Cát khóc

Bà Được vẫn nhớ năm xưa, thằng Đủ lon ton níu ống quần bà theo lên thị trấn. Ông chồng hờ cầm chổi xương dừa rượt cả hai má con chạy có cờ. Hắn ta không chấp nhận bà bồng con của đời chồng trước tới ăn bám. Bà đành phải để thằng Đủ ở lại xứ cát mông mênh, mặc cho nó tha thiết gọi mãi 'má ơi'. Có người mẹ nào trên đời lại đành đoạn bỏ con. Nhưng đứng giữa thằng con trai tám tuổi và đứa con gái nằm nôi khóc ré lạc giọng, bà Được phải bấm bụng chọn một bên. Đi về phía nào cũng là nỗi đau xé lòng.

Chuyện thôn Túy Sa trúng đất làm xôn xao chợ xã, nóng rần rật còn hơn cái nắng bốn chục độ ngoài trời. Chủ đầu tư bao trọn gò Nhông để xây dựng nhà máy kỹ nghệ khoáng sản. Thời buổi này, cơn sốt dịch có thể dập tắt chớ cơn sốt đất vẫn hầm hập khắp nơi. Trong lời xì xào có người mừng, kẻ ganh. Gò Nhông rộng thênh thang, mỗi miếng mấy tỷ bạc. Trúng đất là được lên đời rồi, sẽ có chục cái nhà lầu dựng lên, xe máy rồ ga đầy đường, hoặc biết đâu họ chuyển hết lên thị trấn sống. Bà Được mừng khấp khởi, lọt tọt chạy vạy làm giấy tờ sổ đỏ. Đợi cầm số tiền bán đất trong tay, thằng Đủ con trai của bà sẽ được về nhà.

Nguyên cả Túy Sa, gia tài mấy chục đời chẳng có chi ngoài đất và cát. Thứ cát trắng khô ran chỉ có cây bụi mọc, cơn mưa nhỏ không đủ làm ướt, cơn mưa lớn chẳng đọng nổi nước. Cát bỏng rát mỗi mùa gió Lào hung hãn, cát tung trắng từ mái nhà. Cát lùa vào chén cơm nhai trèo trẹo. Cát tấp xót mắt hanh hao đời người. Chừng mười mấy năm trước, thôn họp bàn với trạm khuyến nông thực hiện mô hình nuôi nhông trên gò cát. Mọi người khoanh rào cắm tôn xây trại ngoài nổng và thả nhông đào hang quanh vườn. Bọn nhông bò dọc bò ngang cắn đuôi dí nhau chạy nên lũ con nít rất khoái. Bận đó, thằng Đủ hay câu trộm nhông trong trại người ta để bán cho các quán nhậu. Rồi có một đợt, bão về như muốn nuốt chửng làng quê, mưa xám trời, gió gào lên thổi tốc nhiều mái tôn bung đinh bựt thép bay phành phạch rẹt rẹt tứ phía. Con đường bê tông chạy ngang thôn bị nứt đôi, cong vồng lên ở giữa. Bọn nhông bò quanh trốn, sau dù ngớt mưa lặng gió chúng cũng bỏ xứ đi luôn chẳng về…

Bữa rày, việc trúng đất không có chi lạ đối với dân xứ này, nhưng họ luôn háo hức hóng hớt. Họ ngồi đợi tới lượt mình, họ mong ngóng hệt bao đời nắng hạn nổng cát khát mưa. Xóm trên bán đất, xóm dưới được đền bù giải tỏa, đều là tiền từ đâu đâu đổ về. Trước chừ là vùng hoang hóa khô cằn, cuộc sống lầm lụi trôi đi, tự dưng nay trở nên sốt hôi hổi. Trên nổng cát, những cây keo lá tràm mọc lên nhiều hơn, dùng để phân chia ranh giới đất. Keo nở bông vàng rực cứ như báo hiệu vùng cát trắng sắp biến thành vàng ròng.

