Cặp vợ chồng ở Ninh Bình thắng lớn với nghề làm tảo xoắn lạ
Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) quyết định gác lại việc giảng dạy, về nhà sản xuất tảo xoắn Spirulina.
Gác lại nghề giáo hơn 10 năm gắn bó
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên-chị Nguyễn Thị Dung (thôn 3, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã mất nhiều năm nghiên cứu, tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng và đã thành công với mô hình nuôi trồng tảo xoắn spirulina.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Biên đã theo học một trường sư phạm. Năm 2009, anh Biên về công tác tại một trường vùng cao thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Năm 2016, vợ chồng anh Biên, chị Dung xin chuyển công tác về tỉnh Ninh Bình giảng dạy. Trong thời gian này, anh Biên biết đến tảo xoắn Spirulina- một loại vi tảo trong thiên nhiên, màu xanh lam, có dạng xoắn hình lò xo (nên có tên gọi là tảo xoắn).
Chị Nguyễn Thị Dung (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) cho biết: "Khi biết đến tảo xoắn spirulina, hai vợ chồng tôi đã lên mạng tìm hiểu thì có thấy nhiều công trình nghiên cứu về tảo của các nhà khoa học trên thế giới. Đồng thời, dịch thêm các tài liệu viết về tảo, sau đó nhờ người mua giúp một tuýp tảo giống để bắt đầu nuôi trồng thử nghiệm".
"Lúc đầu nghiên cứu cách nuôi trồng, phân lập giống tảo xoắn, vợ chồng tôi luôn bị thất bại. Sau những lần thất bại đó cũng tìm ra phương án nuôi trồng tảo xoắn Spirulina phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Ninh Bình", chị Dung nói thêm.
Sau khi nuôi thành công tảo xoắn, vợ chồng chị Dung đem mẫu tảo gửi lên Viện kiểm nghiệm Quốc gia phân tích các chỉ số dinh dưỡng và các chỉ số an toàn. Nhận được kết quả phân tích giống tảo mà hai vợ chồng chị Dung cất công nuôi trồng có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng protein từ 65 đến 75% cao,…
Nhận thấy tảo xoắn Spirulina là thực phẩm tốt cho sức khỏe như: Hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa huyết áp, an thần ngủ sâu giấc, làm đẹp da,....nhưng người dân Việt Nam chưa biết nhiều. Bên cạnh đó, phải mua hàng nhập khẩu từ bên ngoài với giá cao, không thể kiểm soát được chất lượng của sản phẩm.
Tháng 3/2020, vợ chồng chị Dung thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt. Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất, làm thương mại, để đưa sản phẩm tốt cho sức khỏe, an toàn và thật nhất đến người dân.
Cũng phần vì lý do này, anh Biên và chị Dung đã quyết định gác lại nghề giáo viên sau hơn 10 năm gắn bó,,để ở nhà phát triển kinh tế, sản xuất tảo xoắn Spirulina là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quy trình sản xuất tảo xoắn Spirulina
Lúc đầu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp), chỉ nuôi trồng tảo xoắn Spirulina trên diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, sau đó mới giới thiệu sản phẩm cho người thân, bạn bè dùng thử.
Dần dần, thấy sản phẩm này được nhiều người tin dùng, trong khi hầu hết các sản phẩm làm từ tảo xoắn bán tại Việt Nam đều nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ, Nhật nên vợ chồng chị Dung càng có thêm động lực mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm sản phẩm.
Hiện nay, trên diện tích hơn 1.000m2, vợ chồng chị Dung thiết kế khoan nước ngầm, lắp đặt hệ thống xử lý nước công nghệ RO. Ngoài ra, đầu tư sản xuất theo hệ thống nuôi tảo ngoài trời bằng nhà kính, được xây dựng hiện đại có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, mái che bằng màng công nghệ Israel, xung quanh quây bằng lưới, có che nắng tự động,…
Đồng thời, lắp đặt các bể nuôi hợp lý với dung tích 10m3/bể để tảo phát triển tốt nhất. Cũng như xây dựng khu nhân giống cấp 1 và cấp 2, khu nuôi trồng phù hợp điều kiện tự nhiên tại tỉnh Ninh Bình.
"Việc nuôi trồng tảo xoắn Spirulina đầu tiên là phân lập giống, chuẩn bị bể, nước (nước khoáng tự nhiên là tốt nhất), sục khí, sau đó thả giống. Quá trình thả giống không cần phải chăm sóc, cho ăn hay can thiệp gì, khoảng 20 ngày là cho thu hoạch", chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ.
"Quy trình khó nhất đối với nuôi trồng tảo xoắn Spirulina là công thức bù khoáng, để sản phẩm đạt chất lượng dinh dưỡng cao, mỗi một nguồn nước khác nhau sẽ được bù khoáng khác nhau", chị Dung chia sẻ thêm.
Được biết, loài tảo xoắn Spirulina sống trong môi trường nước giàu chất kiềm và khoáng chất. Đặc biệt, tỷ lệ giữa 3 thành phần như: Đạm, đường, chất béo rất phù hợp cho tiến trình trao đổi chất của cơ thể. Ưu điểm của tảo Spirulina là có thành phần dinh dưỡng toàn diện.
Thực phẩm tốt cho sức khỏe
Năm 1960, tảo xoắn (tên khoa học tảo Spirulina) được phát hiện, từ đó có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về giá trị của tảo đối với đời sống của con người.
Tảo xoắn có nguồn gốc từ thiên nhiên, là một loại thực phẩm hoàn hảo. Thành phần của tảo xoắn chủ yếu là đạm thực vật rất dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ.
Không những vậy, tảo xoắn rất giàu vitamin E và các khoáng chất nhưng không chứa đường, chất béo nên có thể xem là thực phẩm tối ưu cho những người bệnh tiểu đường…
Toàn bộ hệ thống thu hoạch tảo xoắn là khép kín được làm bằng thép không gỉ để đảm bảo an toàn vệ sinh, cũng như chất lượng tảo. Bột tảo nhão được đưa vào máy quay ly tâm để tách nước trong vài phút, sau đó được đưa vào buồng sấy lạnh để làm bay hơi nước và tạo thành bột khô, bột này được đưa ra phòng đóng gói.
Tảo xoắn được sấy khô bằng máy sấy lạnh nhằm giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt độ cao, sắc tố, các enzym có trong tảo mà không dùng chất bảo quản…
Hiện nay, vợ chồng chị Dung sản xuất các sản phẩm từ tảo xoắn như: Tảo Spirulina tươi, tảo Spirulina-100%, tảo khô ép viên, bột dinh dưỡng cao cấp Spirulina…Trong đó, có 2 sản phẩm tảo xoắn Spirulina tươi và tảo xoắn Spirulina nguyên chất đã được công nhận Ocop 4 sao.
Với mô hình sản xuất, chế biến tảo xoắn hoàn thiện tỉnh Ninh Bình có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, đặc trưng riêng. Đồng thời, Ngành du lịch Ninh Bình có thêm sản phẩm "đón du khách về trải nghiệm thực tế, mua sản phẩm tảo xoắn" điển hình như: Thái Lan, Nhật Bản đã xây dựng thành công nhiều năm nay.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên-chị Nguyễn Thị Dung (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) hiện đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 6.000.000 đồng/người/tháng. Qua tính toán, doanh thu từ việc bán các sản phẩm từ tảo xoắn Spirulina, vợ chồng chị Dung thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.