Cấp thiết xây dựng bộ quy chuẩn khai thác sân bay Long Thành
Dù còn 2 năm nữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đưa vào khai thác, nhưng ngay từ thời điểm này, chủ đầu tư đã xây dựng bộ quy chuẩn về khai thác, hướng đến đẳng cấp của một sân bay tầm cỡ quốc tế.
Chiều 10/10, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức khởi động thực hiện hợp đồng “Cung cấp dịch vụ tư vấn công tác quản lý, khai thác Cảng hàng không quốc thế Long Thành”.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của các đối tác như Vietnam Airlines, Vietjet, Sasco, SAGS...
Rất cần thiết để đảm bảo sân bay sẵn sàng cho các hoạt động
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng giám đốc ACV cho biết, sân bay Long Thành được thiết kế là một sân bay hiện đại nhất Việt Nam, có tầm cỡ thế giới.
Việc xây dựng sân bay không chỉ về hạ tầng, đường băng, nhà ga mà cả quá trình vận hành khai thác cũng phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, phù hợp với quy chuẩn quốc tế.
Thời gian qua, ACV đã làm việc với nhiều đối tác để lựa chọn đơn vị uy tín thực hiện gói thầu tư vấn quản lý khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Gói thầu này do liên danh Tập đoàn hàng không quốc tế Incheon (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn PMI (Việt Nam) thực hiện. Thời gian triển khai từ 1/10/2024 đến 30/9/2026.
Nhiệm vụ của đơn vị tư vấn là xây dựng các khái niệm về khai thác và hỗ trợ triển khai xây dựng các quy trình; tư vấn xây dựng chính sách thương mại và chiến lược tài chính; tư vấn triển khai thử nghiệm và chuyển giao khai thác.
Ông Chaiwoo Lee, Giám đốc dự án, liên danh Incheon Airbport cho biết: "Gói thầu này có 3 nhiệm vụ chính. Trong đó nhiệm vụ đầu tiên là thiết lập các tài liệu trên nhiều lĩnh vực như giao thông kết nối, phục vụ hành khách/phi hành đoàn, phục vụ hành lý, phục vụ hàng hóa, phục vụ mặt đất, kiểm soát tàu bay, an ninh an toàn hàng không..."
Các nhiệm vụ này, theo ông, là rất cần thiết để đảm bảo sân bay sẵn sàng cho các hoạt động toàn diện. Tư vấn sẽ thu thập thông tin đầu vào của từng lĩnh vực và hội ý các bên liên quan chính của sân bay, đảm bảo thông tin đầu vào từ lĩnh vực được phản ánh đầy đủ.
Chẳng hạn, với quy trình phục vụ hành khách, các bước như thế nào từ khi hành khách vào nhà ga tại khu vực đón/trả, cho tới khi vào khu vực không phận và chuẩn bị lên tàu bay. Mỗi quy trình sẽ được làm rõ chi tiết trong các bước. Trong quy trình này có sự hợp tác của các bên liên quan như: Hải quan, an ninh, xuất nhập cảnh...
Cùng với đó, theo ông Chaiwoo Lee, việc xây dựng các chiến lược thương mại và kế hoạch tài chính nhằm đảm bảo tính bền vững về tài chính dài hạn cho sân bay quốc tế Long Thành là cực kỳ quan trọng. Điều này nhằm tối ưu hóa cả hai dòng lợi nhuận từ dịch vụ hàng không và phi hàng không.
Từ đó, hoạt động khai thác của sân bay được cải thiện thông qua lập các kế hoạch tài chính tốt hơn. Đồng thời, cũng thiết lập lộ trình cho việc hướng tới một sân bay hiện đại tầm cỡ thế giới.
Sau khi các quy trình được xây dựng chi tiết, tư vấn sẽ phối hợp với các bên để thực hiện chi tiết ở bước thử nghiệm, huy động nhân sự và phân công trách nhiệm. Đảm bảo việc thực hiện các bước một cách hoàn chỉnh trước khi chuyển giao vận hành thành công.
Cùng nhau xây dựng một bộ quy chuẩn toàn diện
Tại buổi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cảng rất lớn, được coi là công trình biểu tượng của đất nước trong giai đoạn hiện nay, phấn đấu năm 2026 đưa vào khai thác.
Ông cũng cho biết: Mặc dù mới giai đoạn 1, nhưng ACV đã đầu tư hơn 4 tỷ USD, Chính phủ Việt Nam đầu tư hơn 1 tỷ USD để giải phóng mặt bằng. Ngoài ra các dự án giao thông kết nối khác cũng rất quan trọng đang được đầu tư.
Đặc biệt, sắp tới có cả đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi ngang qua sân bay Long Thành, tạo sự liên kết giữa hàng không - đường sắt - cao tốc - hàng hải, hình thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới.
Chính phủ Việt Nam cũng định hướng xây dựng Cảng hành không quốc tế Long Thành trở thành điểm trung chuyển trong khu vực. Chính vì vậy, công tác quản lý khi đưa vào khai thác phải thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn mong muốn với kinh nghiệm trong quá trình khai thác sân bay Incheon Airport, liên danh nhà thầu có thể chia sẻ các kinh nghiệm, xây dựng bộ quy chuẩn một cách chuẩn chỉ, phù hợp với luật pháp Việt Nam và quy chuẩn quốc tế.
Thứ trưởng đánh giá cao ACV đã chủ động xây dựng và triển khai gói hợp đồng sớm. Bởi năm 2026 sân bay quốc tế Long Thành đã đưa vào khai thác, nếu không triển khai sớm sẽ không kịp hoàn chỉnh các quy trình.
Phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết sẽ cử các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với ACV, đơn vị tư vấn, kể cả việc phối hợp với các bộ ngành khác liên quan trong quá trình thực hiện gói thầu này, làm sao để cùng nhau xây dựng một bộ quy chuẩn toàn diện nhất, phối hợp giữa các đơn vị chặt chẽ, hiệu quả nhất.
Cũng tại hội nghị, đại diện các đơn vị là đối tác của ACV, ông Nguyễn Thế Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn trong việc xây dựng quy chế khai thác sân bay Long Thành.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng mong muốn được xem xét được cùng với các đối tác như Petrolinmex... để đấu nối, khai thác hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm; đấu nối hạ tầng kỹ thuật điện, nước của cảng với các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không; được bố trí mặt bằng phù hợp như check-in, phục vụ hàng hóa cho Vietnam Airlines Group và đối tác Skyteem; tạo điều kiện để Vietnam Airlines đầu tư 2 phòng chờ VIP để phục vụ hành khách thương gia...
Mục tiêu là để xây dựng các hệ thống dịch vụ trong nhà ga sân bay Long Thành hiện đại, phục vụ hành khách một cách tốt nhất.