'Cấp vốn' 12 điểm cho mỗi giấy phép lái xe: Quản lý văn minh và toàn diện
Với việc mỗi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ được 'cấp vốn' 12 điểm tương ứng với 12 tháng, khi trừ hết điểm do vi phạm giao thông tài xế sẽ phải thi lại, đây là phương pháp quản lý hiện đại nhằm theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Hết 12 điểm là thi lại
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý một số nội dung trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định về điểm của GPLX theo hướng lái xe được cấp 12 điểm/năm, khi tài xế tham gia giao thông vi phạm pháp luật sẽ bị trừ điểm và dữ liệu sẽ được cập nhật về hệ thống ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.
Với hình thức trừ điểm này, đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, số điểm sẽ không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà là mã hóa, khi cảnh sát giao thông kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.
"Trong trường hợp trừ hết điểm, GPLX coi như là hết hiệu lực. Khi tài xế muốn được cấp GPLX mới, phải học và thi lại trong thời gian ít nhất 6 tháng" - đại tá Bình cho biết.
Khi được hỏi về vấn đề cấp điểm cho GPLX, nhiều tài xế cho biết, việc "cấp vốn" này mang tính răn đe cao, tài xế sẽ phải chú ý hơn khi tham gia giao thông. Ngoài ra, việc trừ điểm này cũng tạo điều kiện cho lái xe cơ hội để sửa sai.
Anh Trần Hồng Sơn (36 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) cho biết, anh tin tưởng việc trừ điểm này sẽ là hình thức răn đe các trường hợp tài xế với tư tưởng "phóng nhanh, vượt ẩu" trên đường.
"Việc bị tước bằng lái sẽ khiến các tài xế phải cẩn thận khi tham gia giao thông, bởi nếu anh vi phạm nhiều lần và mắc lỗi nặng có thể bị trừ hết điểm, GPLX coi như bỏ" - anh Sơn chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Phạm Trung Kiên (43 tuổi, trú tại Đông Anh) hiện đang là tài xế cho một hãng taxi cho biết: "Với nhiều tài xế như tôi, việc trừ điểm này tạo điều kiện để sửa sai, vì nếu mắc lỗi nặng sẽ bị treo bằng nhiều tháng, mà với những người kiếm sống bằng nghề lái xe coi như mất thu nhập".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay để áp dụng được, tình hình giao thông và cơ sở hạ tầng cần phải đồng bộ, rõ ràng, tránh tình trạng "bẫy" người lái. Ngoài ra, cần làm rõ, minh bạch mức trừ điểm cho từng hành vi để tránh tình trạng lợi dụng quy định không rõ ràng để tư lợi.
Không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại
Theo đại điện Bộ Công an cho biết, nếu trong thời hạn 1 năm mà bị trừ hết điểm, tài xế phải thi lại GPLX, còn nếu không trừ hết điểm thì sau 1 năm lái xe được cấp lại đủ 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp.
"Ví dụ trong năm nay không bị trừ điểm thì sang năm tiếp theo bạn vẫn sẽ chỉ được cấp 12 điểm, chứ không được tích lũy thành 24 điểm. Việc lái xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật có thể được hưởng nhiều quyền lợi như: Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn và ngược lại những lái xe bị trừ điểm nhiều sẽ phải mua với giá cao" - vị đại diện này cho biết.
Theo nhiều chuyên gia giao thông nhận định, đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện, thay cho việc lâu nay xử lý vi phạm gần như "phạt là xong", không lưu lại lịch sử một cách rõ ràng. Với hình thức mới này giúp cơ quan chức năng nắm được lịch sử vi phạm của tài xế, qua đó đánh giá được năng lực, khả năng chấp hành luật của lái xe.
Còn theo đại tá Đỗ Thanh Bình, việc cấp điểm cho GPLX lái xe trên thế giới đã được áp dụng tại nhiều nước và Cục Cảnh sát giao thông đã tham khảo kinh nghiệm một số nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... để hướng tới việc sớm xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ, dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.