*

Bà Được đập đập tay lên bắp vế, phủi hết đất rồi rời ruộng đậu phộng về nhà sau một ngày dài nhổ cỏ thuê. Cái dáng gầy mòn bởi tháng năm lúi húi bước từng bước chậm rì. Bầy cò đang cắm cúi vục chiếc mỏ dài vào bàu nước nhỏ, rỉa đám rễ cây lẫn bùn, nghe động liền quạc cánh bay vào bầu trời chiều đỏ thẫm phía Tây.

Thời gian im ắng chảy theo từng cơn gió hắt hiu. Chập choạng, leo lắt vài căn nhà ở xóm lên điện, rục rịch đỏ lửa, thoảng mùi thơm cá kho thịt xào. Ánh sáng dịu từ căn nhà bà Được chỉ đủ hắt ra ngoài hiên, chưa tới được khoảng cát mênh mông bao quanh. Một vùng cát vẫn trắng nhờ nhợ, cơ hồ cố níu chút sắc màu sót lại của một ngày.

Ngoài đường bắt đầu vắng teo, mịt mùng tối. Cổng ngõ mỗi nhà im ỉm, gà trên chuồng phành phạch vỗ cánh trở giấc, người cũng trải chiếu cột mùng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Loáng thoáng trong cơn gió lào xào vọng từ phía hàng dương liễu sau hè, có tiếng rên khóc dai dẳng, hòa vào tiếng nước chảy rủ rỉ của con lạch bên hông vườn. Mới đợt bão trước, nước dưới lạch ngầu đỏ, thì sang đầu mùa nắng, đáy đã được lọc trong bằng cát trắng. Con lạch hẹp, làm ranh giới chia tách mảnh vườn nhà bà Được với gò Nhông, nước chảy dài thông ra sông lớn, mùa khô nước chỉ xâm xấp. Nhiều bận phải ra đứng ngó lạch nước hồi lâu, bà Được mới thở nổi. Nước còn chảy, người vẫn phải sống tiếp.

Trước đây, bà Được hay he hé cửa ngóng đợi thằng Đủ, nhưng đợt này bà cột chặt cả cửa trước lẫn cửa sau bởi tối nào cũng lặp đi lặp lại âm thanh lạ lùng đó. Lúc the thé như giọng con nít, khi gai rợn hệt tiếng con mèo đực ngoao gọi cái. Cứ như nắm cát đằng sau hè đang rấm rứt khóc. Thỉnh thoảng chen thêm tiếng chó sủa cắn ma, tru lên mấy hồi thảm thiết.

Đèn bàn thờ thắp suốt đêm, có khi bật điện sáng choang nhà. Nhang khói nghi ngút phía trước bài vị ông chồng bà. Cái máy niệm Phật chút xíu bằng bàn tay đều đều tụng kinh ngay đầu giường không át được thứ âm thanh dị hoặc theo gió lọt qua khe hở cánh cửa nhà, thổi vào lòng người đàn bà hơn bảy chục tuổi một nỗi sợ hãi mơ hồ. Bà thử tắt máy tụng kinh và ráng lắng tai nghe, không gian trả lại bà sự lặng ngắt đáng ngờ. Rồi lại lóe xóe.

Kim đồng hồ lích kích nhỏ giọt. Đêm sâu hun hút. Người già vốn dĩ khó ngủ, tiếng ai oán lúc có lúc không càng khiến bà Được trằn trọc. Giấc ngủ đứt quãng. Mặc dù ban ngày bà đã treo nhánh xương rồng trước cửa nhà. Thậm chí bà đặt sẵn con dao dưới tấm chiếu, lá bùa xin ở chùa Nghiêm hồi tháng trước luôn ghim chặt nơi vạt áo.

Có khi nào là điềm báo gở. Tội nghiệt thằng Đủ gây ra, họ oán giận nên chừ tới khóc đòi. Nhưng bà đâu dám kể lể cùng ai. Chòm xóm còn trách cứ bà chuyện cũ. Sự xa cách vô hình được dựng lên nào phải ngày một, ngày hai.

