Cất cánh từ đô thị sân bay
Theo quy hoạch, Long Thành được định hướng trở thành đô thị sân bay, là cửa ngõ quốc tế. Đây là đô thị không chỉ đơn thuần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai mà còn có tác động đến vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước
Đô thị Long Thành gắn với sân bay quốc tế Long Thành được tiếp cận theo mô hình đô thị sân bay với những tiện ích không chỉ về thương mại, giao thông mà còn cả văn hóa, giải trí, kết nối du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và thế giới.
Khoác chiếc áo mới
Từ khi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) được khởi động, người dân địa phương chộn rộn hẳn, nhất là những gia đình trong vùng dự án.
Sau khi nhường đất thực hiện dự án sân bay Long Thành, gia đình ông Nguyễn Đức Hoàng đến sinh sống tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Thời gian đầu, gia đình ông khá vất vả do phải di chuyển chỗ ở nhưng đến nay đã ổn định, nhất là được sinh sống tại khu dân cư đẹp nên rất hài lòng.
Long Thành sẽ là một cực tăng trưởng mới bởi nơi đây được xem là điểm giao của hành lang kinh tế lớn"
Ông VÕ TẤN ĐỨC, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai
Ông Hoàng bộc bạch: "Người dân chúng tôi hồi hộp trông đợi ngày sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Sân bay này chắc hẳn sẽ rất đẹp. Cứ nghĩ đến cảnh vùng nông thôn mà mình từng sinh sống mấy chục năm sắp trở thành nơi máy bay lên xuống, người trong và ngoài nước lui tới tấp nập, chúng tôi đã thấy rất vui và hãnh diện".
Ông Hoàng còn mong ngóng khi người dân từ nơi khác đến sinh sống và làm việc đông hơn, các công trình liên quan được xây dựng nhiều hơn, Long Thành sẽ khoác lên mình chiếc áo mới.
Nhiều người dân Long Thành cũng đang cảm nhận được sự thay đổi ở vùng đất này. Rõ nhất là hiện nay, bên cạnh sân bay Long Thành, trên địa bàn còn có hàng loạt dự án đang triển khai khiến khu vực này như một đại công trường, dáng dấp một đô thị đang dần hiển hiện.
Ông Lê Văn Tiếp - Chủ tịch UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - cho biết để bảo đảm tiến độ, phấn đấu sớm lên thành phố, địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều việc, nhất là phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng… "Long Thành hiện có rất nhiều dự án của trung ương, tỉnh và huyện cùng lúc phải triển khai để đưa vào khai thác đồng bộ với sân bay Long Thành nên khối lượng công việc khá lớn" - ông thông tin.
Với lợi thế có cảng hàng không quốc tế tọa lạc trên địa bàn, Long Thành được định hướng trở thành đô thị sân bay. Để xây dựng một đô thị sân bay xứng tầm, Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm tham vấn các chuyên gia nước ngoài.
Tại một hội thảo về phát triển đô thị sân bay Long Thành, GS Ha Hun Koo, Trường Logistics châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc), nhận xét sân bay ở Đồng Nai khá tương đồng với sân bay Incheon tại Hàn Quốc. Vì vậy, Long Thành cũng có thể phát triển theo mô hình thành phố sân bay như Incheon.
Theo GS Ha Hun Koo, để phát triển thành phố sân bay Long Thành, cần phải xây dựng kế hoạch chiến lược theo từng giai đoạn, thể hiện tầm nhìn và tính nhất quán trong quá trình thực hiện. Ông nhấn mạnh điều quan trọng ngay từ khi bắt đầu triển khai là phải có quy hoạch tổng thể phát triển thành phố sân bay và bảo đảm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.
Nhằm triển khai việc này, Đồng Nai đã lập quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045. Theo đó, phạm vi quy hoạch chung đô thị Long Thành là toàn bộ ranh giới hành chính của huyện này, gồm thị trấn Long Thành và 13 xã, với tổng diện tích tự nhiên trên 430 km2.
