'Cắt cụt, tỉa trụi cây phượng là lợi bất cập hại'
PGS Đặng Văn Hà cho rằng cắt, tỉa cành nhánh là cách chăm sóc, đảm bảo an toàn cho cây xanh. Nếu con người cắt cụt, tỉa trụi cành không đúng kỹ thuật, cây sẽ gây nguy hiểm.
Sau sự cố trường ở THCS Bạch Đằng, TP.HCM, nhiều trường học, cơ quan, công sở cắt tỉa, hạ độ cao cây phượng và một số cây xanh khác. Một số nơi cắt, tỉa, hạ tán cây triệt để, chỉ còn trơ phần thân.
Trao đổi với Zing, PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc Cảnh quan và Cây xanh đô thị, ĐH Lâm nghiệp, cho rằng cắt tỉa, hạ tán trụi cây, chỉ còn trơ phần thân, là không đúng kỹ thuật, có thể dẫn đến lợi bất cập hại.
Cắt trụi cây là không đúng kỹ thuật
- Sau sự cố cây phượng bật gốc khiến một học sinh tại TP.HCM tử vong, một số nơi tiến hành cắt, tỉa, hạ tán cây xanh. Theo ông, việc cắt tỉa cây triệt để, chỉ còn phần thân, có phải cách làm đúng?
- Sắp đến mùa mưa bão, các cơ quan, trường học chú trọng việc cắt, tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn. Gần đây, tôi thấy nhiều nơi lại cắt tỉa, chặt hạ cây xanh một cách thái quá, nhất là cây phượng.
Trong các đô thị, việc cắt tỉa, hạ tán cây xanh phải làm định kỳ hàng năm (đối với cây cổ thụ) hoặc 2-3 năm một lần (đối với cây đang phát triển ổn định).
Sau khi cắt, cây sẽ ra cành mới và cứ luân phiên như vậy phát triển, chúng ta vẫn kiểm soát được độ cao, cành nhánh và cân đối cây. Việc cắt tỉa, hạ tán trụi cây, chỉ còn trơ phần thân, là không đúng kỹ thuật, có thể dẫn đến lợi bất cập hại.
Nếu chúng ta cắt cụt cây, vết cắt, bề mặt cắt rất lớn. Vết cắt đó dễ bị mục từ trên xuống. Những cành, nhánh mọc mới từ xung quanh vết cắt có nguy cơ gãy rất cao. Cắt tỉa như vậy nguy hiểm hơn là không cắt.
Hơn nữa, những người có kỹ thuật cắt, tỉa, chăm sóc cây không nhiều. Không phải ai cũng có chuyên môn để biết cách cắt, tỉa mang tính chất định hướng, duy trình cho cây phát triển và đảm bảo an toàn.
- Không ít ý kiến cho rằng cây phượng không thích hợp trồng trong trường học và đô thị. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- Cây phượng có tuổi đời ngắn hơn một số loại cây khác. Cây đã già, cỗi nên thay thế bằng cây khác. Sau sự cố, suy nghĩ không trồng cây phượng vì không phù hợp đô thị, trường học là tiêu cực.
Thực ra, cây xanh tuổi đời từ 25-30 năm đều dễ gặp vấn đề về gốc rễ và có nguy cơ mục rỗng. Nếu cần thiết, chúng ta nên đốn bỏ và thay thế cây khác.
Những cây mới trồng 10-20 năm, đang trong giai đoạn phát triển, ổn định, chúng ta chỉ cần cắt, tỉa bớt một số cành, nhánh vươn dài, có nguy cơ vướng víu, gãy khi mưa bão đến.
Sau sự cố hy hữu, nhiều người có tâm lý dè chừng, thấy xung quanh có cây phượng là phải chặt hạ, thay bằng cây khác. Cây nào cũng có nguy cơ ngã đổ nếu kỹ thuật chăm sóc không đúng, chứ không riêng gì cây phượng.
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến một số cây phượng bật gốc ở trường học thời gian qua?
- Cây phượng trồng trong thành phố rất tốt, nhưng khi trồng trong sân cơ quan, trường học hay vỉa hè, tác động của xây dựng dẫn đến hiện tượng mục rỗng, gãy đổ.
Rễ của cây phượng ăn nổi nhưng nhiều nơi đổ bê tông, lát gạch lên bề mặt, chỉ để lại một hố xung quanh phần gốc, rễ không phát triển được, dần dần chết và thân mục rỗng.
Mặt khác, nhiều người thích mang cây to từ nơi khác về trồng cho đẹp mắt, nhanh cho bóng mát là sai lầm. Phải trồng từ khi cây còn non, hệ rễ khỏe và không bị tổn thương nhiều từ việc cắt cành, nhánh.
Khi trồng cây to, các rễ cái, cành lớn bị chặt hết, những chỗ đó sẽ bị thối mục. Sau này, cây có ra lá, xanh tốt, cũng chỉ toàn rễ tơ, rễ con, nên cây rất dễ đổ.