*

Năm giờ sáng, mặt trời đã nhú ở phía hàng dương, trả lại màu trắng cho vùng cát miên man. Bà Được đội nón cời qua nhà ông Quéo. Đã có người xếp hàng bốc số từ trong nhà ra tận ngoài ngõ. Căn nhà cấp bốn xây ngang mái ngói mọc rêu chưa một lần mở cửa chính, đóng im ỉm bất kể sáng trưa, lễ Tết. Ông Quéo chỉ mở cánh cửa nhỏ bên hông, vừa đủ ba người chen ra chen vào. Từ ngõ ngó thẳng là thấy cửa, và thấy ông.

Ông Quéo ngồi trên chiếc ghế dựa xoay có đệm, sát tường, cạnh cửa sổ khung gỗ. Mái tóc chải vuốt ngược ra sau, lộ vầng trán cao lấm chấm đồi mồi. Hai bên má hóp lại, cái cằm gọn, môi mỏng dưới hàm râu lún phún bạc. Đằng sau cặp kính lão là hốc mắt sâu, tròng trắng hơi ngả đục, nhưng ánh mắt cực kỳ có thần. Hai chân ông không chạm đất, một chân để xếp bằng, một chân chống lên để chỗ dựa tay chống cằm. Cái bàn gỗ cao ngang ngực, khăn trải bàn nhựa kẻ caro đỏ phong cách thập niên hai ngàn. Trên bàn đặt chồng sách tử vi, phong thủy, xem tướng.

Bàn tay phải của ông Quéo bị tật ngón cái từ hồi mới đẻ, ngón tay gập lại như cò súng, cứng đơ, sưng cục u sần ở khớp ngón, không duỗi ra được. Quéo kệ quéo, có tật có tài. Cái tài của ông Quéo hiếm lắm, tài bói chỉ tay, giò gà. Ông phán đâu trúng đó. Nhiều kẻ lội bảy, tám chục cây số kiếm nhà, chờ tới tối mịt để coi chuyện gia sự. Mỗi người tùy tâm bỏ phong bì cho ông năm, bảy chục ngàn.

Gần tám chục tuổi, ông Quéo một mình ra vào trong căn nhà cũ xì cũ mốc, nền nhà tráng xi măng lỗ chỗ, tường nứt vằn vện. Ông có mấy trăm mét vuông đất nằm ngoài gò Nhông. Cả xóm Túy Sa chỉ có ông không chịu bán đất, nhất quyết không. Mỗi lần chủ đầu tư tới làm việc, ông toàn cầm chổi quét nhà. Trà nước chẳng rót, chỉ có dăm ba câu Kiều rót vào tai: “Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”. Ông đâu cần tiền, nhìn cái nhà ba tầng hoành tráng của thằng con trai cả bên cạnh là biết. Đất của ông để nhông bò, chó chạy chơi chớ bán mua làm chi.

Ông Quéo coi chỉ tay rất kỹ, cầm tay nắn tới nắn lui cả tiếng. Xen giữa dăm câu “thiên cơ”, ông Quéo còn bàn chuyện đời, nói hay hệt người ta hát. Như đợt ông biểu bà xóm bên, đã là con mình rứt ruột đẻ ra, gái hay trai đều phải thương như nhau. Trai được cho đất cất nhà thì gái cũng nên chia của gả chồng. Đợi nằm một chỗ, ăn uống vệ sinh tại giường rồi mới biết con nào hiếu con nào không. Cứ bênh con trai chằm chặp, khéo có ngày bị đuổi ra đường.

Chính vì rành rẽ lẽ đời, ông Quéo rất được lòng những người tới xem bói. Có khi người ta tới chỗ ông chỉ vì muốn kiếm nơi để trút hết những hoang mang chẳng biết giãi bày cùng ai. Để được động viên một chút khi niềm tin bị hao hụt. Để nghe ông nói mấy câu mát lòng dạ. Kiểu như cứ ráng sống tốt đi, đợi bữa sau trời đãi. Lộc sẽ tới bất thình lình nhờ những lần gieo phước đức. Cái chi của mình, đi một vòng cũng quay lại tay mình, muốn tránh không được. Còn tìm cách giành giựt cho lắm, của thiên rồi sẽ trả địa.

