Cấp thiết một cây cầu bắc qua sông Luồng
Bao năm qua, hàng trăm hộ dân ở bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn) phải 'đánh cược mạng sống' lên bè mảng qua sông Luồng để đến nơi canh tác.
Người dân bản Ngàm vận chuyển nông sản qua sông bằng bè, mảng.
Người dân sinh sống một bên, sản xuất một bên
Trời âm u, cơn mưa kéo dài đêm hôm trước càng khiến cho con sông Luồng gầm gào, chảy xiết. Nước to, sông đục nhưng trước mắt tôi, là cảnh tượng không khỏi rùng mình. Cả chục hộ dân loay hoay với chiếc bè mảng được kết lại từ những cây luồng tươi sơ sài. Chiếc bè nhỏ “cõng” cả người và nông sản di chuyển chậm từng chút, chùng chiềng, chao đảo, trong khi người phía bên này sông cố hết sức kéo chiếc ròng rọc để bè qua sông.
Dừng chân bên này bến, chị Lương Thị Oanh, bản Ngàm giọng nói còn hổn hển: “Vì không có cầu nên để qua được sông, bà con trong bản đều phải đi bằng bè, bằng mảng. Ngày trước, bà con trong bản ở phía bên kia sông, tiện cho việc làm nông nghiệp, trồng cây luồng, cây sắn. Nhưng do bất cập giao thông, con cái đến trường phải lên bè qua sông, nguy hiểm nên bà con chuyển dần sang bên này sinh sống. Sang bên này mỗi lần đi làm nông nghiệp, người dân lại phải qua sông bằng bè, mảng, vất vả lắm!”.
Vừa vận chuyển được 20 bao lúa sau vụ thu hoạch, ông Lò Văn Tính, ở bản Ngàm không giấu được niềm vui, cho biết: Vận chuyển từng ấy lúa mà không rớt bao nào xuống sông là may mắn lắm. Hiện, gia đình ông Tính có 4 sào đất lúa, hơn 1 ha đất trồng luồng cùng chuồng trại chăn nuôi đều nằm ở phía bên kia sông. Việc vận chuyển nông sản qua sông bị nước cuốn trôi là bình thường, nhất là vào mùa mưa lũ. Nhưng lo ngại nhất với ông Tính và bà con vẫn là sự an nguy tính mạng. Không chỉ thóc lúa bị cuốn trôi, mà chuyện người dân bị ngã xuống sông cũng diễn ra thường xuyên như cơm bữa.
Mục thị dọc tuyến sông cho thấy, không chỉ bản Ngàm mà khu sản xuất nông, lâm nghiệp của các bản Na Nghịu, Na Lộc, khu nghĩa địa của bản Nhài (xã Sơn Điện) đều bị chia cắt bởi sông Luồng. Do không có cầu nên bà con phải qua sông bằng bè mảng, cáp treo tự chế, thậm chí là lội bộ qua sông. Chỉ riêng đoạn qua bản Ngàm, theo ghi nhận của chúng tôi, có tới 4 vị trí bến tự phát được người dân hình thành để qua sông.
Điểm chung của các bến này là phục vụ bà con qua sông sản xuất, canh tác. Không chỉ mất an toàn do phương tiện thô sơ bằng bè mảng, mà cách thức để người dân sang sông, vận chuyển nông sản cũng không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ. Ước mong có một cây cầu cứng, hoặc cầu treo dân sinh là hết sức cấp thiết.
Loay hoay tìm giải pháp
Đem ước mong của bà con bản Ngàm cũng như các bản Na Nghịu, Na Lộc, Nhài trao đổi với ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện. Theo ông Quang, những bất cập trên là nỗi trăn trở bao lâu nay của chính quyền địa phương. Đề xuất một cây cầu đã được nêu nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện, tỉnh.
Người dân bản Ngàm vận chuyển nông sản qua sông bằng bè, mảng.
Việc đầu tư một cây cầu kiên cố, không chỉ giúp cho bà con qua sông một cách an toàn mà về định hướng phát triển của địa phương, xã cũng đã đưa phương án di dân sang bên kia sông vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Hiện tại, bản Ngàm với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhưng quỹ đất ở hạn hẹp đang là rào cản lớn. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp.
Ông Phạm Bá Chiến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quan Sơn, cho biết: Huyện Quan Sơn có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao chia cắt bởi hệ thống sông, suối tạo thành những vùng khu biệt. Bất cập từ việc người dân sinh sống một bên, sản xuất một bên không chỉ riêng bản Ngàm, mà dọc sông Luồng còn một số bản khác cũng vậy.
Theo ông Chiến, hiện tại trên địa bàn huyện Quan Sơn đang có 2 cây cầu treo (gồm cầu treo bản Bơn, xã Mường Mìn và cầu treo bản Lợi, xã Trung Hạ). Đây là 2 cây cầu được đầu tư từ năm 2015, thuộc dự án hỗ trợ 21 cây cầu từ Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, 2 cầu treo này chỉ phục vụ cho việc đi lại của người dân và phương tiện thô sơ như xe đạp, xe máy... chứ để phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho bà con thì chưa đáp ứng được. Để đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của Nhân dân bản Bơn, xã Mường Mìn; bản Lợi, xã Trung Hạ với các bản trong xã và khu vực lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống bà con Nhân dân, UBND huyện Quan Sơn đã có Văn bản số 1675/UBND-KT&HT ngày 24/8/2023 gửi Sở Tài chính về phương án sửa chữa, khắc phục cầu treo hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn huyện Quan Sơn. Theo đó, UBND huyện Quan Sơn đề nghị Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới cầu bê tông cốt thép thay thế 2 cây cầu treo không còn phù hợp trên.
“Nếu việc thay thế 2 cầu treo thuộc các xã Mường Mìn và Trung Hạ bằng cầu bê tông cốt thép được chấp thuận, UBND huyện Quan Sơn sẽ đề xuất phương án di dời một trong hai cây cầu treo trên lên bản Ngàm, xã Sơn Điện để phục vụ bà con đi lại cũng như góp phần phát triển du lịch cộng đồng nơi đây.” - ông Chiến nhấn mạnh.