Cấp thiết sửa đổi Luật An toàn thực phẩm

Việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết nhằm khắc phục những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Tổ trưởng Thường trực Tổ soạn thảo, đã chủ trì Hội nghị góp ý trực tiếp và trực tuyến về hồ sơ xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi).

Việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm lần này không chỉ là sự điều chỉnh pháp lý cần thiết mà còn là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, minh bạch và có trách nhiệm.

Việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm lần này không chỉ là sự điều chỉnh pháp lý cần thiết mà còn là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, minh bạch và có trách nhiệm.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng cho biết dự thảo Luật phiên bản lần thứ sáu đã được hoàn thiện, đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Y tế để lấy ý kiến rộng rãi, đồng thời gửi đến các bộ, ngành trung ương và địa phương để tổng hợp góp ý.

Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) gồm 11 chương và 51 điều, đề cập đầy đủ đến các nội dung như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; điều kiện sản xuất, kinh doanh; nhập khẩu và xuất khẩu; quảng cáo, ghi nhãn; kiểm nghiệm, đánh giá nguy cơ và quản lý rủi ro; thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc sửa đổi luật cần bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp thực tiễn và giải quyết hiệu quả những vấn đề đang đặt ra.

Để xây dựng dự thảo một cách bài bản, Bộ Y tế đã tiến hành tổng kết 12 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm hiện hành, xác định rõ những hạn chế và bất cập trong quản lý.

Cụ thể, một số quy định còn thiếu tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Hệ thống quản lý chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng trong quá trình sản xuất và lưu thông.

Tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm còn chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa tinh gọn. Công tác hậu kiểm và giám sát sau khi thực phẩm được tự công bố hoặc đăng ký bản công bố vẫn còn lỏng lẻo. Tình trạng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả còn phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế thu hồi giấy chứng nhận hoặc tạm dừng cung cấp dịch vụ công khi phát hiện vi phạm. Việc phân định trách nhiệm giữa cơ sở sản xuất và đơn vị đứng tên công bố sản phẩm chưa rõ ràng.

Một số sản phẩm đặc thù như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho trẻ em chưa được yêu cầu bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến như HACCP. Đây là những vấn đề cần được điều chỉnh trong lần sửa đổi này.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục tham gia góp ý, đồng thời yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản góp ý gửi về Bộ Y tế để tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội đúng tiến độ.

Ông cũng lưu ý, trong dự thảo cần làm rõ vấn đề đầu mối quản lý, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, hậu kiểm, cấp phép lưu hành thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ sở dữ liệu, đánh giá nguy cơ, cảnh báo rủi ro; tăng cường xử phạt hành chính, quản lý kinh doanh thực phẩm qua mạng, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Đây là cơ hội quan trọng để hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trên thực tế, vừa qua nhiều địa phương đã có những đề xuất mạnh mẽ nhằm siết chặt công tác quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Tại Hà Nội, Sở Y tế đã đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm so với quy định hiện hành. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Vũ Cao Cương cho rằng việc nâng mức xử phạt là cần thiết để tăng tính răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe người dân và tạo niềm tin cho cộng đồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng hướng dẫn chi tiết, phân loại rõ ràng các hành vi vi phạm để áp dụng mức phạt phù hợp.

Các hành vi có tính chất ít nghiêm trọng không nên bị xử phạt ở mức quá cao, tránh gây áp lực không cần thiết cho các cơ sở nhỏ lẻ như hàng quán vỉa hè.

Cùng với đó, cần khuyến khích cộng đồng tham gia giám sát an toàn thực phẩm thông qua các cơ chế như đường dây nóng, khen thưởng người tố giác vi phạm để tạo môi trường giám sát minh bạch, hiệu quả hơn.

Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như không đảm bảo điều kiện vệ sinh, sử dụng nguồn nước không đạt chuẩn, không thực hiện kiểm thực ba bước, không lưu mẫu thức ăn... đều bị xử lý nghiêm khắc với mức phạt từ 1 đến 200 triệu đồng tùy mức độ vi phạm và đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức.

Đặc biệt, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt của cá nhân, và có thể bị áp dụng mức phạt cao hơn nếu giá trị thực phẩm vi phạm vượt quá mức phạt cố định.

Ngoài xử phạt tiền, các cơ sở còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng nếu vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là sử dụng nhân viên mắc bệnh truyền nhiễm trong quá trình chế biến thực phẩm. Đây là một trong những biện pháp mạnh nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng thực phẩm.

Việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm lần này không chỉ là sự điều chỉnh pháp lý cần thiết mà còn là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, minh bạch và có trách nhiệm.

Từng cơ sở kinh doanh, từng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm cần nhận thức rõ trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, góp phần xây dựng một hệ thống thực phẩm lành mạnh, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế bền vững.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cap-thiet-sua-doi-luat-an-toan-thuc-pham-d338456.html