Cắt giảm thêm hàng loạt thủ tục, tiếp sức doanh nghiệp vượt khó
Ngày 20-3, Văn phòng Bộ Công thương thông tin, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, Bộ Công thương sẽ tiếp tục cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tình hình hiện nay.
Trong 2 năm 2019 và 2020, Bộ Công thương tiếp tục là bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan này.
Ngay từ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 17-1-2020 về việc tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Qua các đợt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã cho thấy thay đổi mang tính lịch sử của ngành công thương, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục vì lợi ích của quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp. Việc các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hóa đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam.
Bộ Công thương cũng đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để thuận lợi hóa cho doanh nghiệp. Điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, thủ tục hành chính đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thái độ phục vụ doanh nghiệp của cán bộ công chức đã có chuyển biến tích cực.
Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…
Để cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới vẫn tiếp tục tiến trình cải cách theo sự chỉ đạo của Chính phủ, vì quyền lợi của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và quốc gia.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã ký công văn hỏa tốc về việc áp dụng thống nhất trên toàn quốc quy trình kiểm dịch y tế biên giới cho phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa. Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa không gây gián đoạn quá mức cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Để vừa thống nhất triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, phòng chống dịch bệnh, vừa tránh những tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong công văn ngày 20-3, Bộ Công thương đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và Bộ GTVT xây dựng ngay quy trình về kiểm dịch y tế biên giới đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không để thống nhất áp dụng trên toàn quốc theo hướng đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh nhưng cũng không gây ảnh hưởng quá mức cần thiết tới lưu thông hàng hóa qua biên giới. Sau khi có quy trình thống nhất, giao UBND các tỉnh biên giới (chủ yếu là biên giới phía Tây, Tây Nam) làm việc với chính quyền địa phương phía bạn để thống nhất áp dụng.