Năm tê năm tề, trước khi xảy ra chuyện của thằng Đủ, ông Quéo đã dặn bà Được phải canh chừng thằng con trai. Con thiếu cha như nhà không nóc, làm việc chi đều cần cẩn thận dò từng bước. Gặp tuổi bị chiếu sao Thái Bạch sạch cửa sạch nhà, trúng hạn Thiên Tinh dễ mắc phải họa lây ngục hình. Thằng Đủ đâu nghe, dăm ba thứ bói toán vớ vẩn, mượn danh cõi trên để dọa ai chớ không đụng được thằng này. Ai biết là thầy phán hay người mưu mô. Đủ không ghét kẻ mê tín, thứ Đủ căm là việc má nó tin và nghe theo ông Quéo chằm chặp. Ông Quéo nói muốn khô nước miếng, y như rằng, tháng năm âm lịch, thằng Đủ xảy ra chuyện.

*

Bà Được vẫn nhớ năm xưa, thằng Đủ lon ton níu ống quần bà theo lên thị trấn. Ông chồng hờ cầm chổi xương dừa rượt cả hai má con chạy có cờ. Hắn ta không chấp nhận bà bồng con của đời chồng trước tới ăn bám. Bà đành phải để thằng Đủ ở lại xứ cát mông mênh, mặc cho nó tha thiết gọi mãi “má ơi”. Có người mẹ nào trên đời lại đành đoạn bỏ con. Nhưng đứng giữa thằng con trai tám tuổi và đứa con gái nằm nôi khóc ré lạc giọng, bà Được phải bấm bụng chọn một bên. Đi về phía nào cũng là nỗi đau xé lòng.

Từ bận đó, tim bà Được như chia làm hai nửa. Bà ước giá mình có thể phân thân để chăm sóc chu toàn cho cả hai đứa con.

Giữa những buổi chợ, bà Được tranh thủ đạp xe xuống nhà cũ để giặt mớ quần áo bốc mùi, nấu nồi cơm kho nồi cá, mua thùng mì gói, sắm ít đồ dùng học tập cho thằng Đủ. Có chút chi bà đều dấm dúi để phần cho thằng con trai thiếu vắng bàn tay chăm sóc của ba má ruột, chồng bà bắt gặp lần nào là bà bầm mặt tím mắt rách môi lần đó. Nhiều hồi ổng dọa sẽ giết con gái xong uống thuốc rầy tự tử nếu bà còn lén về thăm Đủ. Dù muốn bồng con bé chạy trốn thì mần răng dắt theo thằng Đủ khi nó giãy nảy vùng vằng. Rồi biết đi đâu về đâu…

Năm dài tháng rộng, căn nhà trống hoác gió thổi tứ phía đã khoét vào lòng thằng Đủ một hố sâu, và lấp đầy lại bằng những hạt cát xót rát làm dày lên nỗi căm phẫn tột cùng. Hệt như xứ cát mùa nắng hạn, cát bỏng bàn chân bỏng luôn lòng người. Con bé út lớn lên trong bấy nhiêu câu rủa xả cay nghiệt của ông chồng, mưa dầm thúi đất, cũng học theo thói la ó văng tục với bà Được. Con bé trách bà ham buổi chợ bỏ nó cho chó rượt, tại bà về nhà cũ nấu cơm cho thằng Đủ nên nó mới bị phỏng lửa. Lần phỏng lửa đó quả thật đã phỏng cả tuổi thơ, tạo nên vết thương mà có khi dùng cả đời chẳng thể chữa lành nổi.

Ngày đứa con gái bỏ nhà theo trai qua tận bên Cam, bà Được như chết lặng. Bà quay lại khu vườn xưa, thằng Đủ ra đón bằng ánh mắt vằn lửa tưởng như đốt cháy vạt cát trắng trước nhà. Đủ nhếch môi khinh khỉnh.

- Chồng đuổi hở? Đáng kiếp!

Câu nói ngắn đanh sắc nhọn đâm thẳng vào da thịt bà Được, buôn buốt. Thằng Đủ cho má ở lại nhà, là để dằn vặt bà. Thằng Đủ chơi trò im lặng. Nó ngậm chặt miệng khi bà Được hỏi chuyện, thay vào đó dậm cái chén xuống bàn nứt mẻ, lia cái ghế vào tường gãy lệch, quẳng cái rựa sượt qua chân bà chảy máu. Gió Lào quạt lửa, cát cháy, mà trong nhà lạnh lẽo như băng. Ngoài tiếng thở của bà Được, chiếc đồng hồ len lén chạy như sợ món đồ nào đó thằng Đủ lỡ tay ném ra bay lạc hướng sẽ đập bể nát cái kim giờ kim phút.

*

Thằng Đủ trước đây là thợ đụng, ai kêu chi làm nấy, không làm thuê ở đâu được lâu. Phụ sửa máy cho tiệm ở gần đường quốc lộ được dăm bữa, cầm nón bảo hiểm đập đầu khách nên chủ đuổi. Đi trông xe ở chợ xã được mấy hôm, vứt tàn thuốc làm phựt cháy xe của khách. Qua thôn bên phụ hồ được vài tuần, cãi nhau rút giàn giáo khiến thợ khác té gãy tay. Chỉ có đá gà là nó chuyên tâm, đi hết thôn này tới thôn khác rủ rê bọn cà lơ phất phơ lập nhóm cá độ. Có vẻ Đủ thắng tiền cược không ít. Nó cưng con gà chiến như người ta chăm con mọn, đút ăn, thay nước uống, lau rửa vuốt vuốt bộ lông mướt mượt, ôm ngang ngực ghé tai thủ thỉ. Con gà chọi hung hăng dữ dằn như chủ, có lần dùng cựa sắc cứng đá móc mấy cú chảy máu mõm chú chó mực hoang đang mon men sau hè xin cục xương. Nhìn con chó ẳng ẳng cụp đuôi chạy biến, bà Được hơi rén nên chẳng dám lại gần.

Đang mê đá gà, tự dưng một bữa thằng Đủ bỏ ngang. Trong câu chuyện mắm muối dưa cà của buổi chợ xã, bà Được nghe người ta bàn tán về vụ trộm cát. Bao nhiêu thứ có giá trị trên đời này không trộm, trộm cát trắng về làm chi. Cát để xây nhà, cát đổ bể bơi, cát làm sân chơi cho tụi trẻ con… Hóa ra cát trắng có thể biến thành tiền, rất nhiều tờ tiền polymer xanh đỏ.

Nổng cát bị cày xới, khoét thành những hố khoắm sâu, khoét sát rạt vào mồ mả, khoét trơ gốc dương liễu, khoét bật rễ keo lá tràm, khoét hốc mắt bà Được hoăm hoắm mỗi tối thằng Đủ vắng nhà. Bà Được rời xứ đi hai mươi mấy năm, bị chòm xóm chỉ trỏ là tham đó bỏ đăng. Chỉ bà mới hiểu, ánh mắt bà luôn thao thiết hướng về vùng cát này. Nay thằng con trai bà khoét vào da thịt của thôn quê, cứ như con chuột đào sụp tường nhà đè lên bà đau điếng.

Bà Được khụy chân xuống đất, hai tay chắp lại xoa vào nhau rơm rớm. Má xin con, con thương má thì đừng làm rứa nữa, thất đức lắm con. Đừng đụng vô “nhà họ” con ơi…

Đủ dùng nửa con mắt ngó đôi bàn tay già nua đang run run bấu chặt ống quần, hất chân bước đi dứt dạt. Thất đức quái chi, chỉ là cái gò mả thôi mà. Thứ già rồi trở chứng! Cơn gió khuya khoắt thổi hạt cát bay vào nhà, cay xốn mắt quặn thắt lòng. Bữa đó trời ít mây, chừng sắp rằm, ánh trăng chiếu sáng cả vùng cát trắng lạnh lẽo xung quanh.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Một hố cát bị khoét sâu trũng đọng mưa làm con bé bốn tuổi trong xóm sặc nước đi cấp cứu. Ba má con bé rình canh cả tuần, báo chính quyền bắt gọn bọn trộm cát. Họ làm ầm lên, đòi bồi thường, đòi kiện Đủ đi tù. Bà Được gọi sang Cam mượn tiền con gái út. Nó xẵng giọng:

- Thằng chả đi tù thì liên quan chi tui. Phiền quá đừng gọi nữa nghe!

