Cậu bé mặc váy - lòng bao dung làm nên điều kỳ diệu
Với lối kể dí dỏm cùng cốt truyện hấp dẫn, giàu tính giáo dục, nhà văn người Anh David Walliams đã chinh phục được độc giả nhỏ tuổi trên khắp thế giới.
Được mệnh danh là “người kế thừa Roald Dahl”, David Walliams đã mang tới cho bạn đọc nhí nhiều câu chuyện hài hước. Độc giả Việt Nam biết tới ông qua nhiều tác phẩm thú vị như: Bà nội Găngxtơ, Bánh mỳ kẹp chuột, Nha sĩ yêu quái, Ông nội vượt ngục… Cậu bé mặc váy là tiểu thuyết mới nhất của David Walliam được dịch ra tiếng Việt.
Tìm thấy niềm vui sau những mất mát
Dennis là một đứa trẻ đáng thương. Sau khi mẹ bỏ đi, Dennis và người anh trai tên John sống cùng bố trong căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô. Bố cậu là người nóng tính và thô lỗ. Ông không thích những cái ôm và hiếm khi thể hiện tình cảm với con cái. Công việc bận rộn của một lái xe tải đường dài khiến ông không có nhiều thời gian cho hai con.
Dennis nghĩ rằng cuộc sống không có mẹ giống như một cuộc phiêu lưu. Thử thách lớn nhất trong hành trình ấy, chính là việc học cách vượt qua nỗi nhớ.
Sau khi mẹ ra đi, bố đã đốt hết những tấm hình có hiện diện của bà. Phải cố gắng lắm cậu mới giữ lại được một bức ảnh của ba mẹ con. Nếu không có nó, cậu sợ rằng đến một ngày nào đó cậu sẽ quên mất gương mặt của mẹ. Trong ảnh, mẹ mặc một chiếc váy rất đẹp.
Từ đó, Dennis bắt đầu sưu tầm những cuốn tạp chí thời trang. Cậu say sưa ngắm các cô người mẫu duyên dáng mặc những chiếc váy lộng lẫy và bắt đầu mường tượng về hình dáng của mẹ, nếu được khoác lên mình những bộ trang phục đẹp như vậy.
Dennis còn có một sở thích khác là chơi bóng đá. Cậu là chân sút cừ khôi trong đội bóng của trường. Bóng đá giúp ba cha con xích lại gần nhau hơn. Lần hiếm hoi bố ôm Dennis vào lòng là khi ba cha con đang xem câu lạc bộ địa phương thi đấu.
Trên sân cỏ, Dennis như biến thành con người khác. Tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả khiến cậu bé tạm quên đi những buồn bực thường ngày. Dù bị cảm nặng, Dennis vẫn cố gắng ra sân trong trận tứ kết, chỉ có chiến thắng mới giúp đội bóng vào vòng trong. Một chân sút cừ khôi như cậu làm sao bỏ lỡ được khoảnh khắc đáng nhớ đó.
Dennis may mắn quen Lisa, một cô bé đam mê thời trang. Họ nhanh chóng trở thành bạn và ngồi nói chuyện hàng giờ về vải vóc, chất liệu và kiểu dáng của những bộ đầm trong tạp chí. Một hôm, Lisa đưa ra một ý tưởng táo bạo. Cô bé gợi ý Dennis mặc đồ nữ đến lớp, giả làm nữ sinh người Pháp đang tham gia chương trình giao lưu văn hóa.
Thật không may, thầy hiệu trưởng đã phát hiện ra chuyện này. Dennis bị đuổi học và trở thành trò cười của cả trường. Không chỉ bị bố mắng, cậu có thể bỏ lỡ trận đấu quan trọng của đội bóng. Điều gì đang chờ đợi cậu bé tội nghiệp?
Học cách khoan dung để chào đón hạnh phúc
Giống như nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết của David Walliams, Dennis trong Cậu bé mặc váy không phải là đứa trẻ hoàn hảo. Nhà văn sẵn sàng chấp nhận những lỗi lầm của nhân vật. Đó là lý do khiến cho các tác phẩm của cây bút người Anh trở nên gần gũi và chân thực hơn với bạn đọc nhỏ tuổi.
Dù nghịch nghịch ngợm và đôi lúc hơi bướng bỉnh nhưng Dennis vẫn là một đứa trẻ có trái tim ấm áp và rộng lượng. Nhiều lần, bố đã nổi nóng vô cớ với cậu bé, nhưng Dennis chưa từng giận ông. Cậu biết rằng sau khi mẹ bỏ nhà đi, bố đã chịu rất nhiều tổn thương. Thế nên, Dennis luôn an ủi bố mỗi khi cậu thấy ông đang buồn.
Những lời nói ấm áp của cậu bé như một phép màu đối với ông bố cục cằn. Dần dần, bố đã học cách quên đi những chuyện buồn trong quá khứ để sống một cuộc đời khác. Ông đã dành cho hai cậu con trai tình yêu thương mà chúng khao khát bấy lâu.
Nhà văn muốn nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh: Đừng nôn nóng biến con mình thành một đứa trẻ hoàn hảo. Cha mẹ hãy tự hào khi con trẻ nỗ lực mỗi ngày để khắc phục những khuyết điểm của bản thân. Hãy bao dung cho những lỗi lầm của lũ trẻ, giống như cách chúng ngây thơ quên đi nhiều thiếu sót của người lớn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-be-mac-vay-long-bao-dung-lam-nen-dieu-ky-dieu-post1390223.html