Cậu bé Trung Quốc đi bộ đến trường từ 5 giờ sáng

Hình ảnh cậu bé Teng phải rời nhà từ sớm khiến nhiều người suy nghĩ về điều kiện học tập quá khó khăn của thế hệ trẻ em nghèo tại Trung Quốc.

14/2, ngày đầu tiên của học kỳ mới tại Trung Quốc, cậu bé tên Xiao Teng, 11 tuổi, rời nhà lúc 5h khi trời chưa mờ sáng. Cậu đi bộ chặng đường 4 km để đến điểm bắt xe buýt tới trường, theo sau còn là 2 chú chó của gia đình.

Từ nơi làm việc tại Thâm Quyến, cách nhà 800 km, Chen Yao, 39 tuổi, bố của Teng theo dõi con qua camera an ninh để đảm bảo cậu đi học đúng giờ. Khi đóng cửa nhà, Teng ngước nhìn lên camera, cậu bé biết rằng cha mình đang nhìn lại.

Bố của Teng đã đăng đoạn video ghi cảnh con trai mình đi học lên mạng xã hội.

"Tôi không hề nói trước với con về việc nhìn nó qua màn hình. Đó là cảm nhận không cần lời nói của chúng tôi", anh nói với SCMP.

Đi cùng với 2 chú chó của mình, Teng bắt đầu hành trình đến trường vào lúc 5h sáng. Ảnh: Handout, Weibo.

Đi cùng với 2 chú chó của mình, Teng bắt đầu hành trình đến trường vào lúc 5h sáng. Ảnh: Handout, Weibo.

Teng sống ở phía nam tỉnh Giang Tây, khu vực miền núi giáp ranh với Quảng Đông, Trung Quốc. Hành trình đến trường của cậu gồm ba phần: đi bộ từ nhà 4 km, đi xe buýt 11 km và đi bộ thêm một đoạn ngắn nữa là đến trường.

Tại trường học, cậu được sinh hoạt nội trú từ thứ hai đến thứ sáu. Tối thứ sáu, cậu lại trở về nhà với bà và anh chị em của mình, những đứa trẻ đang học tại một trường cấp 2 gần nhà.

Nhiều năm trước, cha mẹ của Teng đã đến Thâm Quyến để mưu sinh, kiếm sống.

“Các trường học ở quê có chất lượng giáo dục rất kém. Vợ chồng tôi lại không có hộ khẩu ở Thâm Quyến, không thể đón con lên thành phố cùng mình. Teng phải ở quê mới có thể được thi Cao khảo. Ngoài ra, lũ trẻ đã quen với cuộc sống ở làng quê rồi” Chen giải thích.

Kể thêm về các con của mình, anh cho biết chúng đều là những đứa trẻ hiểu chuyện.

“Chúng sẽ chơi trò oẳn tù tì để phân chia ai làm việc nhà”, anh kể.

Vợ chồng Chen về thăm các con mỗi tháng một lần và thể hiện tình yêu thương của mình bằng cách quan sát lũ trẻ từ màn hình camera an ninh. Anh cũng cho đây là cách để các con cảm nhận được sự hiện diện của cha mẹ trong ngôi nhà.

Sau khi đăng tải đoạn video về con trai lên mạng xã hội, Chen, người tài xế lái xe nâng, rất bất ngờ khi được mọi người quan tâm và lan truyền mạnh mẽ. Hàng chục triệu người đã xem video của anh qua nhiều kênh khác nhau, trong đó nhiều người nhận xét rằng sự chu đáo và thấu hiểu của cậu bé Teng khiến họ rơi nước mắt.

"Tôi hy vọng tất cả trẻ em trên thế giới không phải sống như thế này và có thể lớn lên với sự đồng hành của cha mẹ", một người bình luận trên Weibo.

 Bức ảnh về "Ice Boy" cho thấy hành trình học tập đầy khó khăn của những người dân nghèo nhất Trung Quốc. Ảnh: 163.com.

Bức ảnh về "Ice Boy" cho thấy hành trình học tập đầy khó khăn của những người dân nghèo nhất Trung Quốc. Ảnh: 163.com.

Quãng đường đi học của Teng cũng làm nhiều người nhớ đến "Ice Boy" (cậu bé băng tuyết - tạm dịch), cậu học sinh trở thành tâm điểm quốc gia vào năm 2018 sau khi xuất hiện trong một video với mái tóc, lông mi đông cứng và đôi má ửng đỏ vì lạnh.

Đằng sau "Ice Boy" là những người bạn của cậu đang bật cười, thể hiện sự khó khăn rất lớn mà những người dân nghèo nhất Trung Quốc phải đối mặt.

Sự lo lắng về kinh tế cũng là lý do khiến Chen, giống như hàng triệu công nhân nhập cư khác ở Trung Quốc, phải rời gia đình lên thành phố mưu sinh.

Từ 14 tuổi, anh đã đến Thâm Quyến làm việc sau khi cha mình qua đời. Vợ chồng anh là nguồn thu nhập duy nhất cho gia đình 7 người, trong đó có một người anh trai bị bệnh tâm thần.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-be-trung-quoc-di-bo-den-truong-tu-5-gio-sang-post1297058.html