Cậu bé nhảy lầu vì nghĩ sẽ không chết: Cha mẹ cần dạy con điều này
Khi xã hội phát triển, có quá nhiều thứ cha mẹ không thể kiểm soát được xung quanh con mình. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ nên trang bị kiến thức đúng đắn cho trẻ, đặc biệt là về cái chết.
Khi trẻ hỏi về cái chết, chúng ta thường bịa ra đủ loại lời nói dối đẹp đẽ để che đậy, chẳng hạn như người chết sẽ trở thành thiên thần bay lên bầu trời hay đến thiên đường mình mơ ước. Có lẽ, cha mẹ cảm thấy con mình vẫn nhỏ, chưa cần thiết phải biết nhiều về cái chết, khi lớn lên chúng sẽ tự hiểu.
Thế nhưng, trẻ em ngày nay hiểu biết rất sớm thông qua các kênh tiếp nhận khác nhau. Trong một số trường hợp, trẻ không tránh khỏi việc vô tình tiếp xúc với “tử thần”.
Điều đáng báo động là trong những năm gần đây, hiện tượng trẻ em tự tử có xu hướng tăng. Chính vì thế, cha mẹ cần phải giáo dục cho trẻ hiểu về sự sống và cái chết là như thế nào.
Có một cậu bé 13 tuổi ở thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã nhảy từ tòa nhà 2 lần trong 1 giờ. Khi các nhân viên cứu hộ ngăn cậu lại, cậu vẫn có ý định tiếp tục nhảy.
Hay một trường hợp khác là 2 anh em ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc đã cùng nhau nắm tay nhảy từ tầng 4 nhà mình xuống đất và bị thương rất nặng. Cô bé kể lại: “Anh trai em nói nhảy từ trên lầu xuống như trong game sẽ không chết nên đã nắm tay em nhảy cùng”.
Không được giáo dục về cái chết, trẻ mất đi sự sợ hãi trong cuộc sống
Một giáo sư về tâm thần học trẻ em ở Trung Quốc nói: "Chúng ta nên chọn thời điểm thích hợp để thảo luận về các chủ đề cái chết, giúp con cái có sự hiểu biết chính xác”. Nhiều cha mẹ không biết giải thích sao trước câu hỏi về cái chết của trẻ, họ sẽ kiếm cớ hoặc bịa ra cái gì đó để đánh lừa trẻ.
Chuyên gia giáo dục Đài Loan Trương Thục Mai cho biết: “Trẻ em sẽ có khái niệm về cái chết khi khoảng 4 tuổi. Nếu không được sự hướng dẫn chính xác của cha mẹ hoặc thầy cô, chúng sẽ dễ có quan niệm sai lầm về cái chết, ảnh hưởng đến tính mạng của mình”.
Thay vì cho phép trẻ em thụ động nhận ra cái chết, tốt hơn là nên dạy cho con hiểu về cái chết khi chúng còn nhỏ. Làm thế nào để giáo dục trẻ em về cái chết?
Tôn trọng sự sống và đối mặt với cái chết một cách thẳng thắn
Trẻ sẽ nắm bắt được từ biểu cảm, giọng điệu, lời nói của cha mẹ khi nói về cái chết. Nếu người lớn sợ cái chết, không muốn nói về nó, ắt hẳn cái chết là một điều gì đó khủng khiếp, tồi tệ và không được mọi người thích.
Trẻ có thể cảm nhận được nỗi sợ thông qua sự biểu lộ của cha mẹ. Đã đến lúc, cha mẹ không cần phải trốn tránh khi trẻ hỏi “chết là gì”, chỉ cần giải thích một cách đơn giản, rõ ràng, không cảm tính về cái chết.
Nói cho trẻ biết trẻ biết cái chết thực sự là gì
Nếu chúng ta có thể chấp nhận rằng, cuộc sống có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, thì chúng ta sẽ bình tĩnh hơn khi nói chuyện với con cái.
