Cắt điện đột ngột, doanh nghiệp thiệt hại, khiếu nại ở đâu?
Trước bối cảnh thiếu điện hiện nay, ngành điện bắt đầu cắt điện luân phiên khiến các nhà máy, KCN phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn, phá vỡ chuỗi sản xuất.
Những ngày qua, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc tiếp tục có nắng nóng kéo dài khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, ngành điện bắt đầu cắt điện luân phiên. Điều này khiến các nhà máy, khu công nghiệp (KCN) phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn, phá vỡ chuỗi sản xuất.
Loạt doanh nghiệp thiệt hại vì đột ngột bị cắt điện
Ghi nhận tại Hà Nội, sáng 7/6, một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện Hoài Đức tỏ ra rất bức xúc vì Điện lực Hà Nội ngừng cung cấp điện mà không có lịch thông báo trước.
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), cho biết từ ngày 29/5 đến hết ngày 7/6, doanh nghiệp này bị cắt điện 3 lần, trong đó thời gian cắt điện đều trên 20h đồng hồ. Tuy nhiên, phía đơn vị cung cấp điện chỉ thông báo trước đó vài tiếng.
"Chúng tôi bị cắt điện, ảnh hưởng sản xuất, đảo lộn, chậm tiến độ, thiệt hại rất lớn đến doanh nghiệp. Việc cắt điện đã làm thay đổi toàn bộ giờ làm việc của nhân viên, công ty phải chuyển sang làm việc từ 16h đến 22h (ca tối). Việc này làm doanh nghiệp phải chi thêm tiền trợ cấp giờ làm và thay đổi sinh hoạt của mọi người", ông Tuấn Anh nói với Dân Việt.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (địa chỉ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết nhà máy 3 của doanh nghiệp này tại huyện Hoài Đức chỉ nhận được thông báo cắt điện trước một ngày. Bất khả kháng, công ty phải thông báo cho người lao động sắp xếp công việc, chuyển lịch sang làm việc sang thứ 7, chủ nhật.
“Chúng tôi hiểu và thông cảm cho ngành điện. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần EVN tôn trọng và phải thông báo cho doanh nghiệp trước 24h để chúng tôi còn thay đổi quản trị, phân công lao động”, ông Trung nhấn mạnh.
Tại Hải Phòng, trước đó ngày 18/5, Công ty Điện lực Hải Phòng đã gửi tin nhắn tới một số KCN trên địa bàn thành phố để thông báo sẽ cắt điện từ 12h30 đến 16h chiều. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, tin nhắn này chỉ được phát đi trước khi cắt điện khoảng 1h đồng hồ, khiến họ rơi vào thế bị động, không đủ thời gian để lên kế hoạch điều chỉnh sản xuất. Một ngày sau đó, Điện lực Hải Phòng mới gửi văn bản thông báo chính thức.
Do bị cắt điện đột ngột, sản xuất bị thiệt hại nên ngày 30/5, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài trong KCN VSIP Hải Phòng đã kiến nghị lên Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Sở Công Thương TP.Hải Phòng.
Sở Công Thương TP.Hải Phòng sau đó đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Điện lực thành phố báo cáo, trả lời rõ về sự cố điện nói trên.
Trong văn bản gửi các doanh nghiệp trong KCN VSIP, Điện lực Hải Phòng mong 15 doanh nghiệp bị thiệt hại do cắt điện đột ngột ngày 18/5 chia sẻ, đồng cảm. Lý do là bởi “nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng, nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất cao. Nhiều đường dây, trạm biến áp phải vận hành đầy tải, quá tải vào giờ cao điểm dẫn tới xảy ra một số sự cố trên lưới điện... ".
Là một doanh nghiệp gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại có chi nhánh tại KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), ông Ngô Sách Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Cơ khí Sao Việt (SAVIMEC) cũng than thở về việc bị Điện lực Bắc Ninh cắt điện đột ngột.
“Điện lực cắt điện 20h đồng hồ, mấy hôm trước, họ cũng cắt điện 24h đồng hồ nhưng chỉ thông báo chúng tôi trước một ngày. Nói chung họ cắt điện như này làm hỏng hết kế hoạch của doanh nghiệp, chậm kế hoạch giao hàng, chậm tiến độ, bị phạt hợp đồng…", ông Vinh chia sẻ.
Cũng tại Bắc Ninh, đại diện Công ty LC Holdings (một công ty sản xuất kết cấu thép) ở KCN Quế Võ mở rộng, cho biết tính trong tuần đầu tháng 6, có hai lần công ty bị cắt điện (đều được thông báo trước) từ 8h đến 17h. Mỗi lần như vậy, công ty đều cho công nhân nghỉ.
Tại Quảng Ninh, việc cắt điện luân phiên trên địa bàn những ngày gần đây cũng gây ảnh hưởng tới 10 doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất trong KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên).
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc KCN Đông Mai, cho biết phần lớn doanh nghiệp trong KCN Đông Mai sản xuất mặt hàng linh kiện điện tử, thường xuyên dùng các loại máy công suất lớn nên nhu cầu sử dụng điện khá cao. Việc mất điện làm quy trình sản xuất bị ngưng trệ, đảo lộn và phải hoạt động theo lịch phát điện trên địa bàn.
Theo ông Cường, tuy lịch cắt điện được thông báo trước, nhưng các doanh nghiệp phải chạy máy phát điện loại lớn nhiều giờ. Việc này khiến doanh nghiệp đội chi phí nhiên liệu, bảo trì máy phát điện.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải yêu cầu công nhân làm bù vào ngày nghỉ do mất điện. Do đặc thù làm theo ca nên phải trả thêm tiền cho công nhân, đây cũng là một khoản chi phí lớn với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bị thiệt hại khiếu nại ở đâu?
Trước bối cảnh thiếu điện hiện nay, một chuyên gia năng lượng cho rằng việc cắt điện các nhà máy sản xuất, KCN là điều bất khả kháng. Tuy nhiên nếu địa phương nào cắt điện cần phải phát đi thông báo trước để các doanh nghiệp kịp thời lên kế hoạch ứng phó.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) dẫn chứng Điều 27 Luật Điện lực, cho biết trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng cung cấp điện ít nhất 5 ngày bằng cách thông báo trong 3 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức thông tin khác.
Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24h và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.
Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, do sự cố, sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24h phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.
Khách hàng được quyền khiếu nại trong các trường hợp bên bán điện ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng quy định, không thông báo trước cho bên mua (trừ trường hợp khẩn cấp); ngừng đối với khách hàng thuộc diện không phải hạn chế khi thiếu điện.
Bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, Bộ Công thương đã giao các Sở công thương giám sát việc cắt điện của EVN và giải quyết khiếu nại của người dân về tình trạng cấp điện không tuân thủ các quy định của các điện lực.
Trường hợp không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo luật sư Hoàng Tùng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà đơn vị cung cấp điện, người có trách nhiệm cung ứng điện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự đối với hành vi cắt điện không thông báo trước.
Trong trường hợp phải thông báo mà Công ty Điện lực không thông báo cho người dân biết sẽ bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng theo điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Trường hợp người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện mà cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 199 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 với mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm.
Cụ thể, phạm tội thuộc các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 3 - 7 năm: Làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.