Đủ vay nóng của bọn đâm thuê chém mướn trăm mấy chục triệu để nộp phạt, trả tiền thuốc men cho người ta. Xong thời gian quản giáo, nó bị bọn chủ nợ bắt theo vào miền trong làm đàn em bạt mạng.

Từ ngày thằng Đủ đi, căn nhà thông thống gió, những hạt cát cồm cộm mãi trong lòng bà Được. Bữa quanh quẩn buổi chợ xã, nghe tin có chủ đầu tư dự án sắp mua gò Nhông kéo từ hàng bạch đàn tít bên kia tới hết miếng đất sau hè, bà Được mừng quýnh, hai chân quýu vào nhau suýt té.

*

Sau một hồi coi nghía soi xét cặp giò gà khô cong co quắp, ông Quéo hắng giọng. “Đỏ mà gân máu nổi loang/ Là điềm tán của tan hoang cửa nhà”. Rồi ông nắn tới lui hai bàn tay chai sần chằng chịt đường chỉ của bà Được, lắc đầu. Lụy phiền đến nơi, quỷ ma quấy phá tâm mình chẳng an. Sau hè nhà bà ắt có cái vong chết oan nghiệt. Nắm đất nhô gồ lên bị san bằng dần do gió thổi cát bay. Mồ vô chủ từ thời kháng chiến, có thể là bị phe địch vùi ở đó. Mấy chục năm bà Được không cúng kiếng chi nên “nó” quậy banh nhà. Chừ muốn yên ắng bán được đất, phải hốt cốt đem chôn cất nơi khác cho đàng hoàng. Ông Quéo dặn bà đừng mở tụng kinh đêm khuya nữa, càng tụng trì vong tà càng kéo đến quấy phá. Cứ ăn uống ngủ nghỉ bình thường, chỉ cần tâm an lòng an thì hết thảy mọi việc đều an. Bà Được thở hơi ra. Miếng đất rộng rứa, biết người nằm nơi nao mà đào chuyển.

Bà chuẩn bị mâm cúng đơn giản, trái cây, cháo trắng, xôi, thịt, bánh kẹo, muối gạo, giấy áo, giấy tiền, hương đèn, hạt nổ. Ông Quéo được vời về đọc bài khấn lễ cúng, bà ở một bên cạnh chắp tay vái lạy. Nếu không phải trước đây nhận ân tình từ chồng cũ của bà, ông Quéo chẳng tốn công rời khỏi chiếc ghế xoay êm ái ngồi chân không chạm đất. Phải quẹt thùng diêm mấy lần mới đốt hết xấp giấy tiền vàng bạc. Giấy vừa ngun ngún lửa, gió đã thổi tắt, bụi tro bay tứ tung hòa lẫn với bụi cát. Liệu họ có chứng cho không …

Mâm đồ lễ chỉ làm nguôi lòng cõi âm được một, hai hôm. Qua đêm thứ ba, bà Được lại tiếp tục nghe tiếng cát khóc từ hàng dương liễu theo gió vọng vào. Lúc the thé rin rít, lúc sụt sịt rên rỉ. Đêm dài rờn rợn. Hay họ muốn ép bà tới mức phải bỏ xứ đi. Bà đâu còn nơi chốn dung thân nào khác. Bà đi rồi ai sẽ nhang khói cho ông chồng cũ, ai ở đây đợi thằng Đủ quay về. Bên này cát oán thán, bên kia chủ đầu tư biến mất tăm dạng. Mấy tháng trời, dự án vẫn đứng hình, chẳng thấy rục rịch chi…

*

Bà Được tính bụng sẽ qua xã bên vời thầy về hốt cốt. Nghe đâu, ông thầy đó có thanh kim loại ánh bạc thần kỳ lắm, một đầu hướng xuống đất bị bẻ vuông góc, gắn với sợi dây kẽm và thiết bị chi đó lằng nhằng. Ổng cầm đầu còn lại của thanh kim loại kẹp vào nách, đi rà khắp trên mặt đất. Đầu kim loại bị bẻ tự động xoay tít vòng tròn hướng về chỗ nào, tức là nơi đó có vùi xương cốt người chết. Ổng hành nghề hốt cốt từ mấy chục năm trước, đợt này hiếm người tìm đến nữa.

