Cấp thiết ngăn chặn nạn kích giun đất: Bài 1 - Bức xúc 'giun tặc'
Nạn kích giun đất xuất hiện nhiều tại huyện Cao Phong và một số địa phương khác trong tỉnh từ năm 2019. Sau thời gian tạm lắng, năm 2023, khi bắt đầu có những cơn mưa, nạn kích giun đất bùng phát trở lại, gây bức xúc trong Nhân dân và kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. Khẩn trương, cấp thiết ngăn chặn nạn kích giun đất là mong mỏi của người dân.
>> Bài 2 - Khi các lò sấy giun chờ đỏ lửa
>> Bài 3 - Vào cuộc cứu giun, cứu đất, cứu cây
Trước đây, chỉ mùa thu hoạch cam, anh Bùi Quang Toản ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong) mới lên vườn ở xã Thu Phong thường xuyên nhưng mấy tháng nay, anh và nhiều chủ vườn khác phải trực liên tục, ăn, ngủ không yên vì "giun tặc” hoành hành.
Thấp thỏm canh kích giun
Giữa nắng trưa như đổ lửa, chiếc xe bán tải 2 cầu của anh Bùi Quang Toản phải gằn máy, lắc lư suốt đoạn đường dốc ngoằn ngoèo, đất đá lổn nhổn mới lên đến vườn cam. Ngày nào anh cũng phải vượt 9 km từ nhà lên vườn để canh các đối tượng kích giun đất. Anh Toản bức xúc: Cả ngày làm, lẽ ra buổi trưa và tối, đêm được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động nhưng mấy tháng nay, tôi và nhiều chủ vườn phải thấp thỏm canh các đối tượng vào vườn kích giun, hại cây, hại đất. Vườn nhà tôi rộng 1,5 ha trồng cam lòng vàng, V2. Tất cả vốn, công sức, tâm huyết tôi đều dồn vào làm vườn. Nay là năm thứ 7 - thời kỳ sung sức nhất của cây cam và nếu chăm tốt có thể cho thu hoạch đến 15 năm. Song, nếu nạn kích giun tiếp diễn thì tan hết, nhiều người vỡ nợ.
Đi kiểm tra vườn cam, lau mồ hôi đẫm trên khuôn mặt bơ phờ vì nhiều đêm phải thức, anh Toản giật mình thon thót khi thấy cây cam nào vàng lá nghi bị kích giun. Đặc biệt những vườn làm sạch cỏ là chỗ "giun tặc” nhắm đến nhiều hơn vì dễ kích, dễ nhặt giun, nhất là sau mưa, giun lên nhiều. Các chủ vườn tâm huyết và hao công, tốn của trồng cam theo phương pháp hữu cơ có nhiều giun càng bất an trước nạn kích giun.
Anh Trịnh Ngọc Nhàn và Nguyễn Xuân Giao ở vườn bên cạnh thấy có người vào vườn cũng vội vàng sang bày tỏ bức xúc dồn nén, mong gửi đến cơ quan chức năng và cộng đồng. Anh Giao phải xa gia đình (phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình) ở miết trên vườn cam để canh kích giun. Chỉ có một mình nên nhiều lúc anh không dám làm cỏ vườn vì sợ làm mồi nhử đối tượng kích giun đến. Anh bày tỏ: "Đời tôi đánh cược với cây cam, dồn hết vốn và vay ngân hàng mới có được 8.000 m2, nay năm thứ 8. Biết bao công cải tạo đất, đầu tư chăm bón cây mới lên được. Kích giun ảnh hưởng đến bộ rễ tơ hút chất dinh dưỡng, cây vàng lá rồi héo úa dần, chưa kể hệ vi sinh vật trong đất cũng chết theo. Giun hết, cây mà héo, chết, tôi không biết xoay sở ra sao?!”
Lo lắng trước nạn kích giun, anh Trịnh Ngọc Nhàn vừa bỏ ra 13 triệu đồng lắp 5 camera ở vườn cam 1,3 ha để theo dõi. "Lắp camera để hỗ trợ thêm, chứ tôi vẫn phải ăn, ngủ ở vườn liên tục. Mình canh họ nhưng họ lại theo dõi mình lúc không có ở vườn sẽ vào kích. Trộm quả cam năm sau còn ra quả khác, chứ kích giun thì hỏng cây từ gốc, từ đất nên chúng tôi vô cùng bức xúc. Mong các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có biện pháp ngăn chặn kịp thời để vùng cam trở lại bình yên. Nếu để xung đột giữa chủ vườn và người kích xảy ra sẽ mất an ninh trật tự” - anh Nhàn cho biết.