Theo quy hoạch chung, giai đoạn 2021 - 2030, Long Thành được phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, trở thành thị xã và hướng tới đạt tiêu chí đô thị loại III. Trong giai đoạn này, những chỉ tiêu về đô thị sân bay, sinh thái cũng như xu hướng phát triển đô thị mới trên thế giới sẽ được áp dụng; tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị; bảo đảm an ninh - quốc phòng và phát triển bền vững; hướng tới xây dựng Long Thành trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Cũng theo quy hoạch chung, đến năm 2030, Long Thành sẽ thành đô thị loại III. Khi đó, Long Thành là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh; trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ chất lượng cao; thương mại - tài chính chất lượng cao cấp vùng; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia.
Quy hoạch chung cũng nêu rõ đô thị Long Thành còn là thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế phát triển bền vững, tạo tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Khi đó, Long Thành là trung tâm giải trí, logistics và cung cấp dịch vụ của vùng; là đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đáp ứng đầy đủ tiện nghi cuộc sống của người dân.
Lợi thế vượt trội
Có lẽ ít nơi nào thuận tiện về giao thông như Long Thành. Khu vực này hội tụ đầy đủ cả 5 loại hình giao thông, gồm: đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt và đường bộ.
Nhiều chuyên gia đánh giá chỉ riêng giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc đi qua Long Thành đã giúp lưu thông thuận tiện, kết nối với nhiều tỉnh, thành và vùng lân cận. Cụ thể, kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ qua tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ qua đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Đông Nam Bộ với Tây Nguyên qua tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; kết nối với TP HCM bằng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và với Bà Rịa - Vũng Tàu bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây cũng là khu vực có vị trí rất quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, an ninh - quốc phòng của cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng Long Thành có lợi thế rất lớn về thu hút đầu tư phát triển vào công nghiệp - dịch vụ và du lịch. Tỉnh xác định Long Thành là địa phương đầy triển vọng với tốc độ tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh cũng như Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Võ Tấn Đức, sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò cực kỳ quan trọng. Không những kết nối Việt Nam với thế giới, sân bay Long Thành còn kết nối các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Vì vậy, Đồng Nai đã xác định vị trí chiến lược của sân bay Long Thành cũng như tầm quan trọng của việc phát triển đô thị sân bay, nhằm đưa tỉnh trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động trong tương lai.
TS Nguyễn Tấn Bình - giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, giảng viên cao cấp Đại học Andrews (Mỹ) tại Việt Nam - đánh giá khu vực Long Thành rất thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành logistics. "Lĩnh vực logistics ở đây sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới, có thể vào bậc nhất miền Đông. Bởi lẽ, nơi này giao thông có một thế mạnh vượt trội" - ông nhận định.
Theo TS Nguyễn Tấn Bình, khu vực Long Thành có vị trí địa lý khá đặc biệt. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, tiếp giáp với TP HCM - nơi có hơn 10 triệu dân và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì vậy, Long Thành sở hữu những lợi thế vượt trội nên việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước thời gian tới sẽ rất mạnh. Ở đây, dân số sẽ tăng, dẫn đến phát triển đô thị cũng như kinh tế đô thị là điều hiển nhiên. Ông lưu ý Đồng Nai nên chuẩn bị tốt về khâu quy hoạch để Long Thành phát triển nhanh và bài bản.
Đơn vị tư vấn quy hoạch chung đô thị Long Thành dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là khoảng 370.000 - 380.000 người, đến năm 2045 khoảng 480.000 - 500.000 người.
Về quy mô đất đô thị Long Thành đến năm 2030, dự báo đất xây dựng là 19.960 - 20.400 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 17.000 ha và đất dân dụng 2.960 - 3.040 ha. Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị là 23.840 - 24.000 ha, trong đó đất ngoài dân dụng khoảng 20.000 ha và đất dân dụng 3.840 - 4.000 ha.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/cat-canh-tu-do-thi-san-bay-20231011174017257.htm