Cặp vợ chồng sống trên nóc nhà vệ sinh ở phố cổ: 'Cơ cực nửa đời người, nếu được di dời thì còn gì bằng'
Đã hơn 40 năm nay, vợ chồng ông bà Nguyễn Phùng Hải và Nguyễn Thị Sâm sinh sống trên nóc nhà vệ sinh cam chịu khổ cực đủ đường. Trước dự án dãn dân phố Cổ, hai ông bà lại có thêm hi vọng về cuộc sống mới.
Tìm đến con phố Hàng Bạc, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hỏi đến cặp vợ chồng sống trên nóc nhà vệ sinh thì chắc chắn ai cũng biết. Ông Nguyễn Phùng Hải (86 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sâm (76 tuổi) đã sống trên nóc nhà vệ sinh trong ngõ 107 phố Hàng Bạc hàng chục năm nay.
Căn nhà rộng 10m2 của ông Hải nằm trên nóc một nhà vệ sinh tập thể của 6 hộ gia đình. Nói là “nhà cho sang” ông Hải bảo vậy, căn hộ này được dựng bởi những tấm inox, kim loại cũ và vài tấm bạt nhặt về.
Gia đình ông Hải đã sống trên nóc nhà vệ sinh này từ năm 1975. Đến khi hai con của ông trưởng thành thì gia đình với 4 nhân khẩu vẫn sống chung ở đây với không gian vô cùng chật hẹp.
Bước vào trong ngõ là khung cảnh tối đen quen thuộc của những con ngõ nhỏ tại phố Cổ, Hà Nội. Phía trước căn nhà được ghép từ những tấm tôn cũ mèm, rỉ sét cùng vài tấm phông bạt che nắng mưa.
Hai bên được dựng lên bởi hai bức tường gạch xây cũ với những vết sơn loang lổ. Nhà nhỏ hẹp nên gia đình ông Hải cũng ít khi có khách đến chơi. Mà có khách đến nhà, ông cũng ngại vì “không có chỗ để mời khách ngồi uống nước”. Trong nhà, đồ đạc chất ngổn ngang vì không có đủ chỗ để.
Hàng ngày, công việc chính của ông là ra đầu ngõ sửa xe đạp kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống. Ông Hải tâm sự, ông là người Hà Nội gốc, cũng là những người đầu tiên sống tại khu dân cư này, trước đây, ông từng có một căn nhà riêng, nhưng vì số phận đẩy đưa, bỗng chốc, ông thành kẻ không nhà cửa. Cũng từ đó, ông phải sống trên nóc nhà vệ sinh.
Thời trai trẻ ông tham gia chiến trường, lo làm ăn nên hơn 50 tuổi mới lập gia đình: “Hồi đó mọi người cũng bảo tôi nên lấy vợ, có người mai mối cho tôi với vợ bây giờ. Lúc đầu, tôi cũng mặc cảm lắm vì mình mang tiếng trai phố cổ nhưng nhà chẳng có phải ở nóc nhà vệ sinh. Nhưng sau kệ cứ đến cùng bà mối gặp gỡ xem, ai ngờ nên duyên với bà nhà tôi thật”, ông Hải tâm sự.
Kể từ khi lấy vợ, 2 vợ chồng ông bươn trải đủ nghề để kiếm thu nhập lo cho cuộc sống và luôn mong muốn có một chỗ ở tốt hơn. Cuộc sống của cả hai cứ thế tiếp diễn, hằng ngày bà Sâm gánh hàng bún riêu đi bộ bán dọc quanh các ngõ phố cổ, chồng bơm vá xe đạp.
Dần dần, hai con một trai, 1 gái lần lượt chào đời. Đến nay con trai bà Sâm đã lập gia đình và sinh 1 đứa cháu, con gái cũng đã học xong và đang đi làm.
Sống trên nóc nhà vệ sinh nhiều khi khổ cực, bí bách nên vợ chồng ông Hải cũng không tránh khỏi những chuyện tranh cãi. Có lúc mọi chuyện trở nên căng thẳng tột độ, thế nhưng sau đó nghĩ đến con cái, cả hai đành nín nhịn nhau để sống.
Nhắc đến dự án giãn dân phố cổ mới được phê duyệt, ông Hải cho rằng, luôn ủng hộ các chính sách của chính quyền, nhà nước: “Chúng tôi đã sống quá nửa đời người cơ cực ở đây rồi, giờ nhà nước có chính sách hay muốn chúng tôi rời đi thì chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý làm theo. Ở đây cũng khổ quá rồi nếu may mắn được đi nơi khác thì tốt thôi, còn gì bằng”, ông Hải chia sẻ.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2012 thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án giãn dân phố cổ nhưng trải qua quá trình triển khai, theo dõi, phát triển, đến ngày nay dự án mới chính thức được phê duyệt.
Theo ông Long, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã dành nguồn lực lớn trong việc giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong khu di tích, trường học, công sở…
“Từ việc này mới thấy được tính quan trọng cũng như phức tạp, cần cân nhắc của lãnh đạo thành phố khi tiến hành phê duyệt đối với đề án. Những năm gần đây chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nâng cao bảo tồn, phát huy di sản đô thị trên địa bàn quận”, ông Long nói.