Cấp thiết lập mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học
Đồng Nai là địa phương có hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, trong đó, nhiều loại thuộc dạng quý hiếm. Để có đánh giá tổng thể về số lượng loài, phân bố, quá trình phát triển của từng loài cũng như tác động của con người, biến đổi khí hậu đến hệ động, thực vật, Sở TN-MT đề xuất và UBND tỉnh phê duyệt thiết lập mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2030.
Theo Sở TN-MT, đây là việc làm cần thiết, cấp thiết để bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững hệ đa dạng sinh thái.
* Hệ đa dạng sinh học phong phú
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Đồng Nai có hệ ĐDSH phong phú nhất nhì khu vực Đông Nam bộ. Trong đó, đáng kể là các khu vực: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng phòng hộ Long Thành, sông Đồng Nai, hồ Trị An. Không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, cảnh quan, hệ ĐDSH còn đem lại nguồn lợi về kinh tế, du lịch sinh thái. Từ khi tỉnh thực hiện đóng cửa rừng vào năm 1997, hệ ĐDSH được bảo vệ, phục hồi và phát triển hơn.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là một trong 2 khu vực có hệ ĐDSH lớn nhất tỉnh. Ông Võ Quang Trung, Phó phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác của khu bảo tồn cho biết, rừng thuộc khu bảo tồn có hơn 1,5 ngàn loài thực vật và 1,7 ngàn loài động vật sinh sống. Trong đó, nhiều loài động, thực vật thuộc hàng quý hiếm, có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: voi, báo gấm, gấu chó, bò tót, chà vá chân đen, gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ; cây thuộc họ bứa, họ kim giao. Hằng năm, khu bảo tồn đều ghi nhận có loài mới phát sinh do lai tạo hoặc biến thể do biến đổi khí hậu.
Bên cạnh hệ động, thực vật trên cạn, phạm vi quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn có hệ sinh thái dưới nước đa dạng ở khu vực hồ Trị An, sông Đồng Nai. Đề án Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản và xây dựng quy hoạch phân khu chức năng, sử dụng, bảo vệ ĐDSH khu hệ cá vùng đất ngập nước hồ Trị An do khu bảo tồn phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện năm 2019 đã xác định được, lòng hồ có tổng cộng 106 loài cá, trong đó, 14 loài cá nằm trong danh mục các loài quý hiếm và nguy cấp, 12 loại cá ngoại lai xuất hiện.
Còn tại Vườn quốc gia Cát Tiên, số liệu công bố cho thấy, nơi đây hiện có hơn 1,5 ngàn loài động vật và hơn 1,6 ngàn loài thực vật. Hệ động, thực vật ở đây ít bị tác động bởi môi trường, khí hậu hơn so với các khu vực ĐDSH khác trên địa bàn tỉnh. Cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và rừng phòng hộ Tân Phú, Vườn quốc gia Cát Tiên đóng vai trò như “lá phổi” khổng lồ phía Tây Bắc của tỉnh.
Rừng ngập mặn ở Đồng Nai (thuộc 2 huyện Long Thành - Nhơn Trạch) có nguồn nước ổn định, độ mặn vừa phải nên nơi đây có cả động, thực vật trên cạn lẫn dưới nước, thủy sinh nước mặn lẫn ngọt cùng chung sống. Theo số liệu thống kê, rừng ngập mặn này có 86 loài thực vật, với các loại cây điển hình như: đước, mắm, bần, chà là vừa có ý nghĩa với môi trường, tạo cảnh quan, vừa là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loại động vật, thủy hải sản. Lưu vực sông ở rừng ngập mặn có 6 loài thú, 52 loài chim, khoảng 30 loài bò sát và loài lưỡng cư; hơn 200 loài thủy sản thuộc 3 nhóm nhuyễn thể, giáp xác và sinh vật phù du.
Đây là những khu vực được ghi nhận có ĐDSH phong phú, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, Đồng Nai còn có khu vực rừng phòng hộ Tân Phú, núi Chứa Chan, Khu du lịch Bửu Long cũng ghi nhận có hệ ĐDSH, cần được thống kê, bảo vệ và phát triển loài, nguồn gen.
* Thiếu công cụ thống kê, giám sát
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, hiện nay, các khu vực có ĐDSH đang hoạt động theo cơ chế chung của quốc gia về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các đơn vị: vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ duy trì hoạt động điều tra, thống kê dữ liệu các loài và quản lý, bảo vệ. Các loài động, thực nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm giảm tác động của con người và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, hoạt động quan trắc và giám sát ĐDSH chủ yếu được thực hiện thông qua các chương trình, dự án nhỏ lẻ do các đơn vị tự làm hoặc phối hợp với ngành chức năng khác để thực hiện; phương pháp giám sát thủ công dẫn đến số liệu không đồng nhất hoặc chưa đầy đủ.
