Cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh

Sắp tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến cắt giảm ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Ngày 10-1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững".

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2019, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong đó, đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước ngưỡng cửa của thập niên mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam lựa chọn khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo làm xung lực tăng trưởng mới. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, trong nhiều năm liên tục, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những hành động cụ thể để cải thiện điểm số, nâng xếp hạng của Việt Nam trong các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của quốc gia...

Trọng tâm của các nỗ lực đó là các Nghị quyết của Chính phủ về môi trường

kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, gồm các nghị quyết 19 ban hành hàng năm từ năm 2014 đến năm 2018, Nghị quyết 02 năm 2019 (thay thế cho nghị quyết 19) và Nghị quyết 35 năm 2016.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập cần cải cách để có thể đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. “Nếu giữ nguyên tốc độ tăng doanh nghiệp như trong 3 năm qua thì đến hết năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 984 nghìn doanh nghiệp. Do đó, để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp thì các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa trong khoảng thời gian còn lại”, ông Lộc nói.

Trong đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Chủ tịch VCCI cũng đề nghị ưu tiên trong cải cách năm nay là xem xét sửa đổi theo quy trình một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định với 25 bất cập đã được VCCI rà soát, kiến nghị.

Cụ thể, phải tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính về kiểm tra liên ngành, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội hóa dịch vụ công, chuyển giao dịch vụ công cho thị trường…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn (ảnh: Việt Bắc/VGP)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn (ảnh: Việt Bắc/VGP)

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các giải pháp, nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng chính sách, các Nghị quyết để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp.

Trong đó, chú trọng phát triển và áp dụng hiệu quả Chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên (đất đai, nước, khoáng sản...) được giải phóng, vận hành thông suốt, gia tăng dòng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh bền vững của doanh nghiệp; Hỗ trợ kiến tạo phát triển cơ sở hạ tầng cho sự đổi mới; Thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…

Phó Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cat-giam-it-nhat-20-chi-phi-tuan-thu-phap-luat-ve-hoat-dong-kinh-doanh-176626.html