Chưa kịp đi mời thầy, tin từ chợ xã làm bà choáng váng. Chiều tối đó, cả thôn Túy Sa bỏ ăn. Chén cơm lẫn cát nhai sạn răng. Nghe nói công ty kỹ nghệ bị điều tra do sai phạm thuế và gây ô nhiễm bụi. Người ta đồn, dân xã bên đang cầm cuốc xẻng đòi đập nát công ty kỹ nghệ bởi bụi cát phủ kín nhà cửa. Lạ đời, chính họ dẫn bọn kia về cày xới mảnh đất quê, còn trách chi ai. Họ ho nhiều lắm, mặt mũi trắng nhợt cả ra. Xe cẩu đào múc cát đi, khoét luôn vào bầu không khí trong lành vốn có bao năm qua của thôn quê. Chỉ để lại bụi và những hố ứ đầy nước mưa. Bây chừ, không chỉ cát trắng mà trời cũng trắng…

Đêm rơi vào lặng lẽ.

Bà Được thấy cả người nặng như chì bởi đống tơ vò rối rắm trong đầu. Trời ép bà quá. Hay như ông Quéo nói, đừng tham của từ trên trời. Số đất cát này chẳng phải của bà, bao đời tổ tiên ông chồng cũ vẫn để yên nó ở đó, chưa từng đụng tới. Như nổng cát ngoài kia, thằng Đủ không cày xới thì đâu gây tai họa. Phải chi chồng cũ của bà đừng chết sớm, phải chi hồi đó bà đừng bỏ thằng Đủ mà lên thị trấn, để nó có đầy đủ tình thương lo lắng của ba má, chắc chuyện đâu nên nỗi. Hay phải chi thằng chồng mới đừng quậy như âm binh, bà vừa chăm con gái út, vừa lo con trai lớn, có khi mọi việc sẽ khác. Bà chỉ muốn mấy năm cuối đời được bù đắp cho thằng Đủ. Nấu bữa cơm, rót ly nước, giặt thau đồ, treo cái mùng, những việc tưởng chừng như đơn giản mà khi Đủ còn nhỏ, bà đã không làm được cho nó. Bà chỉ muốn thằng con trai lại gọi tiếng “má ơi” một lần.

Hạt cát cộm mắt bà Được, xốn rát. Những giọt nước mắt xô ép nhau chảy xuống từ khóe lăn dài trên làn da đồi mồi nhiều nếp gấp. Mấy chục năm trời, bà Được đã khóc quá nhiều, cứ nghĩ phải tới hồi cạn nước mắt. Trong căn nhà đóng kín cửa ánh điện sáng choang, một người một bóng run lên nức nở. Hàng dương liễu nơi lạch nước lặng im nghe.

Đêm dài thêm bởi những chua chát mặn đắng nơi cổ họng bà Được. Bà dường như quên luôn tiếng kim đồng hồ chảy trôi, tới nỗi mặt trời mọc lúc nào không hay.

Bà Được mở cửa ngó ra ngõ, thêm một ngày thằng con trai chưa về. Khuya qua bà đã nghĩ kỹ, từ rày bà phải kiếm thêm việc làm mướn. Bà vẫn không đành lòng phó thác phận số cho ông trời. Bà phải đợi bằng được thằng Đủ về để dạy dỗ nó nên người dù có muộn còn hơn không.

Phía gò Nhông, gió vun vút thổi từng đợt, tấp đám cát lên đầu ngọn cỏ khô, bụi bay dưới nắng hết mờ lại sáng. Lẫn trong tiếng gió, những con chim chích lích rích reo trên cành keo xanh lá…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/cat-khoc-i696206/