Cascadeur Việt Nam: Thù lao khiêm tốn, nguy hiểm có thừa

Ngày 22-3, triển lãm ảnh Nghệ sĩ và phim trường do tác giả Lữ Đắc Long thực hiện, khai mạc tại TPHCM. Lữ Đắc Long hiện là Phó Chủ nhiệm CLB cascadeur thuộc Hội Điện ảnh TPHCM. Trò chuyện với anh, mới cảm nhận thêm nỗi niềm của một cascadeur không có phim để bay nhảy, nhào lộn, đốt cháy người...

Anh và 40 thành viên của CLB giờ phải kiếm sống bằng nghề khác, thỉnh thoảng mới có đạo diễn mời tham gia phim... Các cascadeur Việt Nam thi thoảng được một số nước mời ra nước ngoài đóng phim như Ấn Độ, Malaysia, Singapore... “Đi một ngày đàng" mới thấy đạo diễn ở nước ngoài phân cảnh cụ thể, chu đáo, chưa diễn đã biết phải làm gì, còn ở Việt Nam ra đến phim trường mới biết mình sẽ bay nhảy ra sao. Đạo diễn ở nước ta cũng không có mấy người nghiên cứu sâu về võ thuật. Kinh phí bao giờ cũng là điều bức xúc của các đoàn làm phim, nhất là phim truyền hình nên buộc cascadeur phải sáng tạo nhiều cách và đôi lúc phải chấp nhận hiểm nguy. Khi diễn cảnh ngã từ ngọn cây dừa xuống đất, để đảm bảo an toàn phải có 300 chiếc thùng giấy đặt dưới đất, kinh phí ít nên đạo diễn chỉ mua có 100 thùng. Mọi người phải đi mượn chiếc nệm chạy tới lui canh theo chiều rơi của cascadeur để hứng như hứng trái dừa. Trong kịch bản phim có cảnh một đạo quân khoảng 50 người chuẩn bị xung trận. Không có kinh phí nên đạo diễn thuê vài cascadeur đứng hàng đầu, phía sau là diễn viên quần chúng. Đó là nguyên nhân vì sao các pha võ thuật trong phim Việt Nam thường chưa bị đánh, chém đã ngã lăn ra chết, hoặc vừa "chết" vừa cười. Có đoạn, cascadeur lâm trận đánh hăng quá, đạo diễn phải bắc loa gọi "Đánh ít thôi, đánh lâu quá tốn tiền lắm". Kịch bản có cảnh binh lính cầm giáo kéo đến bắt nhân vật chính, ít tiền không thể thuê cascadeur nên cuối cùng phải cho duy nhất một người đến đánh tay đôi với diễn viên chính vài cái "nhẹ hều” rồi thôi. Đối với đạo diễn trẻ, biết kinh phí của đoàn làm phim không nhiều nên nhóm cascadeur thường không nói giá. Có đạo diễn trẻ quay cảnh nhân vật ngã xuống sông, mời 10 cascadeur. Té xuống sông bị ô nhiễm, ai nay đều hôi hám, anh đạo diễn móc tiền túi đưa 500.000 đ, ai nấy cũng vui vẻ nhận. Cascadeur đóng cảnh cháy thường rất cực và lỗ vốn. Một cảnh nhân vật bị cháy từ trong nhà chạy ra có giá 3,5 triệu đồng, đạo diễn chê giá cao trả 1,5 triệu đồng. Cả nhóm đồng ý rồi nhưng anh ta lại trả giá. Cuối cùng nhóm bày cách lấy giỏ cần xé đốt lên rồi lăn là đỡ tốn tiền nhất. Có cảnh cháy phức tạp, giá hai người 7 triệu đồng. Đoàn làm phim trả 2 triệu, yêu cầu chỉ cho cháy... mông. Thấy kỳ nên nhóm cũng đồng ý cháy toàn thân, chỉ lấy 2 triệu đồng. Lần đóng phim Chuyện tình biển xa, 20 cascadeur được đưa ra Vũng Tàu tham gia cảnh tàu dầu bị nổ. Người quản lý tàu trông thấy các anh chuẩn bị đóng thế vai mà không có đồ nghề bảo hộ, chữa cháy mới hỏi. Anh chìa ra bình chữa cháy bé xíu. Ông ấy hỏi, rớt xuống biển rồi sao, anh bảo thì lội vào bờ. Người quản lý giật mình cho biết đây là tàu dầu chứ không phải tàu thường, lỡ nổ thật thì... chết. Ông nhiệt tình cho mượn 2 vòi rồng xịt nước, 2 chiếc ca-nô để cứu hộ. Cảnh quay diễn ra êm thắm. Thật ta trong những cảnh quay đó, biết chắc chắn là rất nguy hiểm và cũng muốn đầu tư nhưng với mức cát xê eo hẹp thì lực bất lòng tâm.

Trong bộ phim chiếu Tết vừa rồi như Nữ tướng cướp cảnh Hồng Nga và Kim Khánh múa “hầu quyền” cũng có khoảng 10 cascadeur cả nam lẫn nữ đóng thế vai. Phim Khi đàn ông có bầu nhóm cũng được tham gia vài người để bay thử chiếc xích lô trên không rồi Phương Thanh mới dám ngồi lên. Phim “39o yêu”, đạo diễn yêu cầu cascadeur chạy tới chạy lui, nhưng say nghề quá nên một cascadeur đá vỡ chiếc lu và sau đó ký vào biên nhận thanh toán tiền thù lao chia mình dòng chữ “Đi chơi cho vui". Và theo Lữ Đắc Long, bất cứ lúc nào câu lạc bộ của anh cũng có thể huy động cả trăm cascadeur giỏi võ thuật, mê điện ảnh tham gia những bộ phim lớn, nhưng...

(CAND)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/cascadeur-viet-nam-thu-lao-khiem-ton--nguy-hiem-co-thua-114233.htm