Cặp vợ chồng 'siêu đẻ' ở Quảng Nam: 26 năm sinh 15 đứa con
Cặp vợ chồng này quan niệm con cái là của cải trời cho, trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ nên bây giờ vẫn muốn… có thêm con.
Bài liên quan
Chuyện buồn của cặp vợ chồng 'siêu đẻ' giữa thủ đô
Ở Quảng Nam có một gia đình mà người chồng 45 tuổi, người vợ 43 tuổi, cưới nhau mới 26 năm nhưng có đến 15 đứa con. Gia đình họ phải có đến hai sổ hộ khẩu mới ghi hết tên các thành viên trong gia đình. Cha mẹ cũng chỉ nhớ được tên con chứ không nhớ nổi năm sinh của từng người.
Suốt bao năm qua, hàng chục đoàn cán bộ từ cấp xã, cấp huyện cho đến cấp tỉnh lần lượt về địa phương vận động gia đình đông con nhất Quảng Nam dừng đẻ nhưng khi cán bộ rời đi thì người vợ lại mang bầu. Cặp vợ chồng này quan niệm con cái là của cải trời cho, trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ nên bây giờ vẫn muốn… có thêm con.
Họ là vợ chồng anh Đỗ Ngọc Nam (SN 1972) và chị Huỳnh Thị Lạc (SN 1974) ở thôn Ba Hương, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Và, cũng vì đông con mà đói nghèo cứ bám riết lấy cuộc sống của họ không chịu rời.
Gia đình đông con nhất Quảng Nam“Vợ chồng nhà Nam, Lạc đông con nhất Việt Nam thì tui không khẳng định chứ đông con nhất tỉnh Quảng Nam thì tui chắc chắn. Cách đây cả chục năm, mỗi lần lên tỉnh họp là đoàn của huyện Bắc Trà My lại bị khiển trách vì gia đình họ đẻ thêm con.
Tụi tui vận động thì họ hứa không đẻ nữa nhưng chỉ ít lâu sau gặp là lại thấy chị Lạc mang cái bụng lùm lùm. Năm 2013, đã 38 tuổi mà chị Lạc vẫn đẻ thêm một đứa nữa. Tụi tui hỏi dừng đẻ chưa thì họ vẫn mỉm cười chứ không nói thêm gì”, bà Hoàng Thị Minh Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bắc Trà My than thở.
Từ trung tâm huyện Bắc Trà My, đi xe máy thêm 30km đến trung tâm xã Trà Đông rồi lội bộ hơn 20km nữa mới đến thôn Ba Hương, nơi đại gia đình vợ chồng anh Lạc sinh sống. Căn nhà nhỏ thấp lè tè nằm tách biệt với hàng xóm.
Trước sân toàn con nít, cả một bày lít nhít đang chơi đùa tưởng như trẻ em cả một xóm tập trung lại đây. Đứa nào cũng đen nhẻm, áo quần xộc xệch. Thấy người lạ, chúng dừng chơi xếp thành một hàng nhìn bằng ánh mắt tò mò.
Cả 7, 8 đứa có chiều cao xem xém bằng nhau. Trong nhà có một vài đứa lớn hơn. Đứa đang bồng em, đứa thổi lửa dưới bếp. Vật dụng gia đình chẳng có gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ kỹ cùng chiếc xe máy Tàu dựng chỏng chơ phía sau nhà.
“Toàn bộ là con của thằng Nam đó”, ông Đỗ Linh, trưởng thôn Ba Hương, nói. Chúng tôi đếm cả thảy có 11 đứa cả lớn cả nhỏ. Hỏi ba mẹ đi đâu, mấy đứa nhỏ đồng thanh đáp: “Ba mẹ đi cuốc đất thuê chưa về”.
Trưa, hơn 12 giờ vợ chồng anh Nam, chị Lạc mới về đến nhà. Thấy có cán bộ, anh Nam lập tức mở lời: “Vợ chồng mình không đẻ nữa đâu, cán bộ cứ yên tâm”. Bà Đoàn nói ngay, giọng trách móc: “Khi mô anh cũng nói rứa, răng mà vợ vẫn cứ có bầu”. Anh Nam nghe xong, bẽn lẽn cười ngượng nghịu rồi đi vào nhà pha nước mời khách.
