'Cắt cơn' sốt đất, giá nhà chung cư vẫn khó 'hạ nhiệt'
Dù cơn sốt đất tại nhiều địa phương được Bộ Xây dựng xác nhận đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá nhà chung cư vẫn khó giảm vì nhiều lý do.
Giá đất đã hạ nhiệt
Thời gian qua, để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hạn chế đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có động thái "phanh" hoạt động cho vay để kinh doanh bất động sản (BĐS), thuế áp giá cao theo thị trường.
Bên cạnh đó, các địa phương như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk… đã nhanh chóng thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Thậm chí, nhiều tỉnh thành ra văn bản dừng các hoạt động phân lô, bán đất nền, đồng thời tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra với hiện tượng bán nhà "hai giá" (giá bán thực tế cao hơn so với giá ghi trong hợp đồng mua bán nhằm mục đích trốn thuế), đề nghị công an vào cuộc làm rõ các chiêu trò "thổi giá" đất…
Cụ thể, tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022 của UBND TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, Sở đã có văn bản gửi công an thành phố đề nghị vào cuộc điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa "cò" đất, cơ quan và cán bộ quản lý nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tạo cơn sốt đất tại huyện Hòa Vang.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó chỉ đạo hàng loạt cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Đặc biệt, chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định. Công an tỉnh tổ chức theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo"; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, "thổi giá”, làm thị trường tạo cơn "sốt đất" ảo để kiếm lời.
Tại Gia Lai, cơ quan chức năng tỉnh này đã đề nghị công an vào cuộc tăng cường điều tra, làm rõ các dấu hiệu, hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản nếu có...
Ngoài ra, giá BĐS thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương và khi trải qua nhiều cơn sốt đất liên tục khiến nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định rót vốn. Tất cả động thái này đã phần nào có tác động, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương bắt đầu hạ nhiệt và dần ổn định trở lại.
Mới đây, Bộ Xây dựng xác nhận, giá đất tại Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất... (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Từ Sơn (Bắc Ninh), Gia Viễn (Ninh Bình) đã hạ nhiệt. Tương tự, tại miền Nam, Bộ Xây dựng đánh giá tình hình sốt đất ảo tại TP Thủ Đức (TPHCM), TP Phan Thiết và thị xã La Gi (Bình Thuận), Hớn Quản (Bình Phước), Gio Linh (Quảng Trị)... cũng được kiểm soát sau khi các cơ quan nhà nước siết lại quản lý, thông báo công khai các thông tin thị trường và đưa ra nhiều cảnh báo.
Nhà chung cư vẫn khó giảm giá
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Việt Nam - Nhà cung cấp giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ BĐS), tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộngày một rõ nét. Trong tháng 4/2022, tại TPHCM và một loạt các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh… nguồn cung căn hộ khu vực này chưa chạm tới mốc 2.500 căn, chỉ bằng khoảng 69% cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát của nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia, giá BĐS đã ghi nhận mức tăng khá nhanh trong quý I/2022 và dự kiến sẽ tiếp tục xu thế tăng ở các quý tới. Những nguyên nhân tạo đà tăng cho giá nhà ở là do từ khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài.
Ông Chu Đức Toàn, chuyên viên phân tích cao cấp VNDIRECT cho biết, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh 4,5 - 15,8% trong quý I/2022, ngoại trừ phân khúc hạng sang giảm 2,9% so với cùng kỳ. Giá căn hộ sơ cấp phân khúc trung cấp tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai con số 15,8%, mức tăng mạnh nhất trong các phân khúc do nhu cầu cao. Giá trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 13,3%, lên 1.655USD/m2 trong quý I/2022.
Bên cạnh đó, giá căn hộ thứ cấp ở Hà Nội tiếp tục tăng ổn định trong quý I/2022, trung bình tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, giá bán tại khu vực ngoại thành tiếp tục tăng tốt như Thanh Trì tăng 12,2%, huyện Chương Mỹ tăng 11,4%.
Tại TPHCM, nhu cầu tìm kiếm căn hộ cao cấp và trung cấp tăng lần lượt 14% và 3%, trong khi phân khúc bình dân lại giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng rao bán chung cư TPHCM ở tất cả các phân khúc đều ghi nhận chiều hướng giảm, riêng chung cư bình dân giảm mạnh nhất, ở mức 21%, cho thấy căn hộ giá rẻ ngày càng vắng bóng trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính (Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam) cho rằng: “Nguyên nhân căn cơ nhất, sâu xa nhất dẫn đến tình trạng tăng giá BĐS thời gian qua là do thiếu nguồn cung và lực cầu tăng cao. Nguồn cung trên thị trường khan hiếm là do các dự án BĐS gần như dừng hẳn, không phê duyệt được vì các quy định pháp lý đang có những mâu thuẫn, chồng chéo tạo ra các rào cản vô hình, các địa phương không dám phê duyệt dự án để bơm nguồn hàng vào thị trường. Trong bối cảnh nguồn cung không thể cải thiện được vì vướng luật, thì hệ lụy cơ bản nhất của cầu cao, cung thấp là làm tăng giá nhà đất tại các địa phương, thậm chí giá đất bị thổi lên, tăng một cách vô tội vạ, tạo thành sự hỗn loạn trên thị trường, trở thành rào cản hạn chế các dự án của nhà đầu tư chính thống, tạo nên sự mâu thuẫn, bất ổn, phức tạp trên thị trường BĐS”.
Mời độc giả xem thêm video Bình Dương: Điều tra hàng loạt dự án bất động sản sai phạm: