Câu chuyện 'cá và kiến' trong kinh doanh
Tục ngữ Thái đã có câu 'Nước dâng, cá ăn kiến. Nước cạn, kiến ăn cá' được rút ra từ câu chuyện ngụ ngôn là bài học thấm thía để nhắc nhớ về văn hóa ứng xử trong cuộc sống và tính 'có thủy - có chung' trong kinh doanh.
Hãy như cá với nước
Cũng là cá nhưng câu chuyện về con cá “quốc dân” cá tra - cá basa đang là nỗi khắc khoải không chỉ của riêng hộ nuôi, mà còn là những suy tư trăn trở của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện giá cá đang rơi tự do dưới 20.000 đồng/kg và không ít hộ nuôi đang điêu đứng tất tả tìm doanh nghiệp bán cá.
Tình trạng này khiến nhiều vùng nuôi có kế hoạch “treo ao” chuyển nghề trong vụ tới là lẽ đương nhiên, dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng xuất khẩu cá tra trong năm 2020. Biểu đồ lên xuống tiếp tục tái diễn với khoảng cách nhặt hơn và điều này thể hiện sự bấp bênh của nghề nuôi có tuổi thọ hơn 100 năm.
Năm 2018 được xem là năm “vượng” của cá tra. Rất nhiều nông dân lãi đến 30% khi giá cá thương phẩm đạt ngưỡng trên 30.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng phấn chấn lây bởi sắc mặt hộ nuôi rạng ngời trúng quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít công ty thủy sản phải bẽ bàng chứng kiến sự vội vã rời bỏ khỏi sợi dây liên kết để tự do vẫy vùng tìm cơ hội mới.
“Khi giá cá tra lên ngôi, một vài người có diện tích nuôi lớn đã tìm mọi cách để tách khỏi mô hình nuôi liên kết dù chúng tôi đã cố gắng níu giữ cũng không được", một lãnh đạo doanh nghiệp đã không ngần ngại chia sẻ.
Trở về với thực tại. Đối nghịch với giá cá “thăng” trong quá khứ là nốt trầm của nghề nuôi cá da trơn hiện nay.
Cũng theo vị lãnh đạo này, những hộ nuôi ngoài vùng liên kết đến công ty chào giá 18.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp này vẫn thẳng thừng từ chối vì không thể nào đành lòng phá vỡ mối liên kết với các thành viên đã đồng hành với công ty trong những lúc khó khăn.
Trong thời điểm nhạy cảm này, có những hộ nuôi trước đây đã rời bỏ mô hình nuôi liên kết, nhưng nay đã quay lại hợp tác và doanh nghiệp vẫn đối xử “đẹp” mua cá với giá 25.000 đồng/kg. Đây là một hình ảnh rất sinh động mang ý nghĩa thiết thực thể hiện tính nhân văn và sống có tình có nghĩa của một doanh nghiệp lớn đầu ngành thủy sản.
“Nếu muốn đi nhanh thì hãy đi một mình. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”
“Tất cả chúng ta cần trân trọng mối quan hệ và giữ chữ tín với nhau. Khi giá cá lên người nuôi không rời bỏ doanh nghiệp. Ngược lại, giá xuống thì doanh nghiệp cũng không phá vỡ những gì đã cam kết với hộ nuôi. Thời gian qua đã chứng minh, những ai còn duy trì hợp tác với Sao Mai thì vẫn ăn nên làm ra. Họ rất an tâm khi có cuộc sống ổn định”, ông Lê Thanh Thuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai đã khẳng định.
Trong 12 năm tham gia ngành hàng chế biến và xuất khẩu cá tra, sản phẩm của IDI (thành viên lớn nhất của Tập đoàn Sao Mai) đã có mặt ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở bất cứ nơi nào, sản phẩm của công ty vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và giá cả phù hợp.
Thực tế này cho thấy, chiến lược kinh doanh của công ty luôn nhạy bén, biết thức thời nắm bắt nhanh chóng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Nhiều năm qua, IDI luôn nắm giữ vị trí trong TOP đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam.
Đằng sau những thành công đó là cả một quy trình vận hành đồng nhất và nhịp nhàng mà mắc xích vùng nguyên liệu ổn định cả về số lượng và chất lượng đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói rằng, cho đến nay, mô hình vùng nuôi liên kết của IDI được xem là hình mẫu tiêu biểu mà không phải Cty nào cũng có thể làm được. Và đây cũng là lời giải mã cho sự lớn mạnh mang tính bền vững của IDI qua nhiều “cơn biến động” của giá cá tra trên thương trường.
Hiện có trên 100 hộ tham gia nuôi liên kết với tổng diện tích mặt nước hơn 350 ha, cung cấp khoảng 90% sản lượng nguyên liệu cho 3 Nhà máy hoạt động liên tục. Hơn 10 năm là vệ tinh không thể tách rời với Công ty IDI, các hộ nuôi liên kết được cung cấp thức ăn chất lượng cao với giá tốt nhất, được tư vấn hỗ trợ nuôi theo phương thức mới và đặc biệt được bao tiêu theo thời giá sao cho đôi bên cùng có lợi.
Đơn giản là vậy, nhưng đồng hành gắn bó duy trì qua nhiều năm là cả một quá trình và sự nỗ lực của 2 phía. Dẫu biết rằng, giá cá tra hay bất kỳ một sản phẩm nào đó đều do thị trường quyết định và còn chịu sự tác động bởi những ngành hàng khác: tài chính, giá thực phẩm, giá ngũ cốc, tình hình chăn nuôi, giá dầu mỏ, giá vàng, tỷ giá ngoại tệ….thậm chí là thể chế chính trị ở các cường quốc.
Rõ ràng, tất cả đều có sự tương tác qua lại với nhau mới hình thành nên những giá trị ở ngành hàng. Do đó, trong bất cứ tình huống nào, sự liên kết chặt chẽ bao giờ cũng mang lại hiệu quả tốt nhất trên nhiều phương diện.
Đến đây, lại chợt nhớ đến câu nói của ông Lê Thanh Thuấn có tầm ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng hộ nuôi “Ai nuôi cá cho IDI mà lỗ thì chính tôi lấy tiền túi ra bù”.
Gần 100 hộ nuôi trong mô hình liên kết với IDI luôn có lãi cho dù giá cá tra thương phẩm “thăng hay trầm”.