Cậu bé 'chim cánh cụt' và giấc mơ thành họa sỹ
Bé Nguyễn Tiến Anh không có hai tay vẫn làm được mọi việc bằng đôi chân của mình. Em viết, vẽ rất đẹp và học giỏi.
Cậu bé “chim cánh cụt” Nguyễn Tiến Anh (SN 2010, ở xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa giấc mơ trở thành họa sĩ.
“Các bạn làm được gì con làm được nấy”
“
Thầy Nguyễn Xuân Tưởng - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lan Mẫu cho biết: “Trên lớp, Tiến Anh vẫn luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, không vì hoàn cảnh khó khăn hay bản thân tật nguyền mà mặc cảm hay tự ti. Bản thân em vẫn luôn cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Trong học tập, em luôn đạt thành tích tốt. Đặc biệt, Tiến Anh rất thích vẽ, những bài vẽ của em rất đẹp và sáng tạo. Tiến Anh đã đạt được nhiều giải vẽ tranh của trường và các cuộc thi vẽ tranh cấp thành phố. Năm 2018, trong cuộc thi vẽ tranh “Em vẽ ước mơ của em” do một hãng bảo hiểm phối hợp tổ chức trên toàn quốc, em đã đạt giải khuyến khích”.
”
Người dân làng Muối (xã Lan Mẫu) trìu mến và tự hào gọi Nguyễn Tiến Anh là “Nguyễn Ngọc Ký làng Muối”, còn bản thân Tiến Anh thì lại bảo: “Con chẳng làm sao cả, con thiếu đôi tay, nhưng các bạn làm được gì, con làm được nấy”.
Rửa sơ đôi bàn chân, bàn tay đầy bùn đất sau buổi cấy thuê sáng để bước vào nhà, chị Nguyễn Thị Tuyên, mẹ của Tiến Anh xác nhận, đúng là dù không có hai tay, nhưng Tiến Anh tự làm được hết mọi việc phục vụ bản thân, những việc phục vụ cá nhân cho đến vui chơi và học tập.
“Con không đứng ngoài cuộc bất kỳ trò chơi nào của các bạn, từ đá bóng, nhảy dây, chơi cờ… Hơn 2 tuổi, con đã biết dùng chân tự xúc cơm ăn, lớn lên thì biết tự thay quần áo, gội đầu, đánh răng. Bàn chân con hoạt động như bàn tay, có thể chải đầu, cài cúc áo. So với cậu anh song sinh, Tiến Anh có khi còn viết và vẽ đẹp hơn”, chị Tuyên nhìn con trìu mến kể.
Chứng kiến Tiến Anh dùng đôi chân viết những nét chữ ngay ngắn, con chữ đều tăm tắp; rồi đôi chân đó lại khéo léo cầm cây bút tô vẽ thành những bức tranh đẹp, những người lần đầu chứng kiến đều không khỏi trầm trồ thán phục. Những động tác kẹp bút ở hai ngón chân, đưa từng nét một được Tiến Anh thực hiện thuần thục, tuy nhiên khi thực hiện em phải gù lưng, vặn người mới có thể giữ chắc cây bút. Viết và vẽ chán, Tuấn Anh lại đi ra chỗ để máy tính, gác chân lên gõ thành thạo.
Chị Tuyên cho biết, chị đọc sách báo thấy thầy Nguyễn Ngọc Ký phải tập viết như cực hình, chân rớm máu, sưng phồng, nhưng Tiến Anh thì không quá vất vả như thế. “Có thể từ hồi còn 2-3 tuổi, con đã sử dụng đồ vật nhỏ như thìa, cốc quen rồi, nên chân con sớm mềm dẻo và khi đến tuổi tập viết như các bạn, con cũng tập cầm được bút vài buổi và viết được ngay. Mỗi tội khi con cầm bút, lưng cứ gập xuống để dõi theo nét bút, nên tôi cũng không muốn con viết vẽ nhiều, nhưng con lại mê vẽ lắm”, chị Tuyên nói.
Nhanh nhảu tiếp lời mẹ, Tiến Anh cho hay, con muốn thành họa sĩ, để sau này vẽ những bức tranh thật đẹp, bán lấy tiền cho mẹ đỡ khổ. “Tranh của con nhất định phải đẹp”, cậu bé “chim cánh cụt” tự tin nói trước khi cầm quả bóng chạy ào ra trước sân nhà đá mê say.
Ước mơ trở thành họa sĩ của Tiến Anh phần nào được mẹ em chắp cánh. Hàng tuần, chị Tuyên đưa con trai mình từ nhà đến TP Bắc Giang (cách 15km) để Tiến Anh học vẽ.
“Đến lớp cháu rất chăm chỉ học tập, cộng thêm có tố chất hội họa nên được thầy giáo đánh giá cao”, chị Tuyên khoe.
Mẹ truyền nghị lực cho con
Trong câu chuyện với mẹ con Tiến Anh và từ lời kể của những người hàng xóm, thì có thể nhận thấy, sự lạc quan và nghị lực của cậu bé “chim cánh cụt” phần nhiều đến từ người mẹ nông dân chân chất, hiền lành nhưng đầy ý chí.
Chị Tuyên làm công nhân và lấy chồng xa khi tuổi mới đôi mươi. Hôn nhân sớm tan vỡ, chị đưa con trai đầu lòng về quê nhà ở thôn Muối. Vài năm sau, muốn con trai có anh, có em, người mẹ trẻ quyết định sinh thêm nhưng không đi bước nữa.
