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai. Với những chính sách phù hợp và ổn định từ Chính phủ Việt Nam, hợp đồng mua bán điện hợp lý, sử dụng những công nghệ tua-bin được kiểm chứng từ nhà thầu uy tín để chế tạo và lắp đặt, các ngân hàng quốc tế sẽ đảm bảo đủ vốn cho việc xây dựng dự án. Ông Ian Hatton bày tỏ mong muốn, dự án này sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh, để đến năm 2023 các tổ máy đầu tiên của dự án này bắt đầu phát điện.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho biết, đây là dự án sẽ có tỷ lệ nội địa hóa lên tới 50%. Dự án này sẽ tận dụng được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong thi công các kết cấu các dự án phát triển điện gió ngoài khơi.Cụ thể, Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro (Vietsovpetro) và Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS) - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam có nhiệm vụ đảm nhiệm toàn bộ phần công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các chân đế ngoài khơi và các trạm biến áp ngoài khơi...

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/cap-thiet-bo-sung-du-an-dien-gio-tiem-nang-vao-quy-hoach-phat-trien-dien-quoc-gia-604608