Cấp trên gương mẫu không nhận quà, cấp dưới nào dám đến
Yêu cầu cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, nếu cấp trên gương mẫu không nhận thì cấp dưới không thể đến.
Ngày 20/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 209/BGDĐT-VP về việc tổ chức Tết năm 2021. Trong điều 5 công văn 209/BGDĐT-VP ghi rõ:
“Thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết”.
Để quy định này thực sự có hiệu quả trong thực tiễn, có ý kiến cho rằng: “Không chỉ cấm cấp dưới biếu, tặng quà Tết cho cán bộ cấp trên mà còn phải yêu cầu cán bộ cấp trên – với sự tự trọng của mình không được nhận quà chúc Tết của cấp dưới”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết:
“Tôi hoan nghênh chỉ đạo này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ trương thì tốt nhưng cần phải xem xét việc thực hiện công văn này như thế nào cho hiệu quả.
Nhân dân ta có truyền thống đến cuối năm, ngày lễ, ngày Tết, mọi người thường đến chúc Tết, tặng quà cho nhau. Thực chất món quà chúc Tết đó chủ yếu mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần chứ không ai tính toán giá trị vật chất.
Nhưng thực tế, thời gian qua có tình trạng vào dịp Tết người ta lũ lượt kéo nhau đến nhà lãnh đạo, cấp trên.
Người đến chúc Tết mang theo những món quà có giá trị không nhỏ, đằng sau những món quà ấy là một sự toan tính đổi chác xuất phát từ động cơ vụ lợi cho cá nhân, cho nhóm của mình.
Người được nhận quà thì vì cả nể hoặc vì lòng tham do giá trị của món quà được tặng quá lớn nên không từ chối. Từ đó, nét văn hóa tốt đẹp bị biến tướng, lợi dụng tham nhũng, hối lộ.
Theo tôi, bên cạnh việc cấm cấp dưới biếu, tặng quà Tết cho cán bộ cấp trên thì cần phải yêu cầu cán bộ cấp trên – với sự tự trọng của mình không được nhận quà chúc Tết có giá trị lớn của cấp dưới”.
Cấp trên kiên quyết không nhận quà biếu, cấp dưới nào dám đưa
Ông Vũ Quốc Hùng phân tích: Trong bối cảnh hiện nay, để ngành giáo dục thực hiện theo đúng quan điểm của công văn 209/BGDĐT-VP thì trước tiên cần phải phát huy vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị trong ngành giáo dục.
Những người lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị trong ngành giáo dục phải tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện công văn này.
“Việc nêu gương của lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị trong ngành giáo dục rất quan trọng. Lãnh đạo phải dám dũng cảm từ chối quà tặng. Thực tế, có nhiều đồng chí lãnh đạo kiên quyết không tiếp khách đến chúc Tết, tặng quà Tết”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, bên cạnh việc đưa ra chủ trương và triển khai thực hiện thì cũng cần phải có cơ chế giám sát:
“Việc giám sát này cần được thực hiện ngay ở chi bộ, đảng bộ, trong từng cơ quan và nhân dân cùng giám sát, cùng phê phán những hành vi sai trái thì mới có thể giảm bớt và tiến tới ngăn chặn được.
Trong các văn bản và các quy định cũng đều đã có hình thức kỷ luật tương ứng mang tính chất răn đe với việc nhận quà biếu sai quy định này nên mỗi cán bộ, đảng viên phải rất ý thức thực hiện những quy định này”.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết, để giải quyết được tận gốc của vấn đề này thì cần phải đoạn tuyệt với cơ chế xin – cho.
“Không chỉ trong ngành giáo dục mà còn cả những ngành khác, để giải quyết tận gốc vấn đề này thì cần phải đoạn tuyệt với cơ chế xin-cho.
Vì còn cho thì sẽ có người xin bằng hình thức quà biếu và xin được thì phải có quà biếu tương xứng với cái cho mà họ nhận được. Nhà nước có cơ chế chặt chẽ để người muốn cho, muốn xin đều không làm được.
Nếu người cho không đúng quy định sẽ bị xử phạt rất nghiêm minh”, ông Hùng nhấn mạnh.