Lúc mới mang thai đi siêu âm bác sĩ chẩn đoán song thai, chị Tuyên vui mừng lắm. Tuy nhiên, khi thai phát triển đến những tháng cuối thì niềm vui của chị bỗng trở thành nỗi buồn và sự lo âu. Bởi lúc này bác sĩ chẩn đoán, một trong hai bé phát triển không bình thường, bị thiếu đôi tay.
“Đúng như bác sỹ chẩn đoán, khi chào đời, Tiến Anh hoàn toàn không có đôi tay, từ vai trở xuống cụt lủn. Tôi ôm hai đứa con song sinh vào lòng, nước mắt cứ trào ra. Nhưng con là máu thịt của mình, tôi tự nhủ sẽ nuôi con thật tốt”, chị Tuyên trải lòng.
Một mình nuôi 3 đứa trẻ, trong đó có 2 trẻ song sinh sẽ rất vất vả, với một người mẹ nông dân đơn thân nghèo khó như chị Tuyên, càng vất vả hơn. Có nhà ngoại đỡ đần, khi hai con song sinh chưa kịp cứng cáp, chị đã lao ra đồng làm thuê, cuốc mướn quần quật để nuôi con. Để rồi, cuối ngày mệt nhoài trở về nhà, nhìn cậu con trai không có cánh tay, chị lại đau đáu lo sau này con có hòa nhập được với cộng đồng hay không, “giàu hai con mắt khó hai bàn tay”, rồi con biết làm gì sinh sống.
Nhưng dường như ông trời không lấy hết của ai cái gì, bé Tiến Anh cứ thế lớn lên bình thường, mạnh mẽ. So với người anh song sinh Tuấn Anh, Tiến Anh không to khỏe, bụ bẫm bằng, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, tinh nghịch. Chị Tuyên vẫn nhớ, khi mới tập đi, Tuấn Anh đứng dậy vịn tay vào tường, vào gường tập đi, thì cậu em Tiến Anh cũng dựa cơ thể vào tường bước theo.
“Nhìn thấy con chập chững từng bước đi, tôi đã òa khóc và tôi càng hiểu, con nỗ lực như vậy, thì tôi phải cố gắng nhiều hơn để nuôi các con nên người”, chị Tuyên bộc bạch.
Cứ như thế, cậu bé không tay lớn lên trong sự ngạc nhiên và yêu thương của mẹ, của những người thân thiết, của hàng xóm láng giềng. Hơn 2 tuổi, khi Tuấn Anh tập cầm thìa xúc cơm, Tiến Anh cũng vươn chân cầm thìa, uốn người tự đưa cơm vào miệng. Từ cầm nắm đồ chơi, đến xếp hình, ném bóng, cậu anh dùng tay làm gì, thì cậu em cũng vươn chân bắt chước như vậy.
“Tôi cho hai con đi mẫu giáo với mong muốn con có môi trường để hòa nhập, Tiến Anh có thể thoải mái chơi đùa cùng bạn bè, được tập tô, tập vẽ, tập viết cùng các bạn. Tôi dần yên tâm về con”, chị Tuyên tâm sự.
Ước mơ tròn đầy của cậu bé khuyết tật
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, trường tiểu học Lan Mẫu (lớp của hai anh em Tuấn Anh và Tiến Anh) cho biết, lúc đầu Tiến Anh mới đi lớp, thấy con không có đôi tay, các thầy cô lo lắng không biết em có cầm được bút để viết như các bạn khác không. Lúc đó thầy cô quan tâm, có ý muốn bố trí anh trai song sinh Tuấn Anh ngồi cạnh để kèm cặp, giúp đỡ nhưng Tiến Anh từ chối, bởi tất cả mọi việc từ cầm bút, mở sách, bỏ sách vào cặp rồi lấy ra, viết bài… em đều tự làm được như người bình thường. Điểm khác biệt duy nhất là em không thể ngồi bàn học như các bạn, nên lớp kê cho em một chiếc ghế ở hàng đầu để em ngồi học.
“Tiến Anh là một học sinh rất ngoan. Mặc dù tất cả các kỹ năng đều được làm bằng chân, nhưng em làm rất là tốt. Bản thân tôi và nhiều giáo viên trong trường rất khâm phục nghị lực vươn lên vượt khó của em Tiến Anh”, cô Huyền cho biết.
“Cậu bé này có nghị lực thật phi thường, không có đôi tay, chỉ bằng chân làm được mọi thứ, từ vệ sinh cá nhân cho đến vui chơi và học tập, không những vậy còn vẽ rất đẹp. Tôi luôn luôn nhắc nhở các con tôi là không cần học gần học xa ở đâu cứ nhìn sang gương của Anh Tiến mà noi theo”, hàng xóm của Tiến Anh cho hay.
Chị Tuyên chia sẻ, có lần hồi mới đi học tiểu học, chắc bạn bè lớp trêu chọc, Tiến Anh về nhà hỏi: “Mẹ ơi, sao con không có tay như các bạn, bao giờ tay con sẽ mọc hả mẹ?”. Hôm đó, chị Tuyên giải thích cặn kẽ cho Tiến Anh hiểu rằng, con là người khuyết tật, tay con sẽ không bao giờ mọc nữa, nhưng mọi bộ phận cơ thể con đều khỏe mạnh bình thường và nếu con cố gắng, con vẫn làm được mọi thứ… Từ đó, Tiến Anh luôn vô tư, thoải mái, hòa đồng, hồn nhiên nô đùa, học tập cùng bè bạn.