Cậu bé 10 tuổi sống cô độc trong rừng ở Tuyên Quang đón Tết thế nào?
Những giây phút chạm khoảnh khắc giao thừa, trên khuôn mặt cậu bé Đặng Văn Khuyên (ở Hàm Yên, Tuyên Quang) thường trực nét rạng ngời bởi năm nay, em được đón Tết đủ đầy cùng bà nội.
Vui mừng vì được ăn bánh chưng bà gói
Khi khoảnh khắc giao thừa bước sang năm mới chỉ còn được tính bằng giờ, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có mặt tại ngôi nhà 3 gian của Đặng Văn Khuyên (10 tuổi, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang). Mặc dù không gian sống quen thuộc của Khuyên vẫn ọp ẹp nhưng không khí Tết lại rộn ràng hơn bao giờ hết.
Khuôn mặt Khuyên cũng trở nên rạng ngời khi tại "tư gia" của em, tiếng nói quen thuộc của bà nội xen lẫn những lời thăm hỏi, động viên không ngớt của các nhà hảo tâm.
Bên ngoài sàn nứa, nơi có ống dẫn nước chảy không ngừng nghỉ đến hai chậu inox, Khuyên lúi húi, tỉ mẩn rửa sạch từng đôi đũa, chiếc bát.
Khuyên bật mí, vì muốn bà nội vui nên em sẽ chuẩn bị một bữa trưa tươm tất là nấu một bát canh cà chua cho bà ăn, trong bữa trưa cuối cùng của năm.
Năm nay, gia đình Khuyên đủ đầy và ấm áp hơn nhờ có bà nội và sự đóng góp của các "Mạnh Thường Quân".
Nhắc đến hoàn cảnh của cháu trai, bà Hoàng Thị Tinh (66 tuổi, bà nội của Khuyên) bùi ngùi, chia sẻ: "Từ trước tới nay, tôi cứ đinh ninh là Khuyên ở cùng bác họ sống ngay bên cạnh nhà. Tuy nhiên, từ khi những thông tin về cháu Khuyên được chia sẻ, tôi rất đau lòng và thương cháu".
Bà Tinh cho biết, vì hoàn cảnh của cháu nên bà Tinh đã sắp xếp công việc, bắt xe về Tuyên Quang với cháu Khuyên từ ngày 24 âm lịch (cách Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần).
"Tôi đã dành khoảng 4 - 5kg gạo nếp cùng thịt lợn để gói bánh chưng cho Khuyên. Năm nay, tôi ở lại đón Tết cùng cháu trai cho đến mồng 2 thì cùng chồng trở lại Yên Bái. Tuy nhiên, trước khi về, tôi cũng nhờ đến hai vợ chồng bác họ chăm sóc Khuyên", bà Tinh cho hay.
Khi khoảnh khắc giao thừa chỉ còn được tính bằng giờ, những cây nêu đã dựng khắp ngõ xóm thì trong ngôi nhà sàn 3 gian ọp ẹp, bà nội của Khuyên bắt đầu vào khuôn bánh chưng và Khuyên bắt đầu bày biện mâm lễ lên ban thờ.
"Tết năm nay, em vui lắm, vì có bà ở cùng, có bánh kẹo và thịt lợn. Em lại được ăn bánh chưng của bà gói. Em còn được tặng cả xe đạp nữa nên Tết năm nay, em thoải mái đạp xe đi đến các nhà trong bản", Khuyên hồn nhiên chia sẻ.
Khuyên sẽ có nhà đẹp sau Tết
Đặng Văn Khuyên là cậu học trò mồ côi nghèo, được cả nước biết đến khi vượt hàng trăm km từ Tuyên Quang sang Lạng Sơn để đưa thi thể bố về nhà tổ chức ma chay vào cuối năm 2019.
Mặc dù đang theo học lớp 5 nhưng điều kiện của Khuyên không được như bạn bè cùng trang lứa, Khuyên phải sống một mình lủi thủi trong căn nhà tranh với hàng ngàn khe hở lạnh thấu.
Ngoài thời gian lên lớp, Khuyên phải tự lo "miếng ăn, miếng uống" để sống qua ngày.
Vào những dịp Tết Nguyên đán, khi các gia đình bắt đầu quây quần, trẻ em được mặc quần áo mới, được ăn mứt ngon, kẹo ngọt và nhận nhiều lời chúc tốt đẹp thì Khuyên cũng chỉ biết quanh quẩn với 4 bức tường ọp ẹp mà chẳng có ai bầu bạn. Tuy nhiên, từ khi câu chuyện về hoản cảnh của Khuyên được cộng đồng biết đến, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chung tay, hỗ trợ để cậu học trò nghèo có cuộc sống tốt hơn.
Trong không gian nhà Khuyên có thêm các vật dụng thiết yếu, từ tủ lạnh, bếp gas, đệm, xe đạp, bàn học… cho đến bánh, mứt, kẹo, nước ngọt… Nhìn ánh mắt rạng ngỡ, nụ cười ngây thơ, hiền hòa của Khuyên, có lẽ ai cũng cảm nhận được Khuyên đang đón một cái Tết ấm áp, an nhiên.
Trao đổi với PV, ông Triệu Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long cho biết, từ khi hoàn cảnh của bé Khuyên được nhiều người biết đến, UBND xã Thành Long đã mở một tài khoản tại Ngân hàng Chính sách xã hội để lưu giữ số tiền các "Mạnh Thường Quân" ủng hộ cháu Khuyên.
"Hiện chúng tôi đang lập dự toán kinh phí xây dựng ngôi nhà cho cháu Khuyên. Ngôi nhà của cháu sẽ có diện tích khoảng từ 50 – 70m2, có đầy đủ các công trình phụ khép kín. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, khi chi tiết được các khoản thu chi cho việc xây nhà, chúng tôi sẽ tiến hành khởi công", bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã Thành Long cho hay.