Cắt nguồn khí đốt tới EU, chiến thuật 'chia để trị' của Nga, nước nào vào tầm ngắm?

Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria nhằm trừng phạt những nước muốn loại bỏ khí đốt của Moscow. Điểm chung giữa hai quốc gia EU là đều quyết định không gia hạn hợp đồng khí đốt với Moscow từ tháng 12 năm nay.

Đường ống tại trạm phân phối khí đốt ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. (Nguồn: Reuters)

Đường ống tại trạm phân phối khí đốt ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. (Nguồn: Reuters)

Nga bắt đầu cuộc “phản công” lớn nhất nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách cắt dòng khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria vào ngày 27/4.

Động thái của Gazprom, nhà cung cấp khí đốt độc quyền Nga, đã làm chao đảo thị trường khí đốt toàn cầu, đẩy giá lên cao hơn và đưa ra lời nhắc nhở về việc Điện Kremlin sẵn sàng ngừng xuất khẩu năng lượng tới châu Âu.

Cùng với việc gia tăng lo ngại về an ninh năng lượng của khối, quyết định của hai quốc gia thành viên EU khi từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble (thông qua các tài khoản đặc biệt mở tại Gazprombank), cộng thêm sự kiện Nga ngừng cấp khí đốt đã đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết của châu Âu trong việc đối đầu với Moscow.

Tại sao lại xảy ra vào lúc này?

Cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các đơn vị mua khí đốt tại những quốc gia "không thân thiện", bao gồm tất cả các nước thuộc EU, phải thiết lập tài khoản ngoại tệ và đồng Ruble với ngân hàng Gazprombank ở Thụy Sỹ để thanh toán tiền cho Nga. Biện pháp này được coi là nhằm vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của EU đối với Ngân hàng Trung ương Nga.

Kể từ đó, cuộc tranh luận đã nổ ra về việc liệu kế hoạch này - trong đó người mua trả tiền mua khí đốt bằng cách gửi Euro hoặc USD vào ngân hàng Gazprombank, sau đó chuyển đổi chúng thành Ruble - có vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow và các hợp đồng cung cấp khí đốt hay không.

Các hợp đồng cung cấp khí đốt quy định đơn vị tiền tệ thanh toán là Euro và USD cho hầu hết các quốc gia ở châu Âu.

Yêu cầu của ông Putin là người mua khí đốt Nga phải trả tiền bằng đồng Ruble. Cuộc tranh luận về yêu cầu của Moscow, sử dụng Gazprombank (ngân hàng được EU loại trừ khỏi các lệnh trừng phạt), tập trung vào việc liệu thanh toán theo cách này có phải là thanh toán bằng đồng Ruble hay thanh toán bằng ngoại tệ?

Yêu cầu của Nga có hiệu lực bắt đầu ngày 1/4. Ba Lan và Bulgaria, hai trong số các nước EU ủng hộ mạnh mẽ nhất việc nhanh chóng cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã tình cờ trở thành những nước đến hạn thanh toán sớm nhất, theo quy định trong hợp đồng đã ký với Moscow.

Ba Lan và Bulgaria bị ảnh hưởng gì?

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, Ba Lan và Bulgaria nhập khẩu một lượng lớn khí đốt của Nga, lần lượt chiếm 45% và 80% nhu cầu. Các hợp đồng cho phép họ nhập khẩu tới 13 tỷ m3 khí đốt của Moscow, tương đương khoảng 8% lượng khí đốt Nga bán cho EU vào năm ngoái.

Tuy nhiên, việc ngừng cung cấp khí đốt được cho là sẽ không gây ra vấn đề nghiêm trọng cho cả hai quốc gia vì nhu cầu giảm trong mùa Xuân, khi thời tiết ấm áp hơn.

Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ, cho biết: “Điều này sẽ không có vấn đề trong ngắn hạn đối với cả hai nước”.

Ba Lan hiện có lượng lớn khí đốt dự trữ sau khi nước này tiếp cận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định, đất nước của ông có thể đối phó khi không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Bulgaria và Ba Lan đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow, đồng thời lên kế hoạch cho các hợp đồng của họ với Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Theo đó, Warsaw đã mở rộng một nhà ga LNG tại cảng Swinoujscie ở Baltic và một tuyến đường ống vận chuyển mới với Lithuania sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng Năm tới. Một đường ống dẫn khí đốt nối Ba Lan với các mỏ của Na Uy, công suất hằng năm là 10 tỷ m3, cũng sẽ khai trương vào tháng 10 năm nay.

Trong khi đó, một đầu nối đường ống mới giữa Bulgaria và Hy Lạp, đưa nguồn cung khí đốt từ Azerbaijan, sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng Bảy tới.

Cả hai quốc gia cũng có thể tìm nguồn cung từ các “trung tâm” khí đốt thương mại của châu Âu - thậm chí có khả năng bao gồm cả khí đốt nguồn gốc từ Nga.

Danh sách nước nào tiếp theo?

Theo hợp đồng giữa Gazprom và khách hàng, lịch trình thời hạn thanh toán tiền mua khí đốt được giữ bí mật. Nhưng các quan chức Nga cho biết, hầu hết các công ty sẽ phải đối mặt với thời gian khó khăn vào tháng Năm khi khoản thanh toán cho khí đốt được giao vào tháng Tư đến hạn.

Sự chú ý của giới quan sát hiện đã chuyển sang phản ứng của Đức và Italy, hai nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của lục địa này. Các tập đoàn Uniper ở Đức và Eni ở Italy, hai trong số những khách hàng mua khí đốt Nga lớn nhất châu Âu, cho biết thời hạn thanh toán của họ là gần cuối tháng Năm.

Giới chức Đức cho biết, họ tin rằng có thể áp dụng phương thức thanh toán tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU. Berlin sẽ thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng Euro chứ không phải bằng đồng Ruble, sau đó việc chuyển đổi tiền sẽ phụ thuộc vào Gazprom.

Ngày 27/4, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý về cách tiếp cận này với EU và chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường này”.

Các nhà phân tích cũng nghi ngờ liệu việc ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng lớn nhất có mang lại lợi ích cho Moscow hay không.

Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại ICIS, một công ty dữ liệu hàng hóa, cho biết: “Việc cắt giảm khí đốt, theo quan điểm của Nga, có tác động đáng kể đến doanh thu”.

Ông Andrei Belyi, trợ giảng về luật và chính sách năng lượng tại Đại học Đông Phần Lan, cho biết, việc cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria là “một hành động nhằm trừng phạt những nước muốn loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga vào năm 2022. Điểm chung giữa Bulgaria và Ba Lan là cả hai đều quyết định không gia hạn hợp đồng khí đốt với Moscow từ tháng 12 năm nay”.

Động thái của Nga đã làm chao đảo thị trường khí đốt toàn cầu, đẩy giá lên cao hơn và đưa ra lời nhắc nhở về việc Điện Kremlin sẵn sàng ngừng xuất khẩu năng lượng tới châu Âu. (Nguồn: Shutterstock)

Động thái của Nga đã làm chao đảo thị trường khí đốt toàn cầu, đẩy giá lên cao hơn và đưa ra lời nhắc nhở về việc Điện Kremlin sẵn sàng ngừng xuất khẩu năng lượng tới châu Âu. (Nguồn: Shutterstock)

Giá khí đốt bị ảnh hưởng thế nào?

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng tới 20% vào đầu phiên giao dịch hôm 27/4, trước khi chốt giao dịch ở mức cao hơn 10%, với 108 €/MWh.

Giá khí theo hợp đồng có xu hướng thấp hơn giá thị trường giao ngay và thường được cập nhật hằng tháng. Điều đó có nghĩa là nguồn cung cấp khí đốt của Nga có thể rẻ hơn đáng kể so với việc nhập khẩu LNG khi giá giao ngay tăng cao.

Giám đốc điều hành của Uniper Niek den Hollander cho biết, tác động thị trường sẽ không lớn nhưng thừa nhận thị trường đang “lo lắng” và đây là một “tín hiệu tăng giá”.

EU sẽ làm gì?

Ngày 27/4, trước việc Nga ngừng cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cáo buộc Moscow sử dụng khí đốt làm “công cụ tống tiền”.

Tuy nhiên, EU đã phải vật lộn để đưa ra câu trả lời dứt khoát về việc liệu các công ty và quốc gia thành viên có nên tuân thủ cơ chế mới của Tổng thống Putin hay không.

Một tài liệu hướng dẫn về thanh toán được công bố vào ngày 22/4 cho biết, cơ chế thanh toán của Nga có thể tuân thủ các hợp đồng theo một số điều kiện, miễn là các công ty đã nêu rõ rằng nghĩa vụ thanh toán của họ kết thúc sau khi tiền được gửi vào tài khoản ngoại tệ.

Hungary đã đưa ra những dấu hiệu mạnh mẽ nhất, rằng họ sẽ tuân thủ yêu cầu của Moscow về việc áp dụng cơ chế thanh toán mới, trong khi Đức, Áo và Slovakia chỉ ra rằng họ cũng có thể làm tương tự.

Tuy nhiên, bất chấp hướng dẫn kỹ thuật của Ủy ban châu Âu, bà Von der Leyen cảnh báo, các công ty không nên thiết lập tài khoản tại Gazprombank như Điện Kremlin yêu cầu.

Bà nói: “Khoảng 97% các hợp đồng quy định rõ ràng việc thanh toán bằng Euro hoặc USD. Việc phía Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble là một quyết định đơn phương và không theo hợp đồng. Các công ty không nên tuân theo các yêu cầu của Moscow".

Mặc dù vậy, với việc các quyết định dường như được giao cho các công ty và quốc gia riêng lẻ, các nhà phân tích nói rằng động thái của Điện Kremlin nhằm chia rẽ châu Âu và đẩy lùi các lệnh trừng phạt.

Nhà tư vấn cấp cao Tagliapietra nói: “Đây là một chiến lược ‘chia để trị’ đầy đủ. Nga muốn chia cắt châu Âu càng nhiều càng tốt. Vấn đề quan trọng đang bị đe dọa ở đây là sự thống nhất và đoàn kết của châu lục này".

(theo jnews.uk)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cat-nguon-khi-dot-toi-eu-chien-thuat-chia-de-tri-cua-nga-nuoc-nao-vao-tam-ngam-181791.html