Cát Tiên: Tiếp tục phối hợp, xử lý có hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai, UBND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và UBND huyện Bù Đăng (Bình Phước) tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản (cát) trên sông Đồng Nai, nhất là đoạn giáp ranh hai huyện.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, thời gian qua, công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai được các địa phương quan tâm chú trọng, triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Theo đó, các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác quản lý và xử lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai theo nội dung chỉ đạo của UBND 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước về việc thống nhất chỉ đạo công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai thuộc giáp ranh địa bàn ba tỉnh; Thông báo số 349/TB-UBND ngày 22/6/2020 của UBND hai tỉnh Lâm Đồng - Bình Phước, kết luận tại cuộc họp về nội dung thống nhất việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước; Văn bản số 905/UBND-TNMT ngày 3/10/2019 của UBND ba huyện Tân Phú, Cát Tiên, Bù Đăng về việc thống nhất chỉ đạo công tác kiểm tra, quản lý khai thác cát trên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn giáp ranh ba huyện…
Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về luật khoáng sản; công tác kiểm tra giám sát khai thác khoáng sản trên địa bàn được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đến nay, huyện Cát Tiên đã giải tỏa dứt điểm 5 điểm khai thác cát hoạt động trái phép trên địa bàn; kiểm tra, xử lý 17 đối tượng vi phạm với số tiền phạt trên 800 triệu đồng; tịch thu nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai…
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng của hai huyện Cát Tiên và huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời trong công tác xử lý các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, nhất là tại địa bàn các xã, thị trấn giáp ranh như Phước Cát 2, thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; xã Đăng Hà, xã Thống Nhất, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, UBND hai huyện cũng thành lập và thường xuyên kiện toàn tổ phản ứng nhanh tại chỗ, thống nhất các xã giáp ranh cùng nhau phối hợp xử lý khi phát hiện có khai thác, bơm hút, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn giáp ranh hai huyện.
Đặc biệt, khi gặp khó khăn báo cáo nhanh cho lãnh đạo hai huyện Cát Tiên, Bù Đăng để chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra, xử lý; thiết lập nhóm zalo chung của hai huyện gồm (các thành viên tổ phản ứng nhanh các xã, thị trấn; các phòng, ban; lãnh đạo hai huyện) để cung cấp trao đổi thông tin và phối hợp xử lý kịp thời, không phân biệt địa giới hành chính…
Cụ thể, UBND các xã, thị trấn giáp ranh như Đăng Hà, Thống Nhất, Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; Phước Cát 2, thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng tiến hành giải tỏa, xử lý dứt điểm các bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn các xã Đăng Hà, Thống Nhất, Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép hoặc để tồn tại các bãi tập kết cát trái phép thì Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Đồng thời, tiếp tục thành lập hoặc duy trì tổ phản ánh nhanh xử lý tại chỗ, thống nhất các xã giáp ranh cùng nhau phối hợp xử lý khi phát hiện việc khai thác cát trái phép trên địa bàn giáp ranh 2 huyện theo phương châm “cùng nhau hỗ trợ, cùng nhau xử lý, không phân biệt địa giới hành chính”. Vận động Nhân dân địa phương không tham gia, tiếp tay cho hoạt động khai thác cát trái phép; tuyên truyền cho người dân sống gần khu vực khai thác cát không bán đất cho doanh nghiệp để phục vụ cho việc làm các bãi tập kết cát; mạnh dạn cung cấp thông tin, tố giác tội phạm cho cơ quan công an khi phát hiện hành vi vi phạm về khai thác cát trái phép để góp phần đấu tranh, đẩy lùi tội phạm.
Riêng Công an 2 huyện thường xuyên cử trinh sát tác nghiệp tại các điểm có nguy cơ cao mà các đối tượng sẽ khai thác cát trái phép để lập chuyên án triệt phá và xử lý theo quy định; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc cát trái phép. Thành lập các chốt kiểm tra, kiểm soát và xử lý các xe vận chuyển cát trên các tuyến đường lưu thông giữa 2 huyện.
Phòng Kinh tế và Hạ tầng 2 huyện đề nghị Sở Giao thông Vận tải 2 tỉnh phối hợp tổ chức kiểm tra tất cả các phương tiện đường thủy có trang thiết bị bơm hút cát không phép neo đậu dọc tuyến sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh 2 huyện để xử lý theo quy định; kiên quyết trục xuất các phương tiện này ra khỏi khu vực. Phòng Tài nguyên và Môi trường 2 huyện tham mưu, xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện; trao đổi kinh nghiệm trong việc xử lý, giải tỏa các bãi tập kết cát trái phép.