Cậu bé 14 tuổi tự tử không phải do áp lực học tập mà từ mối quan hệ gia đình
Rất nhiều vụ tự tử của trẻ em xảy ra liên quan tới 'bài tập về nhà', nhưng liệu rằng đây có phải là nguyên nhân chính gây ra những cái chết thương tâm.
Cách đây không lâu, một tai nạn xảy ra ở quận Giang Đô, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc khiến cho nhiều người bàng hoàng. Theo đó, một cậu bé 14 tuổi rơi từ tầng 31 xuống đất, tử vong ngay lập tức.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân cái chết của cậu bé, mọi người biết được 2 mẹ con đã xảy ra một trận tranh cãi lớn. Cậu bé được cho là không làm bài tập về nhà, dùng điện thoại liên tục, người mẹ quá tức giận nên đã xé vở bài tập của con trai. Sau đó, người mẹ bỏ đi, cậu bé quá phẫn uất nên đã nhảy lầu tự tử.
Ảnh minh họa.
Những vụ tự tử của trẻ em như thế này luôn là thông tin gây chấn động trong dư luận xã hội Trung Quốc. Vụ việc này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt và gây hoang mang trên diện rộng sau khi được lan truyền trên mạng.
Liệu có phải nguyên nhân của việc tự tử chính là do “bài tập về nhà”? Câu trả lời chắc chắn là “không”. Bởi đằng sau sự việc thương tâm này, có rất nhiều nguyên nhân nhưng đa phần chính là do môi trường gia đình.
Sau đây là 6 mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có thể khiến cho những đứa trẻ có xu hướng suy nghĩ tiêu cực và hành động bồng bột.
1. Trẻ nghiện game
Chơi game dường như là một cám dỗ chung mà hầu hết trẻ em đều ít nhất một lần đối mặt. Tuy nhiên, thật khó để trẻ không sử dụng điện thoại trong cuộc sống hiện đại. Mặc dù các sản phẩm điện tử có những mặt tích cực, nhưng khi không được kiểm soát tốt, nó sẽ gây hại cực kỳ.
Ngoài nguyên nhân nghiện game, trẻ sử dụng điện thoại nhiều có thể là vì cha mẹ quá bận rộn, không dành thời gian cho chúng. Trẻ cảm thấy cô đơn, bất lực và chỉ có thể tìm niềm vui trên chiếc điện thoại.
Những đứa trẻ nghiện game, đều mắc kẹt trong mối quan hệ mà cha mẹ dường như quá xa cách với con cái.
2. Trẻ gặp khó khăn trong học tập
“Mỗi khi thấy con làm bài không tập trung, ngồi ngoáy mũi, mơ màng, nghịch bút, tôi cảm thấy rất khó chịu, chỉ muốn lao vào mắng cho một trận, hoặc cho vài roi vào mông”.
Kiểu độc thoại nội tâm này không quá xa lạ với nhiều cha mẹ. Việc trẻ không tập trung học như thế này không phải vì chúng không thông minh, mà do chúng chưa được hình thành thói quen học tập tốt ngay từ nhỏ.
Rèn luyện thói quen học tập từ nhỏ, cụ thể là ngay từ lớp mẫu giáo sẽ là nền tảng tốt cho trẻ sau này. Tuy nhiên, vì quá bận bịu, cha mẹ thường lơ là trong việc rèn luyện con cái tính kỷ luật trong học tập.
Khi con cái bước vào trung học cơ sở và trung học phổ thông, các bậc cha mẹ sẽ buồn bã nhận ra “nếu không rèn luyện từ nhỏ, giờ muốn sửa đổi sẽ cực kỳ khó”.
3. Trẻ được nuôi dưỡng bởi ông bà
Vì hoàn cảnh gia đình, nhiều trẻ được giao cho ông bà chăm sóc, còn cha mẹ tập trung kiếm tiền, đến khi chúng lớn rồi mới đón con về ở cùng. Tuy nhiên, khi cha mẹ và con cái không thân thiết với nhau, việc dạy dỗ sẽ rất khó. Cha mẹ càng quan tâm, con cái càng cảm thấy khó chịu và không muốn nghe lời. Kết quả là cha mẹ và con cái sẽ thường xuyên cãi vã.
Lúc này, cha mẹ cần hiểu rằng, chỉ khi trẻ cảm thấy được yêu thương, chúng mới có động lực học tập chăm chỉ. Nếu kết quả của con cái không như ý muốn, cha mẹ hãy tự nhủ rằng, chỉ cần chúng khỏe mạnh là trên hết. Đừng so sánh, đánh đập, kiểm soát, đẩy đứa trẻ vào con đường tuyệt vọng.
4. Trẻ sống trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn
Chắc chắn những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh này bị tổn thương rất nhiều, chúng cũng có xu hướng lơ là việc học và cô đơn.
Nếu thực sự quan tâm đến việc học của con cái, cha mẹ nên tạm gác những bất đồng cá nhân, vẫn dành thời gian yêu thương trẻ. Sự quan tâm như vậy, dù cha mẹ có ly hôn, trẻ vẫn vẫn cảm hạnh phúc.
5. Trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh
Cách dạy con “thương cho roi cho vọt” hoàn toàn sai lầm và để lại những tổn thương không thể xóa nhòa cho một đứa trẻ. Dù lý do có chính đáng như thế nào, sự đau đớn về thể xác mà cha mẹ gây ra cho con cái, có thể khiến chúng phẫn uất và dễ hành động thiếu suy nghĩ.
Có thể trong lúc nóng giận, cha mẹ không kìm chế được hành vi của mình. Sau khi bình tĩnh lại, họ nhận ra sai lầm nhưng đôi khi một số trường hợp có thể khiến cho cha mẹ hối hận cả một đời. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu được những hậu quả của việc đòn roi trong việc giáo dục con cái.
6. Trẻ có em
Khi một đứa trẻ bỗng có thêm em, điều này có nghĩa là cha mẹ sẽ không thể dành toàn bộ thời gian và tình yêu thương cho chúng như ban đầu nữa. Trẻ sẽ có cảm giác cô đơn và sợ bị em mình giành hết toàn bộ tình yêu của cha mẹ. Do đó, trẻ sẽ dễ có xu hướng thích gây sự, quậy phá…, mục đích là để thu hút sự chú ý của cha mẹ mình.