Anh Nam cho biết hai vợ chồng ở cùng thôn nên chơi với nhau từ nhỏ. Lớn lên, đến tuổi dựng vợ gả chồng, gia đình hai bên làm mai cho anh chị cưới nhau chứ chẳng yêu đương gì cả.
Năm 1992, hai gia đình làm mấy mâm cơm tổ chức đám cưới. Cha mẹ anh Nam cho hai người một rẻo đất nhỏ dựng nhà, vậy là họ sống chung với nhau đến nay. Những người con cũng theo đó lần lượt ra đời liên tiếp.
Bài liên quan
Người phụ nữ có 13 con, vừa sinh đôi bé gái ở TP.HCM là ai?
3 người đàn ông vật lộn nuôi gần 100 con ở Pakistan
“Đầu năm mình cưới thì cuối năm vợ chồng mình đẻ đứa đầu tiên. Hai vợ chồng mình mừng lắm vì hắn là con trai. Sau đó 3 tháng thì vợ mình mang bầu đứa thứ hai. Cứ có bầu thì đẻ ở nhà chứ cũng không đến trạm xá gì cả. Vợ chồng mình đẻ một mạch đến nay được 15 đứa”, anh Nam vô tư kể.
Nói rồi, anh Nam lần lượt đọc đủ tên 15 người con: Đinh Văn Hà, Văn Đông, Văn Nhị, Thị Hương, Thị Hiền, Văn Triều, Văn Trường, Văn Thọ, Văn Phú, Văn Cường, Thị Thuận, Văn Hòa, Thị Mỹ, Thị Châu, Văn Mạnh. Gia đình đông con nhất Quảng Nam cũng thừa nhận, đến bây giờ do con quá đông nên chỉ nhớ tên chứ không thể nhớ được ngày tháng năm sinh của từng đứa.
Chạy vô rừng trốn vì sợ… không được đẻ
Chị Lạc ngồi bên chồng, bẽn lẽn, ngượng ngùng vì cái thành tích đẻ nhiều của mình. Chị cho biết trước đây khi đẻ xong đứa thứ 10 thì cán bộ dân số xã, huyện làm gắt lắm. Họ yêu cầu chị phải sử dụng các biện pháp tránh thai để thôi đẻ.
Họ bắt dùng bao cao su thì anh Nam không chịu, uống thuốc tránh thai hàng tháng thì chị Lạc lại hay quên. Cuối cùng, chị Lạc được tư vấn về bệnh viện huyện để đặt vòng tránh thai.
“Tôi đặt vòng tránh thai hơn một năm thì lại phát hiện có bầu. Tôi sợ cán bộ la nên không dám đi khám bệnh viện nên cứ ở nhà. Khi cái bụng to quá tôi đau không chịu nổi về bệnh viện thì họ nói bị tuột vòng tránh thai nên có bầu. Từ đó trở đi tôi chẳng dùng biện pháp chi hết nên lọt thêm 4 đứa nữa. Sau này mỗi lần thấy cán bộ về tuyên truyền là tôi lại chạy vô rừng trốn”, chị Lạc nói.
Theo chị Lạc, trong 15 đứa con của mình thì chỉ có hai đứa vì khó đẻ nên mới chuyển về bệnh viện để các bác sĩ đỡ đẻ. Những đứa còn lại, đến ngày hạ sinh chị đều đẻ ở nhà.
“Mình đau bụng thì đẻ thôi, chồng mình làm bà đỡ cho mình. Mấy lần đầu chưa quen tay chân còn lóng ngóng chứ sau này quen rồi thì làm nhanh gọn lắm”, chị Lạc kể.
Điều đặc biệt, gia đình anh có đến hai cuốn sổ hộ khẩu để ghi tên các thành viên trong gia đình vì một cuốn ghi không hết. “Do nhiều người quá nên ghi không đủ, cán bộ tư pháp xã ưu ái làm hai sổ cho gia đình tui. Cả hai cuốn sổ đều ghi hết, không sót trang nào”, anh Nam giãi bày. Theo anh Na, trong 15 người con của vợ chồng anh chị, hai người con lớn đã lập gia đình ra ở riêng nhưng sổ hộ khẩu vẫn chung.