Một sai lầm khác là khi cây lớn, một số nơi xây bồn cao 40-50 cm để làm chỗ ngồi cho học sinh, đổ đất đầy vào đó. Đã bê tông hóa mặt rễ còn đổ đất dày, cây càng không hô hấp được, nguy cơ bị thối, bật gốc càng cao.
- Bằng mắt thường, chúng ta có thể nhận thấy vấn đề của cây thông qua những dấu hiệu nào?
- Những cây sâu bệnh, già cỗi hoặc bộ rễ có vấn đề, sẽ có một số dấu hiệu trái với quy luật thông thường như ra hoa sớm hoặc muộn, rụng lá không đúng mùa, vàng lá.
Những cây đã mục rỗng đến 1/3 thân, chúng ta dễ quan sát và sẽ phát hiện được ngay. Điều này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phán đoán của người chăm sóc cây.
Nên trồng những cây gì trong sân trường?
- Theo phó giáo sư, những loại cây nào thích hợp và không thích hợp trồng trong trường học?
- Có rất nhiều cây có thể trồng trong đô thị, trường học, cơ quan nhưng còn tùy thuộc hệ sinh thái, khí hậu. Miền Bắc và miền Nam có những danh mục cây khác nhau. Nhưng có một số loại cây phân bố rộng, trồng được ở cả miền Bắc và Nam.
Tiêu chí chung để chọn là cây dẻo dai, tán lá đẹp, hoa thơm, không có bộ phận nào có độc hoặc có gai, ví dụ như ngọc lan, vàng anh, dầu nước, sao đen, me tây, bằng lăng nước, sấu, muồng hoàng yến, lộc vừng hay giáng hương.
Ngoài ra, tôi có thấy các trường hay trồng cây bàng lá to, gần như trường nào cũng có ít nhất một cây. Tuy nhiên, cây này có phần rễ ăn nổi, học sinh nô đùa dễ vấp ngã. Đặc biệt vào mùa hè, cây này có rất nhiều sâu róm dễ khiến học sinh bị dị ứng. Nếu có trồng, các trường nên trồng ở ven tường rào để tạo mảng xanh.
Một số trường học địa phương hay trồng những cây đặc trưng của địa phương nhưng phải lưu ý kỹ. Đã có trường hợp học sinh ngộ độc từ hoa, quả của cây trồng trong sân trường.
Năm 2017, ở Nghệ An, nhiều học sinh bị ngộ độc khi nhặt quả cây ngô đồng ăn. Cây ngô đồng tán rộng, cho bóng mát tốt nhưng cành rất giòn, dễ gãy, quả rất độc.
- Phượng vỹ là loại cây được trồng phổ biến trong trường học và gắn với tuổi học trò. Những trường vẫn muốn trồng và giữ cây phượng thì phải lưu ý những gì?
- Khi trồng cây xanh trong trường học, công sở, không riêng gì cây phượng, chúng ta nên chọn những cây có đường kính thân từ 6-10 cm là phù hợp. Vì lúc này, cây chưa đạt giai đoạn trưởng thành và đang phát triển mạnh.
Tiêu chí chung để chọn là cây dẻo dai, tán lá đẹp, hoa thơm, không có bộ phận nào có độc hoặc có gai, ví dụ như ngọc lan, vàng anh, dầu nước, sao đen, me tây, bằng lăng nước, sấu, muồng hoàng yến, lộc vừng hay giáng hương.
PGS Đặng Văn Hà
Ở khu vực gốc cây, chúng ta không nên đua nhau xây bồn cao bằng bê tông như hiện nay. Nếu chỉ xây bồn để bảo vệ cây, các trường có thể xây thấp, 7-10 cm, bên trong xếp sỏi xung quanh gốc cây để vừa sạch, vừa bảo vệ cây.
Nếu các trường có ý định tận dụng khu vực quanh gốc cây làm nơi vui chơi, ngồi nghỉ mát, có nhiều cách thiết kế, như lắp ghế bằng sắt vây xung quanh. Học sinh vừa có thể ngồi, cảnh quan lại đẹp và cây vẫn được bảo vệ, chi phí thậm chí rẻ hơn so với xây bồn bằng gạch và bê tông.
Với những cây đang trong giai đoạn ổn định, sự phát triển cành, nhánh không mạnh lắm thì không nhất thiết năm nào cũng tỉa cành, cắt nhánh. Tuy nhiên, trường vẫn phải theo dõi thường xuyên việc ra hoa, quả hay thay lá của cây có theo đúng quy luật thời tiết bình thường không. Nếu có hiện tượng cây rụng lá, ra hoa trái mùa, gốc rễ có thể có vấn đề hoặc thân đã bị sâu mục bên trong.
Những cây đã lâu năm, đường kính thân khoảng 50-60 cm nhưng chưa phát sinh vấn đề, chúng ta nên làm giá đỡ để phòng nguy cơ ngã, đổ bất ngờ, đồng thời theo dõi, cắt tỉa cành nhánh cho phù hợp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cat-cut-tia-trui-cay-phuong-la-loi-bat-cap-hai-post1091607.html