Nhà tâm lý học người Hungary Maria Nike, sau khi nghiên cứu hàng trăm trẻ em từ 3-12 tuổi, đã chia nhận thức của trẻ em về cái chết thành 3 giai đoạn:
Trước 4 tuổi, trẻ khó hiểu thế nào là chết thật. Nếu trẻ hỏi, cha mẹ có thể giải thích hời hợt cho trẻ. Các nghiên cứu của nước ngoài đã chỉ ra rằng, cha mẹ có học thức càng cao thì con cái càng hiểu và chấp nhận cái chết. Một yếu tố có thể xảy ra là cha mẹ được giáo dục tốt, sẽ giúp con cái họ hiểu về cái chết bằng cách giải thích rõ ràng vào đúng thời điểm.
Cha mẹ có thể chỉ cho trẻ nhìn thấy sự thay đổi của các mùa trong năm, sự héo úa của cây cỏ, cái chết của vật nuôi xung quanh, cái chết của người thân hay những sự kiện bi thảm trong tin tức... Đây là những cơ hội tốt nhất để thảo luận về cái chết với trẻ em.
Cố gắng nói một cách đơn giản, ngắn gọn và khoa học, sử dụng các thuật ngữ chính xác, để mô tả chu kỳ phát triển tự nhiên của cuộc sống. Bạn cũng có thể đưa trẻ đến các bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng khoa học kỹ thuật, bảo tàng sinh vật… Dưới góc nhìn khoa học, hãy để con cái hiểu rằng chết là quy luật tự nhiên.
- Giai đoạn cảm giác 5-9 tuổi
Sau 5 tuổi, về cơ bản đứa trẻ hiểu rằng, cái chết có nghĩa là sự kết thúc của cuộc đời. Chúng bắt đầu quan tâm đến việc mọi người đã đi đâu sau khi chết? Sẽ trở thành gì? Lời giải thích tốt nhất là cung cấp một ví dụ cụ thể.
Ví dụ: Khi con nhện chết, nó không thể đi được nữa và không thể dệt mạng được nữa.
Sau khi chết, một người sẽ tắt thở, mắt không nhìn được, không nói được, không còn cảm giác được nữa.
Trẻ ở giai đoạn này nhận thức rất rõ những nhu cầu sinh tồn cơ bản là ăn khi đói, uống nước khi khát, ngủ khi buồn ngủ, trẻ sẽ dễ dàng hiểu được cách giải thích này hơn. Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn mà trẻ tò mò về “tử thần” nhất và dễ háo hức muốn thử nhất.
Một số trẻ nghĩ rằng, nhảy từ một tòa nhà hoặc tự tử chỉ là một trò chơi và sẽ không thực sự chết. Hay như một số trẻ chỉ muốn dọa cha mẹ mà không biết hậu quả thực sự của việc làm đó.
Có những đứa trẻ khác nghĩ rằng cái chết là một sự giải thoát, chúng không phải làm bài tập về nhà khi chúng chết và chúng bị cha mẹ chỉ trích…
Vì vậy, ở giai đoạn này, ngoài việc giải đáp những nghi ngờ của trẻ về cái chết, việc giáo dục lối sống cũng cần được chú trọng.
Hãy nói với con bạn rằng, cái chết không phải là để giải thoát. Nếu trẻ chọn cái chết, chúng sẽ mất đi tất cả, bố mẹ, bạn bè, thức ăn mình thích, nơi mình muốn đi, người mình muốn trở thành. Nếu chết đi, tất cả những điều này sẽ biết mất và sẽ không có cơ hội làm lại.
- Trẻ trên 9 tuổi
Trẻ em ở giai đoạn này đã hoàn toàn hiểu về cái chết, và ai cũng sẽ trải qua điều đó. Điều chúng ta phải làm là nói với trẻ một cách lý trí. Ai cũng phải trải qua cái chết, cuộc sống là không thể thay đổi, chấp nhận những gì đã mất, không phải lo lắng khi nào cái chết sẽ đến, chỉ cần chúng ta sống thật vui vẻ, yêu thương những người xung quanh mới là điều quan trọng nhất.
Chuyển nỗi sợ hãi về cái chết của trẻ sang việc theo đuổi ý nghĩa của cuộc sống. Nói với bọn trẻ rằng, ai cũng sẽ gặp phải vấn đề, nhưng vấn đề nào cũng có giải pháp.