Bài liên quan
Đông con như đại gia Việt
Đói nghèo đeo bám
Ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông khi nhắc đến đại gia đình đông con nhất Quảng Nam chỉ biết lắc đầu thở dài. Theo ông Anh, hai vợ chồng quanh năm suốt tháng làm lụng rất siêng năng, chịu khó. Trong xã, trong huyện ai thuê gì cũng làm nhưng mãi không thoát được cái nghèo.
“Đó là gia đình nghèo nhất ở xã Trà Đông. Năm nào chúng tôi cũng phải hỗ trợ cứu đói suốt mấy tháng liền. Chính quyền cho vay vốn để đầu tư sản xuất thì họ lại dùng mua gạo, thức ăn cho đàn con. Chung quy cũng chỉ tại đẻ nhiều mà ra”, ông Anh than thở.
Anh Nam cho biết do gia đình ít rẫy nên trồng lúa, ngô không đủ sống. Hết vụ mùa hai anh chị phải đi làm thuê kiếm thêm tiền để mua thức ăn cho đàn con. Trước đây, mỗi ngày công cuốc đất, phát rẫy của anh được trả gần 160.000 đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2014, anh bị tai nạn ở bả vai, đến nay vết thương vẫn chưa lành hẳn nên năng suất lao động giảm sút. Những người chủ chỉ trả cho anh 120.000 đồng. Chị Lạc cũng đi làm thuê, mỗi ngày được 100.000 nghìn đồng. Cộng tiền của cả hai người lại mới chỉ tạm đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và mua thức ăn cho các con.
Bữa cơm trưa được các con anh dọn ra để mời khách được chia làm hai mâm vì… đông quá không đủ chỗ ngồi. Trên bàn, chỉ có nồi cơm, hai dĩa rau muống luộc cùng mấy con cá khô và chén nước mắm.
“Nhà mình ít rẫy, mỗi vụ chỉ có được 4 tạ thóc thôi. Cả nhà mỗi bữa phải nấu 1 ký rưỡi gạo mới đủ ấm bụng nên chỉ khoảng 2 tháng là hết thóc trong nhà. Tiền mình làm về cũng chỉ đủ mua gạo ăn. Cũng có khi đói, nhưng mà mình đi vay, lên xã xin gạo ăn tạm”, anh Nam tâm sự.
Theo chị Lạc, áo quần của các con đều sử dụng theo kiểu truyền lại từ anh sang em. Thằng anh mặc cho đến khi chật thì được đổi áo mới của anh chị, nhường áo quần của mình cho em kế. “Tụi nó biết nhà nghèo không có tiền mua áo quần nên mặc giữ gìn lắm, không bị rách mà chỉ cũ và sờn đi thôi”, chị Lạc kể.
Tuy vậy, anh Nam cho hay thiếu ăn, thiếu mặc không khiến anh buồn khổ nhiều bằng việc các con không được học hành đến nơi đến chốn. 10 đứa con đầu của anh đều chưa tốt nghiệp được cấp hai. Đứa học cao nhất cũng chỉ ngang lớp 8, còn lại toàn học hết lớp 5 là nghỉ ở nhà phụ việc cha mẹ.
“Thấy tụi hắn nghỉ học tôi cũng buồn lắm. Vợ chồng tôi nghèo, đẻ nhiều là do không hiểu biết mà ra. Rứa nhưng cho tụi hắn đi học thì lấy tiền đâu mà nuôi trong khi cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc. Dù gì thì 5 đứa út tôi cũng ráng làm lụng để tụi nó phải học hết cấp 3”, anh Nam nói đầy quyết tâm.
Niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng anh Nam, chị Lạc là các con rất thương yêu, đùm bọc nhau. Đứa lớn luôn nhường nhịn, chăm lo cho đứa bé khi cha mẹ vắng nhà đi làm. Cũng có nhiều người tốt ngỏ ý với anh chị xin nhận bớt các cháu về nuôi nhưng cả hai nhất quyết không đồng ý.
“Con mình đẻ ra thì mình nuôi chứ sao cho đi được. Nhà mình nghèo nhưng mình dạy con phải thương yêu nhau vì anh em như thể tay chân. Mình có nghèo thì cũng phải làm mà ăn chứ không được đi ăn trộm, ăn cắp”, người đàn ông trụ cột trong gia đình đông con nhất Quảng Nam bộc bạch.
Video: Rắn mẹ quằn quại đẻ một đống con trước khi chết