Cậu bé Hàn Quốc từng nghiện game thành sinh viên ưu tú
Dù con trai có kết quả học tập hạng bét vì mải mê chơi game, mẹ của Hong Sung Ho vẫn để anh theo đuổi sở thích của mình và tự quyết định tương lai.
"Dù có thế nào tôi cũng tin tưởng con", đó là lời mẹ Hong Sung Ho nói với khán giả khi cùng con trai xuất hiện trên chương trình phóng sự của đài EBS (Hàn Quốc).
Sung Ho từng là học sinh bị xếp "hạng bét" ở trường suốt những năm tiểu học và cấp 2 với điểm trung bình chỉ đạt 20/100. Năm lớp 10, anh đòi bỏ học để trở thành một game thủ chuyên nghiệp.
Bạn bè và giáo viên cũ của anh không khỏi ngỡ ngàng khi biết anh trúng tuyển vào trường đại học danh tiếng với học bổng toàn phần cho 4 năm học. Sau khi tốt nghiệp, Sung Ho đầu quân cho một công ty game hàng đầu và được xem là tài năng đầy triển vọng.
Sự trưởng thành đáng ngạc nhiên của cậu học sinh từng "nghiện game và nổi loạn" có sự góp công lớn từ sự thấu hiểu của người mẹ tâm lý.
Từ những năm trung học, Sung Ho mê các trò điện tử và bỏ bê học hành. Thời điểm đó, anh chơi ít nhất 6 tiếng mỗi ngày, thậm chí ngồi chơi suốt 24 tiếng vào cuối tuần, quên luôn cả ăn uống, nghỉ ngơi.
Kết quả, anh xếp thứ 490/505 toàn trường vào cuối năm cấp 2. Khi thầy giáo mắng "Kết quả thế này sao em không nghỉ học chơi game luôn đi", Sung Ho bướng bỉnh đáp "Nhưng sau em còn 15 bạn nữa mà".
Trước tình hình học tập sa sút của con và những lời khiển trách từ nhà trường, cha mẹ anh không khỏi lo lắng. Họ dùng nhiều biện pháp để răn đe, có lúc phải dùng đến đòn roi. Thế nhưng càng bị la mắng, Sung Ho càng tỏ ra bất trị.
Sau đó, cha mẹ anh chọn cách đối thoại, nhẹ nhàng khuyên bảo. Mẹ anh cố gắng thay đổi thói quen của con, gọi anh vào bếp cùng nấu cơm, nhưng bà vừa quay lưng thì Sung Ho lại bỏ đi chơi game.
Bên cạnh sự lo lắng, mẹ của Sung Ho cũng tò mò: "Tại sao những đứa trẻ lại ám ảnh đến kỳ lạ với thứ chúng thích?". Từ suy nghĩ đó, bà tự hỏi liệu có thể khiến con chuyển sang đam mê thứ khác thay vì mê game.
Bà bắt đầu lên lịch trình cùng con đi du lịch, đưa cậu đi học nhảy, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và luôn đồng hành bên con trong suốt thời gian đó.
"Điều quan trọng là để Sung Ho được tự quyết định điều muốn làm, không khiến nó khó chịu hay cố ép nó làm những điều nó không thích", người mẹ bày tỏ.
Tuy nhiên, trước sự nhượng bộ của cha mẹ, Sung Ho chưa thay đổi ngay. Anh vẫn mải mê với các trò điện tử. Năm lớp 10, anh đòi bỏ học để trở thành một game thủ chuyên nghiệp.
"Nếu đòn roi có thể cải thiện kết quả học tập của con chắc tôi cũng không ngại ngần mà đánh nó mấy chục lần. Nhưng thằng bé này ương bướng, dù có mềm mỏng hay cứng rắn cũng không ăn thua, tôi biết làm sao bây giờ", mẹ anh than thở với giáo viên chủ nhiệm.
Cuối cùng, bà mẹ nhận ra không có cách nào uốn nắn nếu đứa con của mình không tự thức tỉnh. Thay vì phản đối quyết liệt, bà chuyển sang tin vào quyết định của con. "Cứ để nó làm! Thử thách không được thì tự mình từ bỏ".
"Làm đi, con làm được mà, con sẽ vô địch giải đấu", cha mẹ anh bắt đầu ủng hộ con theo đuổi con đường thành game thủ. Họ không ngờ, sự động viên đó đã tạo nên bước ngoặt lớn.
Sung Ho nhớ như in khoảnh khắc cha mẹ tiễn anh đến trạm xe buýt khi anh đi tham gia giải đấu. Nhưng cuối cùng anh thua cuộc và nhận ra mình chưa đủ sức để theo con đường này.
"Điều khiến tôi đau khổ không phải là thua cuộc mà buồn khi niềm tin mẹ đặt vào mình không được đền đáp". Anh quay trở lại học hành và đặt hết quyết tâm vào nó.
Với tinh thần hăng say y hệt lúc chơi game, Sung Ho dành hết tâm trí cho việc học. Chỉ sau một năm, anh vươn lên vị trí cao thứ 2 trong lớp rồi bứt phá lên đứng nhất toàn trường.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, anh đậu vào một trường danh tiếng. Khi nghe tin, nhiều người quen cũ của anh không tin. Ngay cả khi Sung Ho đưa tờ bảng điểm ra, họ vẫn cho rằng anh dùng ảnh photoshop để lừa họ.
"Người khác có tin hay không, không quan trọng. Chỉ cần có cha mẹ tin tưởng là tôi thấy hạnh phúc rồi", anh nói.
Sau khi tốt nghiệp, Sung Ho vẫn giữ niềm yêu thích lớn với các trò chơi và quyết định đầu quân cho một công ty phát triển game.
Nhiều người cho rằng chính vì được cha mẹ tin tưởng nên những đứa trẻ như Sung Ho không phải lo lắng, có thể tập trung làm điều mình muốn và phát huy hết khả năng. Kể cả anh làm sai, chính anh sẽ nhận hậu quả, tự kiểm điểm, sửa sai rồi chọn lấy con đường mình muốn đi.
Giống như triết gia người Anh, Herbert Spencer, từng nói "Khi đứa trẻ cảm thấy được yêu thương và tin tưởng, phép màu sẽ sớm xuất hiện", Sung Ho đã làm nên kỳ tích khi được cha mẹ trao cho niềm tin.
Theo kết quả cuộc khảo sát "Cha mẹ có tin tưởng tôi không?" do ĐH Kobe (Nhật Bản) thực hiện, cách cha mẹ nuôi dạy con được chia thành 6 dạng: ủng hộ, nghiêm khắc, tận tụy, lười biếng, đòi hỏi và bình thường.
Trong số đó, "cha mẹ ủng hộ" có mức độ tin tưởng cao nhất vào con cái. Con của họ không chỉ có điều kiện sống và thu nhập tốt hơn mà còn có cảm giác hạnh phúc mạnh mẽ nhất. Khi cha mẹ tin tưởng, con cái được tận hưởng hạnh phúc dù chúng làm bất kể điều gì.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-be-tq-tung-nghien-game-thanh-sinh-vien-uu-tu-post1115669.html