Cấp trên kiên quyết không nhận quà biếu, cấp dưới nào dám đưa
Trong quan hệ xã hội thì không có chuyện tặng, cho giá trị vật chất quá lớn, trừ trường hợp con cái tặng, biếu bố mẹ, hoặc bố, mẹ thừa kế tài sản cho con....
Ngày 20/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 209/BGDĐT-VP về việc tổ chức Tết năm 2021.
Điều 5 Công văn 209/BGDĐT-VP ghi rõ:
Thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết”.[1]
Xung quanh chuyện biếu xén quà cáp vào mỗi độ cuối năm, thông thường mọi sự chú ý đều đổ dồn về phía người đi biếu quà vì dư luận có thể nhìn ra được những mục đích “không trong sáng” phía sau. Tuy nhiên, thực tế không mấy ai nhìn nhận từ góc độ ngược lại từ những người “bị nhận quà”.
Vì thế, có ý kiến cho rằng, nếu bản thân người nhận quà kiên quyết, tỏ rõ lòng tự trọng thì làm sao cấp dưới dám “manh động”, thì đâu có việc năm nào cũng ra công văn, chỉ thị về cấm chúc tết, biếu xén.
Trap đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Dẫu biết đây là vấn nạn vào mỗi dịp cuối năm, nhưng để cấm triệt để việc cấp dưới không tặng quà Tết cho cấp trên là điều cực kỳ khó.
Bởi vì chuyện này nó là từ trong tâm của mỗi người chứ không phải là công việc bắt buộc để có thể tìm cách né tránh. Mà đã tự tâm thì bằng cách này hay cách khác họ cũng có thể làm được.
Chuyện tặng quà chỉ có trời biết, đất biết, người đưa và người nhận biết. Khi người đưa đã cố tình thì không cần phải chở xe quà đến nhà lãnh đạo, mà họ có nhiều cách để tặng quà, khó có thể phát hiện để xử lý.
Người tặng không đến cơ quan, không đến nhà, mà gặp lãnh đạo ở một không gian khác, quà tặng cũng không phải là ký mứt, cân bánh, con gà, thì sự kín đáo càng kín đáo hơn. Người ta còn có nhiều cách khác để nguồn quà biếu đến tận tay người cần nhận mà không ai có thể biết.
Chính vì vậy, để không có người tặng quà, thì cán bộ lãnh đạo kiên quyết không nhận quà, tôi nghĩ chỉ một năm thực hiện nghiêm điều này thì năm sau chắc chắn không ai dám tự phát đi biếu xén và nó lại trở thành thông lệ được.
Về việc này, sự tự giác của cán bộ lãnh đạo mang tính quyết định, không phải là sợ bị phát hiện hay bị sự giám sát.
Đối với người đã có ý tham ô, tham nhũng, thì ngay cả pháp luật họ còn chưa sợ, nói chi những quy phạm đạo đức. Việc tặng chúc tết, quà tết là nét văn hóa truyền thống rất đẹp của dân tộc. Tuy nhiên cùng với xu hướng phát triển của thời đại, phong tục này đã bị biến tướng đi nhiều.
Do đó, việc Trung ương Đảng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo không chúc tết, tặng quà lãnh đạo, các địa phương không về Hà Nội chúc tết Chính phủ, các bộ, ngành có thể coi là lời “tuyên chiến” với sự biến tướng của cái gọi là tặng, nhận quà tết. Bộ Giáo dục, các sở giáo dục địa phương cũng có các công văn về việc cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”.
Tiến sĩ Phạm Tất Dong chia sẻ, trong thực tế không ít người lợi dụng dịp lễ, tết để được chúc tết, biếu xén lãnh đạo vì mục đích không tốt đẹp có thể chạy chọt, xin xỏ trong công việc. Những trường hợp như thế này thì người biếu bằng cách này hay cách khác họ cũng sẽ tiếp cận được với người cần được tặng quà.
Nhưng cũng có người dù không có điều kiện vẫn phải đi biếu, chúc tết lãnh đạo vì chuyện đó đã trở thành “phong trào” nên phải "nhắm mắt" làm theo. Cho nên chuyện người ta tặng quà, biếu xén nhau nhiều triệu đồng, thậm chí phải đi vay để tặng, biếu thì chung quy lại phía sau những việc làm này đều có mục đích và ý đồ cả.
Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu không tặng quà tết lãnh đạo
Về giải pháp căn cơ để dần chấm dứt tình trạng tặng, biếu quà cáp của cấp dưới cho cấp trên được Giáo sư Phạm Tất Dong nhận định:
“Tôi cho rằng, trong quan hệ xã hội thì không có chuyện tặng, cho giá trị vật chất quá lớn như vậy, trừ trường hợp con cái tặng, biếu bố mẹ, hoặc bố, mẹ thừa kế tài sản cho con cái.
Do đó, chỉ có những người đi tặng, người nhận quà mới biết mục đích, động cơ của việc tặng quà biếu như thế nào.
Cũng phải nói thêm rằng, khi có chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Thủ tướng về việc chúc tết, tặng quà lãnh đạo, không loại trừ một số cán bộ được cho là chưa gương mẫu sẽ mất nguồn thu tương đối lớn trong dịp tết.
Trong trường hợp lãnh đạo quyết tâm không nhận quà biếu, thì không nên cho người có ý định tặng quà lịch hẹn, không cho người ta đến nhà chúc tết, hoặc nếu tặng quà thì từ chối không nhận quà dưới mọi hình thức.
Tôi đã từng chứng kiến việc cấp dưới đến nhà chúc tết, tặng quà cấp trên, nhưng người được nhận quà sau đó đã tặng lại món quà đó cho người tặng vì lý do lương anh không bằng lương tôi, hoặc nhà anh không có điều kiện bằng nhà tôi. Nếu làm được việc này nhận thì chắc chắc người ta sẽ không dám biếu xén gì nữa.
Cùng với đó, nên quán triệt sâu rộng việc cấm nhận quà dưới mọi hình thức. Người thân của lãnh đạo cũng cần kiên quyết nói không với việc tặng, nhận quà của cấp dưới. Cán bộ phải coi việc thực hiện chỉ đạo không nhận, tặng quà là vì nhân dân, vì một nền hành chính lành mạnh chứ không phải vì thế mà hậm hực, uất ức với cấp dưới.
Nếu người nào thực hiện không nghiêm chỉ đạo thì phải có chế tài cứng rắn hơn nữa để xử lý vi phạm, tránh nhiện tượng “nhờn” luật. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể hơn nữa để người dân, các tổ chức chính trị giám sát việc chúc tết, tặng, nhận quà biếu, nhằm hạn chế những tiêu cực, biến tướng của phong tục này”.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Van-hoa-Xa-hoi/Cong-van-209-BGDDT-VP-2021-to-chuc-Tet-463443.aspx