Cậu bé 12 tuổi tử vong vì làm theo thử thách trên TikTok
Joshua Haileyesus qua đời sau khi tham gia thử thách trên TikTok.
Các video trên ứng dụng Tiktok đang trở thành trao lưu "gây bão" trong giới trẻ, tuy nhiên, người dùng nên cân nhắc việc trở thành bản sao của 1 ví dụ nào đó nếu chưa lường trước được hậu quả/
Cách đây ít hôm, cậu bé 12 tuổi Joshua Haileyesus (Colorado, Mỹ) đã bất tỉnh rồi chết não sau 3 tuần nằm viện tại bệnh viện Nhi Colorado vì thực hiện theo 1 clip thách thức trên Tiktok.
Cha của cậu bé, Haileyesus Zeryihun, nói rằng thông qua câu chuyện đau lòng của gia đình mình, ông muốn các bậc cha mẹ khác nhận thức được mức độ nguy hiểm của những thử thách đang thịnh hành trên các nền tảng như TikTok và YouTube.
Ông đau lòng nói: "Joshua đã đến với Chúa. Đối với những người đã cầu nguyện không ngừng và chia sẻ gánh nặng với gia đình trong suốt thời gian qua, chúng tôi cảm ơn các bạn. Những lời cầu nguyện và tình yêu của các bạn đã an ủi chúng tôi. Gia đình rất biết ơn vì điều đó".
Ngày 22/3, Joshua Haileyesus được anh trai sinh đôi phát hiện bất tỉnh trên sàn nhà tắm sau khi cố gắng làm theo Blackout Challenge (tạm dịch: Thử thách ngạt thở) lan truyền trên TikTok. Thử thách này đã chỉ dẫn trẻ em, thanh thiếu niên tự quay phim, thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời.
Để làm theo, Joshua Haileyesus đã dùng dây giày khi thực hiện thử thách này.
Sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Colorado, Joshua được tuyên bố chết não. Sau vụ việc, TikTok đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự chia buồn sâu sắc nhất đối với Joshua và gia đình cậu bé.
"Trên TikTok, chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn là bảo vệ sự an toàn của cộng đồng. Nội dung cổ vũ hoặc lan truyền hành vi nguy hiểm bị nghiêm cấm và xóa ngay lập tức để ngăn nó trở thành xu hướng trên nền tảng của chúng tôi", tuyên bố của Tiktok viết.
Hàng loạt trào lưu nguy hiểm gây chết người khác từng được các chuyên gia y tế cảnh báo như Skull Breaker Challenge (tạm dịch: Thử thách kẻ phá hủy hộp sọ), Benadryl Challenge (thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác, tìm cảm giác hưng phấn) cũng có nguồn gốc từ TikTok.
Thanh Minh (Nguồn The Sun)