Chị Vũ Thị Hạnh ở khu 1, thị trấn Cao Phong, chồng mất sớm, một thân nuôi 2 con ăn học. Mưu sinh và yêu cây cam nên chị dồn vốn và vay thêm để mua đất, đầu tư đến nay gần 4 tỉ đồng mới có cơ ngơi 1,8 ha cam năm thứ 7 ở xã Thu Phong. Mặc dù bỏ ra 150 triệu đồng quây hết vườn bằng lưới B40, cao 1,8 m, cọc bê tông nhưng vẫn có người vào kích giun. Chị Hạnh chia sẻ: Lúc mưa mới phát hiện ra có người vào kích giun vì những vết chân lạ và đất dính vào lưới, kiểm tra thấy ruồi bâu giun chết trên mặt đất, cỏ chết khô. Giữa tháng 7 vừa qua, khi trên địa bàn liên tiếp bắt được quả tang người kích giun trong vườn, tôi phải thuê người trông coi đêm với 3 triệu đồng/tháng và in biển cảnh báo treo trước cửa vườn.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Chị Vũ Thị Hạnh từng gặp trực tiếp đối tượng kích giun ở đường gần vườn nhà nhưng không nghĩ sau đó họ lại vượt rào vào tận vườn có chủ. Chị kể: Có thời gian cây cam trong vườn chuyển màu vàng, lá rụng nhiều, tôi chỉ nghĩ do bệnh vàng lá, thối rễ, nay mới ngộ ra không loại trừ do bị kích giun. Tôi phải chăm sóc kỹ cây mới dần hồi lại.
Anh Trịnh Xuân Cường ở xã Tây Phong nhận thầu hơn 1 ha ở xã Bắc Phong trồng cam cũng đã rào lưới B40 nhưng vườn vẫn có người đột nhập vào kích giun. Sau khi kiểm tra thấy hàng rào đổ, ruồi bâu những con giun bị khuất cỏ, anh theo dõi một thời gian sau cây cam bị vàng lá, tháng 10/2022 lá rụng nhiều. Anh Cường lo ngại: Tôi phải tưới kích rễ, bổ sung phân chuồng nhưng cây cam hồi phục rất lâu, chất lượng quả vụ năm nay kém hơn. Đáng lo là khi kích giun, cây không chết ngay mà từ từ vàng lá, hỏng từ gốc.
Nhiều người biện hộ, bắt mấy con giun làm gì mà căng? Nhưng thực tế, kích giun lợi ích trước mắt, thiệt hại lại cực lớn và lâu dài. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong Bùi Văn Dán cho biết: Nạn kích giun xuất hiện từ năm 2019. Khi đó, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo xử lý. Xã Dũng Phong "nóng” nhất có cả lò sấy giun đã được vận động dỡ bỏ. Đến nay nạn kích giun lại rộ lên. Mùa khô giun chui xuống sâu, đến mùa mưa ngoi lên để thở nên nhiều người vì lợi nhuận đổ xô đi kích giun sau mưa. Dòng điện phóng xuống đất không chỉ giun phải trồi lên, mà còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất, mất cần bằng sinh thái, hủy hoại môi trường. Bộ rễ tơ hút chất dinh dưỡng của cây cũng bị chết làm cây suy yếu dần. Không có giun làm tơi xốp, kết cấu đất bị ảnh hưởng, tác động đến bộ rễ và sự sinh trưởng của cây. Kích giun được tiền trước mắt nhưng tác hại lâu dài. Những vườn sau khi bị kích giun cần tập trung chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để phục hồi bộ rễ và hệ vi sinh trong đất.
Xã Dũng Phong từng dẹp nạn kích giun, năm nay lại xuất hiện. Có điều diện tích cây có múi nếu trước kia gần 200 ha, nay chỉ còn 36 ha. Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Liển, từ năm 2021, người dân phá nhiều diện tích cây có múi, chuyển sang trồng mía, ngô, sắn. Lò sấy giun trên địa bàn có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Niên vụ 2023 - 2024, diện tích cây có múi toàn huyện Cao Phong trên 1.700 ha, trong đó cam trên 1.300 ha. Cam Cao Phong đang trải qua thời kỳ khó khăn vì giá cả, dịch bệnh,… nay thêm nạn kích giun. Diện tích cam giảm nhiều so với các năm trước và đang thực hiện các bước tái canh. Theo anh Bùi Quang Toản, nhiều người đã bỏ cam, những người còn gắn bó hiện nay là rất tâm huyết nhưng sẽ nản nếu nạn kích giun vẫn tiếp diễn.
Không riêng gì cây có múi, khi bị kích điện cây nào cũng bị ảnh hưởng. Đăm chiêu nhìn vườn cam chưa dám làm cỏ, anh Nguyễn Xuân Giao trăn trở: Nhiều nơi khác trong tỉnh, trong nước cũng có nạn kích giun. Nếu không ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp. Cần có biện pháp đủ mạnh và chế tài để xử lý.
(Còn nữa)