Ông Võ Quang Trung, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, hiện nay công tác thống kê, ghi nhận ĐDSH rất khó khăn. Khu bảo tồn có diện tích hơn 100 ngàn ha nhưng chỉ có 8 cán bộ, nhân viên làm công tác thống kê, nghiên cứu. Về phương pháp, đơn vị xây dựng phương án giám sát chuyên đề đối với từng loài hoặc từng điểm, khu vực. Sau đó phối hợp với các trạm kiểm lâm quan sát trực tiếp, ghi nhận thông qua dấu vết, âm thanh rồi cập nhật vào danh sách ĐDSH.
“Công tác thống kê thủ công mất nhiều thời gian và nhân lực. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi không ghi nhận được số lượng loài ngoài thực tế, hoặc thống kê chưa đầy đủ” - ông Võ Quang Trung cho biết. Để thống kê loài chim, mỗi người đều phải tải phần mềm âm thanh tiếng kêu của tất cả các loài chim vào điện thoại. Khi đi quan sát, nghe tiếng kêu ngoài thực tế thì mở âm thanh trong điện thoại ra đối chiếu xem là chim gì. Đối với các loài bò sát, côn trùng phải tải hình ảnh về điện thoại để so sánh. Có nhiều loại động vật có thể quan sát, ghi nhận được ban ngày nhưng nhiều loài chỉ ghi nhận được vào ban đêm hoặc dấu vết để lại, tiếng kêu.
Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho rằng, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có diện tích gần 8 ngàn ha, tiếp giáp với nhiều sông và rừng ngập mặn Cần Giờ
(TP.HCM) nên có hệ động thực vật đa dạng và giao thoa nhau. Khó khăn trong công tác thống kê, bảo vệ ĐDSH là hệ sinh thái các loài trên cạn (thuộc đất rừng) và các hồ trong rừng do ban quản lý rừng thống kê, bảo vệ, nhưng hệ sinh thái dưới sông do Chi cục Thủy sản quản lý. Hai bên chưa có sự đồng bộ trong quản lý. Bên cạnh đó, việc săn bắt và tác động của biến đổi khí hậu đang làm thu hẹp môi trường sống của nhiều loài, đe dọa ĐDSH của cả khu vực.
Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đang hoàn thiện đề án Phát triển du lịch sinh thái rừng phòng hộ ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này hướng đến khai thác lợi thế cảnh quan và ĐDSH rừng ngập mặn. “Trạm Rừng Giống và Trạm Rạch Tràm là 2 khu vực có hệ ĐDSH, có cảnh quan tự nhiên tương đối thuận lợi để hình thành điểm tham quan cho du khách. Hiện tại, chúng tôi đang phát triển đàn khỉ phục vụ mục đích du lịch sinh thái. Tuy nhiên, người nuôi cũng không kiểm soát được số lượng, đàn tách ra đi đâu” - ông Thành cho hay.
Ông Nguyễn Nguyễn Du, chủ nhiệm dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản và xây dựng quy hoạch phân khu chức năng sử dụng và bảo vệ ĐDSH khu hệ cá vùng đất ngập nước hồ Trị An cho rằng, trong tổng cộng 106 loài cá ở lòng hồ Trị An mà nhóm nghiên cứu ghi nhận được, có 89 loài được xác định thông qua việc thu mẫu và định loại trực tiếp, còn lại được xác định thông qua theo dõi khai thác cá của ngư dân. Do hạn chế về thời gian, nhân lực, công cụ hỗ trợ nên việc xác định loài gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu mới chỉ xác định được các loài mà chưa ghi nhận được đặc tính từng loài, mùa sinh sản. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để đề xuất khu vực khai thác, thời gian khai thác, ngư cụ được khai thác phù hợp để sử dụng và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đồng Nai có hệ ĐDSH phong phú với hơn 2,8 ngàn loài thực vật thuộc 192 họ, 6 ngành; 110 loài thú thuộc 12 bộ, 31 họ; 248 loài chim thuộc 16 bộ, 65 họ; gần 140 loài ếch nhái - bò sát và hơn 260 loài cá. Các loài động, thực vật phân bố ở nhiều nơi nhưng tập trung chủ yếu ở một số khu vực có rừng, sông, hồ tự nhiên.
Việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên là ưu tiên của tỉnh trong nhiều năm qua, tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, săn bắt và khai thác trái phép, nguồn thức ăn suy cạn đã tác động tiêu cực đến một số loài. Một số khu vực chưa kiểm kê hoặc số liệu kiểm kê đã cũ, cần ghi nhận, đánh giá tổng quan, trên cơ sở đó xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn.