CATP Hà Nội làm tốt công tác điều tra, đấu tranh với tội phạm khai thác cát trái phép
Theo giám sát bằng hình ảnh của HĐND TP, CATP Hà Nội đã làm tốt công tác điều tra, đấu tranh với các đối tượng nghi vấn bảo kê, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản và kinh doanh bến bãi. Tại một số quận, huyện liên quan, việc xử lý vi phạm cơ bản được thực hiện nghiêm túc, giúp hạn chế các vi phạm tại địa phương…
Ngày 8-12, trong ngày làm việc thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã bắt đầu phiên chất vấn đối vơícông tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông.
CATP làm tốt công tác điều tra, đấu tranh
Theo giám sát bằng hình ảnh của HĐND TP, CATP Hà Nội đã làm tốt công tác điều tra để đấu tranh đối với các đối tượng nghi vấn bảo kê, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản và kinh doanh bến bãi.
Ngoài ra, CATP Hà Nội đã ký quy chế phối hợp hoạt động với công an 7 tỉnh, thành phố lân cận và phối hợp giữa các đơn vị thuộc lực lượng cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông để xử lý vi phạm về cát sỏi, lòng sông. Tại một số quận, huyện, việc xử lý vi phạm cơ bản được thực hiện nghiêm túc, giúp hạn chế các vi phạm tại địa phương…
Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép, hay còn gọi là “cát tặc” mặc dù đã được các cơ quan chức năng xử lý, song vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Vì đây là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận nên không ít người vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình khai thác khi không được phép để trục lợi bất chính, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Theo thống kê của CATP Hà Nội, hiện vẫn còn 13 điểm phức tạp về khai thác cát trái phép gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, làm thất thoát tài nguyên và thất thu nguồn ngân sách Nhà nước.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu HĐND TP về giải pháp xử lý, ngăn chặn tội phạm "cát tặc" trong thời gian tới, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP có 7 tuyến sông chính giáp ranh với 8 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam.
Cụ thể, tuyến sông Đà chảy qua địa bàn huyện Ba Vì dài 10km;, tuyến sông Hồng dài 163km chảy qua các quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm…; tuyến sông Đuống dài 26 km trải dài trên các địa bàn: Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm; tuyến sông Cà Lồ dài 62 km chảy qua các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn... Trên các tuyến sông này, có các đối tượng hoạt động lén lút tại khu vực giáp ranh để khai thác cát, sỏi.
Hàng năm, CATP Hà Nội đều có kế hoạch, yêu cầu các đơn vị từ quận, huyện, thị xã phải tiến hành điều tra cơ bản liên quan đến mọi lĩnh vực trong đó có nội dung khai thác cát sỏi.
Qua điều tra cơ bản, CATP Hà Nội được biết, thành phố còn 13 điểm phức tạp liên quan đến khai thác cát, gồm: Ba Vì (2 điểm), Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ (1 điểm), Gia Lâm (3 điểm), Đông Anh (2 điểm). Tính đến tháng 11-2020, TP đã cấp 14 giấy phép hoạt động khai thác cát, khoáng sản tình trạng khai thác cát, khoáng sản có hiệu lực. Ngoài ra, có 8 tổ chức được cấp phép khai thác cát nổi trên sông Hồng.
Về bãi tập kết, thành phố có 207 bãi tập kết kinh doanh khoáng sản đang hoạt động. Trong đó có 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động tại 15 quận, huyện, thị xã gồm: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.
Liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định của pháp luật về khai thác cát, Phòng Cảnh sát môi trường, Đội CSGT Đường thủy (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) chịu trách nhiệm.
Thời gian qua, CATP Hà Nội đã phát hiện 97 vụ, 139 đối tượng, khởi tố 8 vụ. Điển hình là ngày 26/5, CATP Hà Nội đã lập chuyên án và bắt giữ 13 tàu cát, 8 tàu hút, có 34 đối tượng đang khai thác cát, thu giữ 1.500 m3 cát. Qua thu giữ, củng cố chứng cứ, lực lượng Công an đã khởi tố, tạm giam 29 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Từ đó, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn TP đã giảm hẳn.
Theo Phó Giám đốc CATP, tới đây, cùng với việc đưa Công an chính quy về xã, CATP sẽ giao nhiệm vụ quản lý tại cơ sở cho lực lượng này để tăng cường phát hiện, phối hợp với Cảnh sát môi trường, CSGT hoạt động hiệu quả hơn.
Quản lý chặt phương tiện để ngăn ngừa
Đề cập đến phương thức, thủ đoạn hoạt động của cát tặc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, các đối tượng dùng thuyền để khai thác bãi nổi. Trong khi đó, một số cá nhân lợi dụng vị trí được khai thác để tự ý đưa các tàu không đăng ký vào hoạt động.
Những đối tượng này thường xuyên thay đổi thời gian, quy luật hoạt động; lợi dụng những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ để khai thác (thường khai thác đêm tối, rạng sáng). Để phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng này còn thuê người cảnh giới từ xa.
Nói về khó khăn trong việc bắt, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép, Phó Giám đốc CATP cho biết, các đối tượng khai thác cát thường lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh để khai thác. Khi xuồng của CSGT đi tới thì thuyền của các đối tượng nhổ neo, bỏ chạy sang địa bàn tỉnh khác. Đại tá Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, đến nay, việc xác định địa bàn để xác định trách nhiệm còn khó khăn. Khi đối tượng sang địa bàn tỉnh khác, thẩm quyền điều tra không thuộc CATP Hà Nội nữa.
Về phương tiện, Phó Giám đốc CATP cho biết, các đối tượng sử dụng tàu có ống hút để khai thác trái phép, hút lên trên tàu; có trường hợp bán cát ngay trên sông hoặc chuyển về bến bãi. Hầu hết phương tiện đều có hiện tượng cải hoán, gắn vòi, hết hạn đăng kiểm...
Phó Giám đốc CATP khẳng định, trong phạm vi trách nhiệm của mình, CATP Hà Nội là lực lượng chủ công trong việc đấu tranh với những đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố. Các bến bãi thuộc trách nhiệm của các sở, ngành địa phương.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng cũng cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ các phương tiện khai thác cát trái phép. CATP Hà Nội đã kiến nghị Sở GTVT về việc tăng cường xử lý phương tiện vi phạm đăng kiểm. Ngoài ra, CATP cũng có 25 kiến nghị đến các sở ban ngành, giải quyết các bến bãi không phép, quy hoạch tổng thể các bến sông.
Thời gian tới, CATP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng các tỉnh giáp ranh trong việc đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép. CATP cũng đề nghị Thanh tra giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an giải quyết kiểm tra những phương tiện vi phạm…
Tàu hút cát trái phép giữa sông, chính quyền xã không biết xử lý thế nào...
Trả lời về tình trạng khai khác cát trái phép tại xã mình, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) Hồ Quốc Khánh cho biết, Từ năm 2018 đến nay, cát tặc ồ ạt đến xã khai thác cả ngày đêm, tàu cuốc hút cát rất nhiều. Cao điểm năm 2018 – 2019, có lúc có khoảng 10 tàu hút cát. Sau khi xảy ra tình trạng khai thác cát trên địa bàn, xã đã báo cáo UBND huyện và TP. Huyện đã ban hành văn bản, quyết liệt xử lý.
Cuối năm 2019, tình trạng khai thác cát cơ bản chấm dứt nhưng trong năm 2020, một số tàu cuốc lại đến, khai thác vào ban đêm, quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng 1-2 tàu cuốc. Huyện và xã đã ra quân quyết liệt, đến nay cơ bản chấm dứt nhưng mấy đêm gần đây vẫn có 1-2 tàu khai thác từ 21 giờ đêm đến 4 - 5 giờ sáng.
Cảm ơn CATP đã quyết liệt đấu tranh, hạ nhiệt nạn “cát tặc” ở địa phương mình, ông Khánh thừa nhận vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn mình và cho biết nỗi khổ của địa phương khi “người dân mua trống, mua đèn, không xua được cát tặc thì vào nhà chủ tịch xã đánh trống, thối kèn”.
Ông Khánh ví von, tinh hình địa phương như “gái 18”, cát tặc dòm ngó hàng ngày, nếu không có cơ chế quản lý rất khó khăn; xã cũng thiếu phương tiện như tàu cao tốc để đấu tranh, xử lý... "Vết thương lòng này không biết bao giờ mới hết”, ông Khánh nói và đề xuất kè khu vực sông trên địa bàn, và nếu không được trang bị tàu và người thì xin bố trí chốt CSGT ở xã để ngăn chăn cát tặc.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chưa hài hòng với phần trả lời của Chủ tịch UBND xã Xuân Đình và nói rõ: “Trách nhiệm của xã là đã phát hiện, báo cáo cấp trên nhưng xã làm gì thì chưa nói? Theo quy định thì xã phải có giải pháp…”.
Chủ tịch UBND xã báo cáo thêm: “Xã đã nắm bắt, phát hiện, báo cáo. Cát tặc hút cát giữa lòng sông nên xã cũng không biết làm thế nào chỉ có thể ra và động viên nhân dân...”.